Đà Nẵng: Sông Hàn làm “nóng” diễn đàn Mặt trận
Tầm nhìn và dòng chảy: Hai vấn đề báo động đối với sông Hàn!
Tham gia ý kiến thảo luận tại hội nghị lần thứ 4 Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng khóa X tổ chức sáng 22/7, ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy) cho rằng, sông Hàn đang phải đương đầu với hai trở lực, hay nói cách khác là hai vấn đề rất lớn. Đó là tầm nhìn và dòng chảy. Và theo ông nhận thấy thì cả hai vấn đề này đều đang báo động đối với sông Hàn!
Ông Bùi Văn Tiếng (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng): "Cả hai vấn đề tầm nhìn và dòng chảy đều đang báo động đối với sông Hàn!" (Ảnh: HC) |
“Đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty JiNa (Hàn Quốc) đưa ra bộc lộ nhiều nhược điểm mà tại buổi lấy ý kiến phản biện do Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức ngày 17/7 đã có rất nhiều chuyên gia phản đối. Tôi nghĩ Mặt trận TP nên có ý kiến tư vấn cho Thành ủy, UBND TP nên giữ nguyên vẹn sông Hàn như hiện nay!” – ông Bùi Văn Tiếng nói.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng) cũng nêu rõ, việc quy hoạch hai bờ sông Hàn nên như thế nào đang “đẻ” ra rất nhiều chuyện. Ông cũng đồng tình với ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng là “phải giữ nguyên dòng sông, không được lấn chiếm mặt nước”.
Ở chiều ngược lại, ông Huỳnh Văn Chính (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3) cho rằng dù sông Hàn là cô gái đẹp nhưng muốn trở thành hoa hậu thì cũng phải sửa soạn lại mới thành được. Tuy nhiên, nếu trang điểm không đẹp, không đảm bảo thì sẽ dễ trở thành quái đản. Vì vậy, đây là điều phải hết sức cân nhắc, đòi hỏi rất cao đối với tầm nhìn của các nhà quy hoạch.
“Vấn đề là khi làm quy hoạch như quy hoạch hai bờ sông Hàn, có liên quan đến cuộc sống của nhiều người, thì phải lấy ý kiến như thế nào? Phải xin tư vấn phản biện ra sao? Chỗ này Mặt trận cũng cần có ý kiến, cần chủ động đề ra những hình thức phù hợp để cho đông đảo thành viên đóng góp ý kiến!” – Ông Nguyễn Đình An nói.
Theo Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng Nguyễn Mạnh Hùng, dự án quy hoạch hai bờ sông Hàn được UBND TP Đà Nẵng giao cho Công ty tư vấn JiNa của Hàn Quốc nghiên cứu, đề xuất. Đồng thời UBND TP giao Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng (thành viên Mặt trận TP) là tổ chức trực tiếp phản biện dự án này.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng): "Mặt trận cần có ý kiến, cần chủ động đề ra những hình thức phù hợp để cho đông đảo thành viên đóng góp ý kiến vào những quy hoạch có liên quan đến cuộc sống của nhiều người như quy hoạch hai bờ sông Hàn!" (Ảnh: HC) |
“Tuy nhiên tại hội nghị này có nhiều ý kiến đề nghị Mặt trận nên vào cuộc. Vì vậy chúng tôi sẽ báo cáo Thành ủy và Thường trực UBND TP giao cho Mặt trận tổ chức phản biện, như phản biện cầu đi bộ qua sông Hàn hồi năm ngoái. Có giao mới làm được, còn không giao thì mình không làm được mà chỉ phối hợp với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị để giám sát. Nếu được Thành ủy, Ủy ban giao thì Mặt trận sẽ đứng ra tổ chức hội nghị phản biện!” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Cần điều chỉnh bến du thuyền DHC khi còn kịp!
Cũng liên quan đến sông Hàn, ông Bùi Văn Tiếng chỉ rõ, dư luận đang có rất nhiều ý kiến phản đối bến du thuyền hình con tàu của Công ty DHC ở bờ Đông. Tòa nhà này quá cao, che khuất tầm nhìn về phía cầu Rồng, rất phản cảm đối với vấn đề tầm nhìn của sông Hàn. “Tôi nghĩ nên có sự điều chỉnh kịp thời đối với tòa nhà này khi còn được, còn kịp!” – ông Bùi Văn Tiếng kiến nghị.
Ông Huỳnh Văn Chính xác nhận “nếu để nguyên cái bến du thuyền hình con tàu 5 tầng như thế ở bờ Đông sông Hàn thì đúng là chướng thật”. Tuy nhiên ông cho rằng chuyện giảm bớt độ cao như ông Bùi Văn Tiếng đề xuất thuộc về mặt kỹ thuật, mỹ thuật. Và vấn đề mỹ thuật, nghệ thuật thì có thể mỗi người lại có một cách nhìn khác nhau.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cũng tỏ ra bức xúc vì “tự nhiên giữa sông Hàn mọc lên một khối bê tông hình con tàu rất cao”. Tuy nhiên TP đã cấp cho nó đầy đủ các loại giấy tờ hợp lệ, nếu đập phá đi thì phải bồi thường cho chủ đầu tư. Vì vậy xử lý công trình này thế nào là việc không hề đơn giản. Ông đề nghị Mặt trận TP Đà Nẵng cũng cần có ý kiến về vấn đề này.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng thừa nhận chuyện bến du thuyền DHC đang hết sức gai góc đối với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Bây giờ Mặt trận có ý kiến thì… chuyện cũng đã xong rồi. Hiện công trình đang hoàn thiện, yêu cầu phải “dừng” thì hơi khó.
