Đà Nẵng: Tạm giữ số lượng lớn mì chính nghi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu
Theo thông tin ghi trên bao bì, mì chính Ajino-Takara được sản xuất bởi KT MSG Co.,LTD – Thái Lan, do Công ty TNHH sản xuất thương mại Hà Trung Hậu (trụ sở tại phường 26, quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhập khẩu và phân phối cho chi nhánh ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc sử dụng “Ba chữ tượng hình” trên sản phẩm mì chính Ajino - Takara được cho là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “ba chữ tượng hình” của Công ty Ajinomoto Co.,INC (trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản).
Dấu hiệu "Ba chữ tượng hình" trên bao bì gói mì chínhAjino – Takara |
Vì vậy phía Ajinomoto đã gửi mẫu vật, đề nghị Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) giám định “Ba chữ tượng hình” trên gói mỳ chính Ajino – Takara nhằm phục vụ cho việc xử lý hành vi “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”. Kết quả giám định cho thấy, “Ba chữ tượng hình” của Ajino- Takara tương tự “Ba chữ tượng hình” của Ajinomoto (được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Công ty Ajinomoto Co.,INC (Tokyo, Nhật Bản).
Theo phân tích của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, đây đều là ba chữ tượng hình – ngôn ngữ người tiêu dùng Việt Nam không sử dụng được, không đọc được, không hiểu được nghĩa mà chỉ tiếp cận như là các “Dấu hiệu hình”. Xét về phương diện đó, người tiêu dùng có thể nhận biết về sự tương tự của Dấu hiệu và Nhãn hiệu bởi đều là chữ tượng hình với ba chữ, Trong đó chữ thứ hai rất đặc thù và giống hệt nhau, chữ thứ nhất tương tự nhau. Vì vậy xét về tổng thể Dấu hiệu được đánh giá là tương tự với Nhãn hiệu đối chứng.
“Kết luận giám định Sở hữu công nghiệp” số NH291-15YC/KLGĐ” của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ nêu rõ: Dấu hiệu “Ba chữ tượng hình” gắn trên sản phẩm mì chính Ajino – Takara như thể hiện tại mẫu vật giám định là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu “Ba chữ tượng hình” được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 169 của Công ty Ajinomoto Co.,INC (Tokyo, Nhật Bản).
và dấu hiệu "Ba chữ tượng hình" trên bao bì gói mì chínhAjinomoto (Ảnh: HC) |
Theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Đà Nẵng, giám định của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ chỉ ra dấu hiệu xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu hàng hóa nhưng chưa phải kết luận cuối cùng. Phía Ajinomoto có cung cấp kết quả giám định theo yêu cầu của họ nhưng phía Công ty Hà Trung Hậu cũng đã cung cấp một số giấy tờ, hồ sơ liên quan.
“Hiện một bên đề nghị xử lý và bên kia phải chứng minh là mình không vi phạm. Cơ quan chức năng đã gửi văn bản ra Cục sở hữu trí tuệ (Bộ KHCN) để trưng cầu giám định. Nếu có xảy ra vi phạm về nhãn hiệu thì QLTT sẽ xử lý theo Luật sở hữu trí tuệ” ông Hậu nói.
Cũng theo ông Nguyễn Nho Hậu, số mỳ chính hiệu Ajino – Takara mà Chi cục QLTT Đà Nẵng đang tạm giữ không có sai sót về chất lượng. Sản phẩm này cũng được Bộ y tế cấp giấy chứng nhận về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện số hàng này đã được niêm phong và tạm thời lưu giữ, bảo quản tại kho của chi nhánh Công ty TNHH SX-TM Hà Trung Hậu tại Đà Nẵng, chờ các bước xử lý tiếp theo.