Đã tháo dỡ hết biển báo dưới 50km/h sau 10 ngày
Như Infonet đã đưa tin, tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác Thanh tra GTVT giai đoạn 2011 - 2015 và phương hướng nhiệm vụ giai đoạn 2016 – 2020 được tổ chức ngày 19/1 vừa qua, trước tình trạng nhan nhản biển báo giao thông bất hợp lý xảy ra ở các tuyến quốc lộ, Bộ trưởng Đinh La Thăng tuyên bố: “Nếu biển báo không nhổ được thì nên "nhổ" người. Nếu các anh cách chức, thuyên chuyển một ông Cục trưởng Đường bộ nào đó chắc chắn sẽ không còn loại biển báo này. Đây cũng là cách không hề tốn kém, dễ làm”...
Sau lời tuyên bố trên của Bộ trưởng Đinh La Thăng, ngày 20/1, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện đã yêu cầu các Cục quản lý đường bộ I; II; III; IV và các Sở Giao thông vận tải trước 30/1 phải tháo dỡ hết biển báo hạn chế tốc độ ≤ 40km/h. Ông Huyện cũng yêu cầu Giám đốc các Sở GTVT chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện ngay đối với hệ thống đường địa phương trong địa bàn và quốc lộ được ủy thác quản lý.
Liên quan đến vấn đề này, ngày 31/1, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tính đến hết ngày 30/1, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị đã rà soát, điều chỉnh biển báo hạn chế tốc độ dưới 50km/h trên tất cả các quốc lộ, tỉnh lộ, các trục đô thị chính trên địa bàn cả nước trừ một số trường hợp đặc biệt đã có sự đánh giá, xem xét cụ thể như cầu yếu, xe khách giường nằm 2 tầng, điểm đen giao thông.
Sau 10 ngày thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Đinh La Thăng, Tổng cục Đường bộ đã tháo dỡ hoàn toàn 1.746 biển báo hạn chế tốc độ dưới 50km/h. |
Theo đó, trong tổng số 2.580 biển hạn chế tốc độ dưới 50km/h, Tổng cục Đường bộ đã cho dỡ bỏ hoàn toàn 1.746 biển hạn chế tốc độ dưới 50km/h; thay bằng biển báo tốc độ lớn hơn hoặc bằng 50km/h là 103 biển; thay thế bằng cảnh báo đi chậm, đường cong là 289 biển và giữ nguyên 442 biển tốc độ dưới 50km/h đối với xe khách giường nằm 2 tầng, một số vị trí cầu yếu, điểm đen chưa được xử lý.
Theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hiện tại đã có 44 tỉnh đã rà soát xong toàn bộ tất cả các loại đường trên địa bàn. Tuy nhiên, còn lại 19 tỉnh đang tiếp tục đôn đốc và chỉ đạo đến đường phố, huyện, xã để rà soát bao gồm các tỉnh, thành phố như: TP.Hà Nội, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hoà, TP.Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Tháp, Bến Tre, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Sóc Trăng.
Điều đáng nói là việc tháo dỡ những biển báo giao thông không phù hợp này chỉ được đặt ra sau khi trong một tuần lễ (từ 14-19/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã 2 lần chất vấn thẳng thắn lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc nhổ bỏ biển báo giao thông bất hợp lý gây bức xúc cho dư luận.
Vấn đề này trước đó đã được lãnh đạo Bộ GTVT đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác của Tổng cục Đường bộ Việt Nam sáng ngày 14/1.
Tại hội nghị trên, người đứng đầu ngành giao thông cho biết, hiện tại còn rất nhiều biển báo giao thông bất hợp lý và chính ông cũng thường xuyên nhận được tin nhắn phản ánh của người dân dù đã chỉ đạo, nhắc nhở tháo dỡ những biển báo không phù hợp, gây bức xúc trong giao thông.
Bộ trưởng Bộ GTVT cho rằng, các đơn vị trong Tổng cục phải đi rà soát từng cái một về biển báo, hệ thống đèn, sơn sửa đường bởi thời gian qua ngành giao thông đã đầu tư nhiều tiền cho đường cao tốc, quốc lộ mà biển báo để tốc độ như cũ thì rất bất hợp lý, để người dân bức xúc. Vì vậy, ông yêu cầu phải nhổ hết biển báo không phù hợp vứt đi. Thậm chí nếu không làm được thì cho mấy bà bán đồng nát ra tháo luôn biển báo.
Tuy nhiên, việc triển khai chưa được như yêu cầu cho nên sáng 19/1, ông Đinh La Thăng tiếp tục chất vấn thẳng thắn Phó Tổng cục trưởng Đường bộ Vũ Đỗ Anh Dũng về việc tháo dỡ những biển báo giao thông bất hợp lý này.
Theo đánh giá của người đứng đầu ngành GTVT, vấn đề ở đây là công tác thanh kiểm tra chưa làm nghiêm, chưa thường xuyên và giao Tổng cục Đường bộ trong tháng 2 phải kiểm soát bằng được tình trạng biển báo dưới 80 km/h; nếu không sẽ xử lý cán bộ.
Như vậy, sau khoảng 10 ngày Bộ trưởng Đinh La Thăng chỉ đạo, các đơn vị của ngành đường bộ đã tích cực rà soát và tháo bỏ những biển báo giao thông bất hợp lý.