Ông Huỳnh Văn Chính: "TP Đà Nẵng cần tổ chức cho các nhà chuyên môn ngồi lại tính toán việc xử lý bến du thuyền của DHC sao cho bảo đảm tính kỹ thuật, mỹ thuật, không che khuất tầm nhìn trên sông Hàn!" (Ảnh: HC) |
“Ý kiến này xin được lắng nghe, tiếp thu rồi báo cáo các cơ quan chức năng thôi, chứ còn cái này rõ ràng là đã cho phép họ làm mấy năm nay rồi. Đáng mừng là vừa rồi mình có kiến nghị, đề xuất và lãnh đạo TP có quyết định dừng ngọn hải đăng, được dư luận đồng tình, hoan nghênh. Còn cái con tàu đã lỡ như thế, thôi thì cho nó tiếp tục rồi có gì đó sẽ sửa sai sau, chứ bây giờ bảo họ dừng lại thì hơi khó!” – ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Phía dưới hội trường, nhiều đại biểu xôn xao nói với nhau: “Bây giờ người ta đang thi công mà bảo không dừng được, đợi đến khi xây xong đưa vào khai thác rồi thì còn sửa sai cách gì được nữa?”.
Sau khi kết thúc hội nghị trở về nhà, ông Huỳnh Văn Chính gọi điện cho PV Infonet “bổ sung” thêm ý kiến: “Hồi nãy tôi thấy ý kiến của ông Bùi Văn Tiếng cũng có cái đúng, vì thực sự là cái bến du thuyền DHC che khuất tầm nhìn nhiều ghê, làm cho dư luận cứ râm ran. Nó nằm ở chỗ nhạy cảm, lại đem làm bằng bê tông mới khổ!”.
Ông Huỳnh Văn Chính cũng xác nhận với PV Infonet là nếu đi trên đường Trần Hưng Đạo chạy dọc bờ Đông sông Hàn từ phía cầu Sông Hàn đến cầu Rồng thì không thấy được đầu rồng do bị cái bến du thuyền DHC che khuất. Người dân và du khách không thể đứng xa xem cầu Rồng phun lửa, phun nước mà phải chen lấn vào gần sát cầu mới xem được, gây ách tắc giao thông ở khu vực đầu cầu và nhiều hệ lụy khác nữa.
Do vậy, ông cho rằng lãnh đạo TP Đà Nẵng cần nghiên cứu phương án để xử lý “con tàu” của DHC. Nếu để công trình tiếp tục thi công hoàn thiện và dư luận tiếp tục phản ứng, đến khi đó TP buộc phải điều chỉnh thì thiệt hại còn gấp nhiều lần so với bây giờ vẫn đang thi công dở dang.
“Vấn đề đặt ra là giải pháp điều chỉnh thế nào cho đảm bảo tính kỹ thuật, mỹ thuật, không che khuất tầm nhìn trên sông Hàn. Nếu hạ thấp xuống thấp thì tính mỹ thuật của công trình sẽ thế nào? TP Đà Nẵng cần thiết tổ chức cho các nhà chuyên môn ngồi lại tính toán vấn đề này!” – ông Huỳnh Văn Chính nói.
Sai thì sửa, nhưng không để thiệt hại cho nhà đầu tư! Quan trọng nhất là niềm tin của các nhà đầu tư đối với Đà Nẵng. Niềm tin đó toàn dân TP gửi gắm vào các vị lãnh đạo khi đặt vấn đề đối với các nhà đầu tư để họ cảm thấy đầu tư vào Đà Nẵng là an toàn. Trong kinh doanh, chúng tôi có câu thuộc lòng: “Mất tài sản là không mất gì cả, vì tài sản làm ra được. Mất danh dự, khi giành vinh quang thì danh dự sẽ có lại. Nhưng mất niềm tin là mất tất cả!”. Tôi được xem báo chí nói nhiều về dự án bến du thuyền của Công ty IVC ở bờ Tây sông Hàn. Nếu quả là nhà đầu tư đã theo đuổi dự án này qua 2 thời Bí thư, 3 thời Chủ tịch, bao nhiêu chi phí đã bỏ ra, để rồi tới giờ phút này ta cắt cái rụp thì đúng là khó vô cùng. Thực ra nếu bến du thuyền tô điểm cho sông Hàn đẹp lên thì rất đáng quý. Ngày xưa chỉ toàn là ghe cá, bây giờ có những chiếc du thuyền sang trọng trên sông thì rất đẹp. Nếu người ta đã ký hợp đồng, đặt cọc 10 chiếc du thuyền thì chúng ta nên nghiên cứu lại. Nếu lỗi của TP thì TP chịu trách nhiệm nghiên cứu thiết kế thế nào cho đẹp, cho uyển chuyển để không che khuất tầm về phía cầu Rồng. Tôi nghĩ cái bến du thuyền đó nếu tồn tại cũng không ảnh hưởng gì nếu chúng ta thiết kế phù hợp. Tức là sai thì sửa, nhưng sửa không để thiệt hại cho nhà đầu tư. Như thế ta được niềm tin với nhà đầu tư. Tôi đề nghị Mặt trận kiến nghị với lãnh đạo TP hãy xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư cũng như niềm tin trong dân! (Ông Huỳnh Văn Chính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may 29/3) |