Đà Nẵng sẽ tuyển dụng công chức theo nguyên tắc cạnh tranh và thực tài
Lễ khởi động dự án "Tăng cường tác động của cải cách hành chính ở TP Đà Nẵng" tổ chức sáng 31/10 (Ảnh: HC) |
"Đây là địa phương đầu tiên trong 4 tỉnh, thành được chọn (gồm Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Giang và Hà Tĩnh) tiến hành khởi động dự án. Để lựa chọn địa phương tham gia dự án, chúng tôi xem xét các yếu tố: Sự cam kết của họ trong việc thực hiện lịch trình dự án, sự đổi mới trong việc cải thiện dịch vụ hành chính và thủ tục tuyển lựa nhân sự, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các địa phương khác và có ảnh hưởng đến chính sách quốc gia" - ông Bakhodir Burkhanov, Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam cho hay.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương, tuy những năm qua đã đạt nhiều kết quả quan trọng nhưng Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc thực thi những vấn đề cốt lõi của cải cách hành chính (CCHC).
"Vì vậy, cần thiết phải có bộ công cụ đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ và ghi nhận các phản hồi khách quan, độc lập từ phía người dân, doanh nghiệp. Từ đó cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ công theo yêu cầu của cộng đồng xã hội. Chúng tôi tin rằng giải quyết tốt những vấn đề này thông qua thực hiện dự án "Tăng cường tác động của CCHC ở TP Đà Nẵng" sẽ giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả của CCHC, đặc biệt là tạo đầu vào quan trọng cho việc triển khai có hiệu quả chương trình CCHC giai đoạn 2011 - 2020 tại TP Đà Nẵng" - ông Võ Duy Khương nói.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương và Phó Giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam Bakhodir Burkhanov ký kết kế hoạch hoạt động của dự án trong năm 2012 - 2013 (Ảnh: HC) |
Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Đặng Công Ngữ cho hay, với tổng vốn đầu tư 1,32 triệu USD (vốn ODA không hoàn lại 1,2 triệu USD, vốn đối ứng 120.000USD), dự án "Tăng cường tác động của cải cách hành chính ở TP Đà Nẵng" nhằm cải thiện một cách căn bản chất lượng và hiệu quả hoạt động của đội ngũ công chức, viên chức TP Đà Nẵng cũng như chất lượng cung cấp dịch vụ hành chính công cho người dân và tổ chức thông qua cơ chế một cửa, một cửa liên thông.
Trong đó có 5 kết quả đầu ra chủ yếu phải đạt được là: Quy trình tuyển dụng công chức, viên chức theo nguyên tắc cạnh tranh và thực tài được hoàn thiện và áp dụng; cơ chế trả lương, thưởng theo kết quả công tác được xây dựng và thí điểm; chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng bắt buộc theo vị trí chức danh và chuyên ngành dưới hình thức tín chỉ được xây dựng và đưa vào áp dụng; hệ thống quản lý công chức, viên chức được hiện đại hoá theo hướng trực tuyến; thiết lập bộ chỉ số và công cụ đánh giá mức độ hài lòng của công dân, tổ chức đối với các dịch vụ công.
"Chúng tôi cam kết sử dụng một cách hợp lý, có hiệu quả các nguồn lực của dự án, triển khai kịp thời các hoạt động đã thống nhất với nhà tài trợ, tuân thủ các quy định của nhà tài trợ và của Chính phủ về quản lý dự án và đặc biệt là đảm bảo chất lượng các kết quả đầu ra. Đây là cam kết chính trị rất cao vì nếu dự án thất bại, các kết quả đầu ra không đảm bảo sẽ khiến uy tín của TP Đà Nẵng bị suy giảm!" - ông Đặng Công Ngữ nói.