Đà Nẵng: Tranh cãi có nên mở rộng cảng Tiên Sa, không làm cảng Liên Chiểu?
Tư vấn Singapore đề xuất những gì?
Như tin đã đưa, tại cuộc họp báo thường kỳ quý 3/2019 của UBND TP Đà Nẵng ngày 29/7, trả lời câu hỏi của PV Infonet về tiến độ triển khai dự án xây dựng cảng Liên Chiểu, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung cho biết, trong quá trình nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chung theo đặt hàng của Đà Nẵng, đơn vị tư vấn Singapore đưa ra đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa chứ không phát triển cảng Liên Chiểu.
Phương án mở rộng cảng Tiên Sa theo đề xuất của tư vấn Singapore |
Do vậy, đến nay Đà Nẵng vẫn chưa có quyết định có đầu tư cảng Liên Chiểu hay không? Đây là điều rất bất ngờ, bởi dự án xây dựng cảng Liên Chiểu đã được đưa vào Nghị quyết 43-NQ/TƯ ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm. Dự án cũng đã được Chính phủ báo cáo ủy ban Thường vụ Quốc hội; Bộ KH&ĐT đã có kế hoạch đưa dự án này vào trung hạn, giai đoạn 2021 - 2025.
Qua tìm hiểu, đơn vị tư vấn Singapore đề xuất không không xây cảng Liên Chiểu vì cho rằng có nguy cơ cao hủy hoại môi trường sinh thái vịnh Đà Nẵng bởi hai luồng tàu ra vào cảng, nạo vét luồng tàu nối thông hai cảng, ảnh hưởng cảnh quan vùng vịnh, cản trở tầm nhìn vào TP. Theo tư vấn Singapore, vịnh Đà Nẵng là tài nguyên, là cơ hội lớn để tương lai phát triển các lĩnh vực khác.
Họ cũng cho rằng không cần thiết hình thành cùng lúc 2 cảng Tiên Sa, Liên Chiểu bởi nền tảng về công nghiệp sản xuất của cả Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và các tỉnh thành lân cận hiện rất mỏng. Thêm vào đó Huế, Quảng Nam cũng có cảng riêng, liệu họ có tiếp tục sử dụng cảng Đà Nẵng để vận chuyển hàng hóa?
Thay vào đó, họ đề xuất mở rộng cảng hàng hóa Tiên Sa mà không phát triển cảng Liên Chiểu. Để hiện thực hóa điều này, họ đề nghị giải tỏa để khơi thông Âu thuyền Thọ Quang nối qua sông Hàn; luồng tàu hàng vào Âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn đi ra dưới cầu Thuận Phước.
Đồng thời, về giao thông đường bộ, sẽ không sử dụng đường Ngô Quyền để ra vào cảng Tiên Sa mà kết nối giao thông cảng vào đường cao tốc và tuyến đường sắt mới thông qua việc hình thành tuyến đường sắt và đường bộ trên cao đi vào khu vực đường Đống Đa (thuộc quận Hải Châu trung tâm TP Đà Nẵng) nối vào đường Điện Biên Phủ (thuộc quận Thanh Khê cũng ở trung tâm TP).
Cùng với đó, về vấn đề cảng du lịch tại cảng Tiên Sa, tư vấn Singapore đề nghị phân luồng tàu du lịch đi bên ngoài, tiếp cận đến cồn Mân Quang là bến tàu du lịch; sử dụng cầu Thuận Phước và đường Nguyễn Tất Thành để lưu thông du lịch.
Thành ủy Đà Nẵng ủng hộ
Trong bài “Đô thị Đà Nẵng 10 năm tới sẽ thế nào” đăng ngày 19/10/2019 tường thuật cuộc họp do Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chủ trì để nghe và cho ý kiến về ý tưởng quy hoạch chung Đà Nẵng tới 2030, tầm nhìn 2045 do tư vấn Singapore đề xuất (chỉ một vài cơ quan báo chí địa phương được tham dự đưa tin), báo Công an Đà Nẵng cho rằng “đây (đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa, không xây cảng Liên Chiểu - PV) là ý tưởng táo bạo của tư vấn, nhận được nhiều góp ý từ lãnh đạo TP”.
Theo tường thuật của báo này, quan điểm của ông Trần Đình Hồng - Trưởng ban Tuyên giáo, ông Võ Văn Thương - Trưởng ban Tổ chức, ông Phạm Quý - Trưởng ban Dân vận Thành ủy, bà Đặng Thị Kim Liên - Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng đều cho rằng cần nghiên cứu, đánh giá khoa học, nếu đúng thì mạnh dạn đề xuất Trung ương thực hiện.
“Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa nói, lâu nay cứ quan điểm cảng Liên Chiểu điểm cuối của Hành lang kinh tế Đông Tây, nhưng thực tế điểm cuối là Chân Mây hay Kỳ Hà, và nếu không có Đà Nẵng thì hành lang này vẫn tồn tại. Trong quy hoạch, nên tránh tư duy trước đây là cái gì cũng muốn kéo về địa phương mình, nhưng không có gì để khai thác. Không làm cảng Liên Chiểu thì coi Chân Mây như cảng của Đà Nẵng, tư duy như vậy có được không?
Theo ông Nghĩa, mặc dù chịu tránh nhiệm trong đề xuất Trung ương ban hành Nghị quyết 43, trong đó có cảng Liên Chiểu, song theo đánh giá của tư vấn, các đồng chí nguyên lãnh đạo TP thì nên giữ lại vịnh Đà Nẵng vì nó rất đẹp. Nên nghĩ xây dựng ở đây để thấy một khung cảnh toàn du thuyền. Quay lại cảng Tiên Sa, cần tính toán công suất phù hợp, giải quyết tốt bài toán giao thông cắt ngang TP hiện nay” – Báo Công an Đà Nẵng tường thuật.
UBND TP Đà Nẵng không đồng tình
Tuy nhiên, theo một báo cáo của cơ quan chức năng TP Đà Nẵng mà PV Infonet có được, đề xuất nêu trên của tư vấn Singapore cũng đang gây nhiều ý kiến không đồng tình khi so sánh với các chủ trương, chính sách hiện có, đặc biệt là Nghị quyết 43-NQ/TƯ đã nêu rõ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm là xây dựng cảng Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch…
Cùng với đó, Đề án phát triển du lịch Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cũng đã thống nhất phương án nâng cấp, mở rộng hậu cần cảng Tiên Sa để đón lượng khách du lịch tàu biển ngày càng tăng cao. Về lâu dài, tách riêng cảng du lịch và hàng hóa, chuyển cảng Tiên Sa thành cảng du lịch quốc tế tiếp nhận các tàu 5 sao, cỡ lớn đến tham quan, du lịch TP Đà Nẵng.
Trên thực tế, lượng hàng dự báo phát triển sẽ vượt năng lực của khu bến cảng Tiên Sa sau năm 2020 và đặc biệt là vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô, gây ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường.
Từ đó sẽ tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn TP. Ngoài ra, tại khu vực cảng Tiên Sa hiện còn có âu thuyền, cảng cá Thọ Quang, khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Vùng 3 Hải quân đang hoạt động.
Báo cáo này cũng chỉ rõ, "tư vấn Singapore chưa phân tích rõ tính khả thi của phương án kết nối giao thông từ cảng Tiên Sa vào cao tốc và đường sắt mới cũng như khả năng về nguồn vốn để thực hiện việc mở rộng khu hậu cần cảng cho cảng Tiên Sa (như kinh phí di dời, đến bù giải tỏa, tái định cư, kinh phí xây dựng hạ tầng giao thông…) và phương án phát triển du lịch, hạ tầng cảng du lịch trong trường hợp phát triển cảng Tiên Sa trở thành cảng hàng hóa."
Cũng theo báo cáo này, UBND TP Đà Nẵng có quan điểm trái chiều với đề xuất của tư vấn Singapore. Theo UBND TP Đà Nẵng, cảng Tiên Sa có diện tích nhỏ, không thể mở rộng, không có nơi bố trí hậu phương cảng; không thể phát triển cùng lúc cả hai lĩnh vực hàng hóa và du lịch và kể cả quốc phòng tại cùng một cảng. Cùng với đó là các vấn nạn về giao thông xuyên tâm đô thị, ùn tắc và tai nạn… đã kéo dài nhiều năm qua và ngày càng căng thẳng.
Cũng theo UBND TP Đà Nẵng, Âu thuyền Thọ Quang hiện là cảng cá, là nơi neo đậu hàng ngàn tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và các địa phương miền Trung. Nếu thực hiện phương án “giải tỏa để khơi thông Âu thuyền Thọ Quang nối qua sông Hàn; luôn tàu hàng vào Âu thuyền Thọ Quang qua sông Hàn đi ra dưới cầu Thuận Phước” thì phải tính đến chính sách đối với ngư dân.
Đặc biệt, UBND TP Đà Nẵng hết sức lưu ý, việc tổ chức giao thông kết nối với cảng Tiên Sa bằng tuyến đường sắt, đường bộ trên cao qua trung tâm TP như đề xuất của Tư vấn Singapore sẽ tác động trực tiếp đến du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.
Do vậy, UBND TP Đà Nẵng đề nghị tiếp tục thảo luận với tư vấn Singapore trong cuộc họp tại Thành ủy. Và như Infonet đã đưa tin, tại cuộc họp báo sáng 29/10, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Thái Ngọc Trung cho biết, tại Hội nghị Thành ủy Đà Nẵng mới đây có đưa vấn đề này ra bàn nhưng không thống nhất được.
Do đó, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa giao Sở GTVT mời Bộ GTVT chủ trì tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia, Hội nghề nghiệp về các đề xuất, luận cứ mà tư vấn Singapore đưa ra.