Đà Nẵng sẽ có cơ chế, chính sách đặc thù
Đà Nẵng: Đô thị lớn của cả nước, trung tâm KT-XH lớn của miền Trung
Tại Kết luận 75/KL-TW (ngày 12/11/2013) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX “Về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Bộ Chính trị xác định từ nay đến năm 2020 phát triển Đà Nẵng theo hướng phát huy tối đa các nguồn lực, lợi thế, tìm ra các động lực mới để xây dựng TP trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, một trung tâm KT-XH lớn của miền Trung với vai trò là trung tâm dịch vụ, TP cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng, trung tâm bưu chính viễn thông - CNTT và tài chính – ngân hàng; một trong những trung tâm y tế, văn hóa - thể thao, GD-ĐT và KH-CN của miền Trung; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của khu vực và cả nước; có tổ chức Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh; cơ bản trở thành TP công nghiệp theo hướng hiện đại trước năm 2020; tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên…
Bộ Chính trị chỉ đạo sớm ban hành một số cơ chế, chính sách có tính đặc thù cho TP Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Tập trung rà soát, xây dựng và thực hiện tốt các quy hoạch, kế hoạch phát triển TP. Phát triển kinh tế gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tập trung nâng cao quy mô, chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ, tập trung vào các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng lớn, phát triển mạnh du lịch, nhất là du lịch cao cấp, hình thành trung tâm du lịch ven biển lớn tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước, ưu tiên thu hút đầu tư vào khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin. Phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, trung tâm nghề cá, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển, đảo ở khu vực. Phát triển nông nghiệp theo hướng phục vụ đô thị và du lịch; phấn đấu hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2020.
Xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đẹp, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng. Tiếp tục đầu tư phát triển nhanh, đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và vùng. Chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành các dự án đã ghi trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận số 166 của Ban Bí thư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ; huy động mọi nguồn lực đầu tư, kể cả vốn nước ngoài dưới nhiều hình thức (BOT, BTO, BT, PPP...). Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó, hạn chế tác hại do biến đổi khí hậu và nước biển dâng…
Sớm ban hành một số cơ chế, chính sách có tính đặc thù cho Đà Nẵng
Kết luận 75/KL-TW của Bộ Chính trị nhấn mạnh: “Việc thực hiện phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nêu trên trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Đà Nẵng. Đồng thời, Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự Đảng Chính phủ, các ban Đảng, bộ, ngành Trung ương cần quan tâm thực hiện tốt trách nhiệm của mình đối với Đà Nẵng, tạo điều kiện, cơ chế, chính sách phù hợp, theo hướng ưu đãi hơn, tạo thêm nguồn lực và động lực mới để TP phát triển nhanh, hiệu quả hơn, phát huy vai trò đối với cả vùng và đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước”.
Trước hết, Bộ Chính trị yêu cầu cần tập trung xem xét, giải quyết một số kiến nghị sau của Đà Nẵng:
- Sớm ban hành một số cơ chế, chính sách có tính đặc thù cho TP. Xem xét phân cấp thêm một số nguồn thu do Trung ương quản lý cho địa phương; tăng mức hỗ trợ từ số tăng thu các khoản phân chia giữa ngân sách Trung ương với TP và khoản tăng thu ngân sách Trung ương. Cho phép huy động vốn đầu tư hằng năm cao hơn tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách TP. Ưu tiên hỗ trợ Đà Nẵng xúc tiến, huy động các nguồn vốn ODA và phân cấp cho TP được quyết định đầu tư một số dự án theo hình thức BT, BOT, BTO, PPP để đầu tư phát triển hạ tầng.
- Ưu tiên bố trí vốn thanh toán cho các dự án đã có chủ trương đầu tư của Trung ương và đã hoàn thành đưa vào sử dụng: Nhà thi đấu Thể dục-thể thao, cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý, Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng, Bệnh viện đa khoa 600 giường.
- Ban hành cơ chế hỗ trợ đặc thù về huy động vốn xây dựng dự án Khu công nghệ cao Đà Nẵng. Sớm có kế hoạch triển khai các dự án, công trình đã được xác định trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, Thông báo kết luận số 166 của Ban Bí thư và các quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Làng Đại học Đà Nẵng, Khu liên hợp thể thao, di dời ga đường sắt Đà Nẵng; nghiên cứu triển khai tuyến hành lang kinh tế Đông Tây 2, cảng Liên Chiểu; mở rộng tuyến QL14B giai đoạn 2 và mở rộng, nâng cấp QL14G; các viện nghiên cứu khoa học chuyên ngành, trung tâm công nghệ sinh học, trung tâm thông tin khoa học và công nghệ, dự án Trường Đại học quốc tế Việt-Anh. Có chính sách hỗ trợ để ngư dân đóng tàu công suất lớn khai thác hải sản xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.
- Có lộ trình triển khai những dự án có ý nghĩa động lực, lan tỏa đối với sự phát triển kinh tế-xã hội khu vực miền Trung và Tây Nguyên: Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng giai đoạn 2, nâng cấp sân bay Đà Nẵng đạt trên 6 triệu lượt khách/năm, xây dựng mạng lưới tàu điện ngầm.
- Việc mở rộng dịch vụ kinh doanh trò chơi có thưởng dành riêng cho người nước ngoài đã được cấp phép và đang hoạt động có hiệu quả, TP Đà Nẵng có phương án cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
- Việc thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh trong quá trình phát triển TP nhưng chưa có quy định hoặc những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp, TP Đà Nẵng xây dựng đề án cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra việc tổ chức thực hiện Nghị quyết 33 và Kết luận này, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị.