Đà Nẵng: Thanh tra, kiểm tra liên tục ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư
Xúc tiến đầu tư rất nhiều, kết quả vẫn rất thấp
Như tin đã đưa, năm 2018 được Đà Nẵng chọn là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhưng tổng vốn FDI đăng ký mới trong năm chỉ đạt 155,9 triệu USD cho 126 dự án; bình quân 1,2 triệu USD/dự án. Và mặc dù Đà Nẵng vẫn chọn chủ đề năm 2019 là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhưng trong tháng đầu năm, kết quả thu hút vốn FDI vào TP lại tiếp tục rất manh mún, chỉ đạt 12 dự án với tổng vốn cấp mới 8,708 triệu USD; bình quân 0,7 triệu USD/dự án!
Chương trình "Tọa đàm mùa xuân 2018" do lãnh đạo TP Đà Nẵng tổ chức thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, tuy nhiên kết quả thu hút vốn FDI vào TP trong năm qua vẫn còn rất hạn chế! (Ảnh: HC) |
Trong khi đó, tại báo cáo 21/BC-UBND (ngày 23/01/2019) của UBND TP Đà Nẵng về “Chương trình xúc tiến đầu tư (XTĐT) năm 2019” (theo hướng dẫn của Bộ KH-ĐT), Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cho hay, trong năm 2018, TP Đà Nẵng đã tổ chức, tham gia 10 đoàn đi khảo sát và XTĐT nước ngoài.
Gồm: Đoàn khảo sát các tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, đoàn XTĐT tại Nhật Bản (từ 12 – 17/3), đoàn tháp tùng Thủ tướng Chính phủ và XTĐT tại Singapore (15 – 18/4 và 25 – 28/4); tham gia đoàn XTĐT của Bộ KH-ĐT tại Đài Loan (16 – 21/7); đoàn XTĐT của TP Đà Nẵng tại Nga, Thụy Điển, CH Séc (8/2018), đoàn tìm hiểu và kêu gọi đầu tư lĩnh vực start-up tại Isarael, Phần Lan (8/2018, đoàn XTĐT tại Canada, Hoa Kỳ (27/8 – 10/9), đoàn XTĐT tại Châu Âu (Nga, Thụy Điển, CH Séc từ 11 – 21/8), đoàn XTĐT và tham dự Hội nghị Thương mại và Đầu tư ASEAN (ABIS 2018 tại Singapore, từ 10 – 14/11).
Ngoài ra, trong năm 2018, Đà Nẵng còn tổ chức và tham gia tổ chức thành công hơn 20 diễn, hội thảo trong và ngoài nước. Như hội thảo XTĐT Đà Nẵng tại Kansai và Gifu (Nhật Bản, ngày 13/3 và 15/3); phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) và Công ty KPMG Việt Nam tổ chức buổi “Gặp gỡ Đà Nẵng” (Meet Da Nang) tại TP.HCM; hội thảo “Kết nối đầu tư – kinh doanh Đà Nẵng – Thái Lan” (16/3); hội thảo “Hợp tác phát triển TP thông minh và đổi mới sáng tạo giữa Đà Nẵng và Phần Lan” (21/3);
Tọa đàm “Kết nối đầu tư Đà Nẵng – Hoa Kỳ trong lĩnh vực bất động sản” (2/4); hội thảo “Gặp gỡ doanh nghiệp hội viên Hiệp hội công nghiệp ô tô Hàn Quốc” (16/5); tham dự “Gặp gỡ Châu Âu” và các doanh nghiệp, đối tác Châu Âu tại Hà Nội (25/5); hội thảo “Thị trường quốc tế Singapore” (31/7 – 02/8); hội thảo “Hợp tác CNTT Đà Nẵng – Nhật Bản tại sự kiện Japan ICT Day 2018 (30/8); tham dự Hội nghị thường niên của Hiệp hội Công viên khoa học Châu Á tại Nga; tham gia đoàn công tác XTĐT của Bộ KH-ĐT tại Đài Loan…
Mặc dù vậy, báo cáo 21/BC-UBND của UBND TP Đà Nẵng thừa nhận: “Thu hút đầu tư FDI năm 2018 tăng cả về số lượng dự án lẫn tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2017. Song, rất nhiều dự án có quy mô nhỏ và siêu nhỏ đăng ký đầu tư; các dự án có quy mô lớn, đầu tư sản xuất sản phẩm công nghệ cao, công nghệ nguồn, công nghiệp phụ trợ còn hạn chế. Tác động chuyển giao công nghệ nguồn của các dự án FDI chưa cao, tác động lan tỏa và khả năng kết nối giữa doanh nghiệp FDI và địa phương còn thấp”.
Vì sao?
