Đặc sắc Tết Độc lập của người Mông ở Lai Châu
Đặc sắc Tết Độc lập của người Mông ở Lai Châu
Nhiều hoạt động văn hóa sôi nổi trong ngày Tết Độc lập của người Mông ở Lai Châu. |
Đến với huyện Than Uyên, Lai Châu ngày Quốc khánh, mọi người sẽ được khám phá, thưởng thức những nét đẹp văn hóa đơn sơ, mộc mạc tự nhiên như núi, như rừng của người Mông.
Mừng ngày đất nước độc lập
Sáng sớm 1/9, khi mây mù vẫn còn bao phủ trên những dãy núi cao, không khí ngày Tết Độc lập đã bao trùm khắp các bản làng rẻo cao của đồng bào dân tộc Mông ở huyện Than Uyên, lan tỏa sang cả các bản của đồng bào dân tộc Thái, Dao, Khơ Mú …
Đến xã Phúc Than, cách thị trấn Than Uyên 12 cây số, nơi có 6 bản người Mông sinh sống với khoảng 2000 nhân khẩu, ngày Tết cũng đang từng bừng. Cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trên nóc những ngôi nhà sàn vững chắc.
Cả nhà ông Giàng A Mão ở bản Noong Thăng có 9 người đang tất bật chuẩn bị xuống thị trấn đón tết. Mấy đưa trẻ con cười tíu tít, khuân mặt rạng rỡ khi mặc bộ váy, áo truyền thống sặc sỡ sắc màu của người Mông.
Bên bếp lửa bập bùng, nồi bánh bốc hơi nghi ngút thơm lừng, ông Giàng A Mão rưng rưng nhớ lại những ngày đồng bào dân tộc Mông theo Bác Hồ, theo Đảng, cuộc sống được mở ra một trang mới.
“Ơn Đảng, ơn Chính phủ, đồng bào dân tộc Mông nơi đây cùng nhau xuống thị trấn để mừng ngày đất nước độc lập”, ông Mão cho biết.
Ngày 1/9 hàng năm, dù trời mưa hay nắng, không phân biệt giàu nghèo, hàng vạn đồng bào dân tộc Mông ở Lai Châu và các tỉnh lân cận lại tấp nập về thị trấn Than Uyên để cùng chung vui, đón mừng ngày Tết Độc lập như một nét văn hóa truyền thống.
Còn những đôi trai gái người Mông ở tuổi cặp kê cũng được một dịp lý tưởng để hò hẹn, tìm kiếm bạn đời. Các chàng trai thi nhau thổi khèn bên nhưng cô gái trẻ đẹp, váy áo sặc sỡ. Có nhiều đôi bạn trẻ dù ở cách xa nhau cả trăm cây số, nhưng đã nên duyên vợ chồng khi cùng tham dự ngày Tết Độc lập.
Ông Giàng A Mão bảo rằng, từ khi đồng bào dân tộc Mông nghe theo Đảng, Chính phủ bỏ cuộc sống du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy hạ sơn lập bản sống định cư, cuộc sống của đồng bào đã được ấm no, hạnh phúc, không còn đói khổ như ngày xưa.
Cả bản Noong Thăng của ông có hơn 80 gia đình người Mông thì số hộ nghèo chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông vừa mới bán được hơn 3 tấn ngô, thu về gần 20 triệu đồng.
“Nhờ có Bác Hồ, có Đảng mà người Mông có được cuộc sống tốt đẹp như bây giờ. Năm nay, bản người Mông chúng tôi ăn Tết Độc lập được sung túc, vui vầy”.
Bảo tồn văn hóa dân tộc Mông
Chị Hoàng Thị Liễu, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Than Uyên cho biết, năm nay, tỉnh Lai Châu quyết định tổ chức “Ngày hội Văn hóa, thể thao dân tộc Mông” huyện Than Uyên lần thứ nhất, chào mừng Quốc khánh 2/9, đúng dịp Tết Độc lập của người Mông.
Thi bắn nỏ |
Từ ngày 1/9 – 2/9, tại trung tâm thị trấn Than Uyên diễn ra nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông như giới thiệu lễ hội dân gian, trình diễn trang phục dân tộc…
Bên cạnh đó là một gian hàng giới thiệu các vật dụng quen thuộc trong đời sống hàng ngày của người Mông, cùng với các trò chơi dân gian như ném pao, đánh cầu lồng gà, tù lu, hứa hẹn sẽ đem lại nhiều hấp dẫn, thú vị.
“Tết Độc lập là hoạt động văn hóa đặc biệt của người Mông. Vào ngày đó, thị trấn chật kín người. Thông qua ngày hội này, chúng tôi mong muốn gìn giữ những nét đẹp văn hóa dân tộc Mông cho thế hệ mai sau”, chị Hoàng Thị Liễu nói.
Đến với ngày Tết Độc lập năm nay, anh Vàng A Cư, một thanh niên người Mông ở huyện Than Uyên mang theo cây khèn truyền thống của dân tộc mình. Anh say mê thổi những điệu khèn quen thuộc của đồng bào dân tộc Mông.
“Để chuẩn bị cho ngày Tết Độc lập, mình đã cất công học thổi khèn từ những người già trong bản. Với người Mông, tiếng khèn không thể thiếu. Nhiều bạn trẻ như tôi vẫn còn say mê tiếng khèn truyền thống”, anh Vàng A Cư nói.
Cứ như thế, ngày Tết Độc lập đã góp phần bảo tồn, lưu truyền những vẻ đẹp văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Mông.
Theo Chinhphu.vn