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh, để đảm bảo môi trường du lịch và phát triển bền vững, Đà Nẵng chủ trương chỉ thu hút các dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, đặc biệt là các dự án sạch. Việc lựa chọn này phần nào cũng làm giảm cơ hội thu hút vốn FDI vào TP thời gian qua. Cùng với đó, nguồn nhân lực hiện không đủ đáp ứng nhu cầu và thiếu một số kỹ năng mềm, ngoại ngữ nên ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư vào TP.
Cũng theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng chọn năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” để một phần tiếp tục xúc tiến các nhà đầu tư tiềm năng đã đến TP tìm kiếm cơ hội đầu tư trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. Tuy nhiên quỹ đất trong và ngoài KCN không còn nhiều. Trong khi đó, công tác lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án ngoài các KCN và Khu công nghệ cao phải thực hiện thông qua đấu giá, đấu thầu và phải trải qua nhiều thủ tục nên không đáp ứng kịp thời về địa điểm để nhà đầu tư quyết định đầu tư tại Đà Nẵng.
Đặc biệt, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: “Hệ thống văn bản pháp luật của Việt Nam còn nhiều nội dung chưa thống nhất, mâu thuẫn, chồng chéo nhau, nhất là trong lĩnh vực đất đai và đầu tư. Trong khi đó, thời gian gần đây công tác thanh tra, kiểm tra liên tục và đến nay chưa có kết luận chính thức nên đã làm giảm đi tính năng động của cán bộ, công chức, viên chức. Vấn đề này gây ảnh hưởng rất lớn đối với việc tham mưu và giải quyết vướng mắc cho các nhà đầu tư hiện hữu; do đó đã ảnh hưởng lớn đến công tác thu hút đầu tư tại chỗ, không tạo được sự lan tỏa cho các nhà đầu tư có tiềm năng khác!”.
Về chính sách ưu đãi, theo ông Hồ Kỳ Minh, Đà Nẵng mặc dù có vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại nhưng điều doanh nghiệp cần nhất là chính sách ưu đãi thì TP bị hạn chế hơn rất nhiều so với các địa phương lân cận (vì các địa phương đó có nhiều đặc khu kinh tế, và tại các khu này thì việc xét chọn nhà đầu tư dễ dàng, không giống như Khu công nghệ cao). Điều này đã phần nào hạn chế thu hút đầu tư của Đà Nẵng trong lĩnh vực công nghiệp.
Mặc khác, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, chính sách miễn, giảm tiền thuê đất chưa có sự phân biệt giữa các dự án bình thường và các dự án có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến… nên chưa thực sự tạo sự hấp dẫn, cạnh tranh để thu hút đầu tư. Đồng thời Đà Nẵng hiện là trung tâm giáo dục, y tế của miền Trung – Tây Nguyên, nhưng điều quan trọng nhất cho phát triển của các doanh nghiệp là dịch vụ tài chính – ngân hàng thì miền Trung chưa đủ sức thu hút các tổ chức tài chính, ngân hàng hoạt động…
Không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ, thiết bị lạc hậu Theo báo cáo của UBND TP Đà Nẵng với Bộ KH-ĐT, định hướng chương trình XTĐT của TP năm 2019 là ưu tiên thu hút vốn FDI vào các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghiệp sinh học, vật liệu mới, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp phụ trợ… Ưu tiên XTĐT vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ứng dụng công nghệ, phát triển bền vững. Thu hút đầu tư vào các ngành dịch vụ chất lượng cao, góp phần đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Chuẩn bị các dự án khả thi để thu hút các nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ… Tập trung tiếp cận và mời gọi các công ty xuyên quốc gia (TNCs), các nhà đầu tư chiến lược, có tên tuổi hoặc có năng lực về tài chính, công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore và từ Châu Âu (Đức Pháp, Anh…). Quản lý và kiểm soát chặt chẽ việc thu hút các dự án đầu tư mới, không cấp phép các dự án đầu tư sử dụng hoặc đưa vào công nghệ và thiết bị lạc hậu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc làm giảm tính cạnh tranh, làm chậm tốc độ phát triển và hội nhập của nền kinh tế TP Đà Nẵng. Tập trung đẩy mạnh XTĐT tại chỗ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân cho các dự án, đặc biệt đối với các dự án gắn với giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp phép xây dựng… Tích cực hỗ trợ nhà đầu tư hiện hữu, tạo niềm tin của nhà đầu tư vào chính sách đầu tư của TP, qua đó tranh thủ mời gọi các nhà đầu tư mới, các nhà đầu tư chiến lược. Rà soát, cập nhật danh mục các dự án trọng điểm kêu gọi đầu tư để phù hợp với điều kiện mới đến năm 2020… |