Đà Nẵng: Quy hoạch sông Hàn của tư vấn JiNa xa cách tâm tư người dân!
JiNa có thực sự khách quan khi lập quy hoạch hai bờ sông Hàn?
Như tin đã đưa, chiều 17/7, Sở Xây dựng Đà Nẵng đã tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, hiệp hội chuyên ngành về đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn (đoạn từ cầu Thuận Phước đến cầu Trần Thị Lý) do Công ty tư vấn thiết kế JiNa Architects.Co.Ltd (Hàn Quốc) đề xuất. Tại đây đã có nhiều ý kiến phản biện các đề xuất của JiNa, thậm chí bày tỏ sự nghi ngờ về tính khách quan của đơn vị tư vấn này khi lập quy hoạch.
Các đại biểu xem xét đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn do JiNa đề xuất tại buổi lấy ý kiến phản biện hôm 17/7 (Ảnh: HC) |
KTS Tô Văn Hùng (Trưởng khoa Kiến trúc ĐH Bách khoa, Phó Chủ tịch Hội KTS Đà Nẵng) nêu rõ, trước đây từng có ý tưởng xây cầu đi bộ nối từ đường Đống Đa (bờ Tây) qua bờ Đông sông Hàn. Tuy nhiên năm ngoái, do có quá nhiều ý kiến phản đối của các chuyên gia nên lãnh đạo Đà Nẵng đã tạm dừng ý tưởng này. “Vì sao trong đồ án của JiNa lại tái xuất hiện cầu đi bộ này? Đây là đề xuất mới của tư vấn hay là hợp thức hóa cầu đi bộ trước đây vào quy hoạch của mình?” – KTS Tô Văn Hùng hỏi.
Đồng thời ông nói rõ, trong nghiên cứu của JiNa về tầm nhìn, các điểm nhấn trên sông Hàn thì phần lớn là cầu đi bộ, các khách sạn, công trình dịch vụ được “nối trục” theo cách mang đậm dấu ấn chủ quan và có chủ đích chứ không hoàn toàn dựa trên góc độ điểm nhấn kiến trúc. “Như vậy, đơn vị tư vấn có chịu ảnh hưởng gì, có bị chi phối gì của nhà đầu tư khi lập đồ án quy hoạch này hay không?” – KTS Tô Văn Hùng hỏi tiếp.
KTS Hoàng Quang Huy (Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng) cũng nói thẳng: “Tôi cho là JiNa mới chỉ nắm bắt chỉ đạo của lãnh đạo TP, nắm bắt các ý của nhà đầu tư đã được TP cho phép đầu tư để thực hiện đồ án quy hoạch này, chứ chưa đi vào tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Ví dụ cầu đi bộ, chính Hội chúng tôi đã phản biện là không nên có. Nếu có thì phải là cây cầu giao thông vĩnh cửu vì cầu Sông Hàn đã rất quá tải, nhưng tốt nhất thì đó là một tuy-nen vì còn tàu du lịch ra vào nữa. Nếu cầu đi bộ ở đó, chẳng lẽ phải thường xuyên mở à? Thế thì tại sao đồ án quy hoạch vẫn tiếp tục đưa cầu đi bộ vào đây?”.
Cái cần thì không đề xuất, cái đề xuất lại… không cần!
Theo KTS Hoàng Quang Huy, các ý tưởng trong đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn của JiNa về việc thu hẹp dòng sông để trồng cây mà quên núi Sơn Trà là cả một rừng cây xanh khổng lồ; hình thành các hồ nước nhỏ gây tù đọng ngay trên dòng sông, đổ đất thành đồi để làm sân khấu xem pháo hoa che chắn hết tầm nhìn ra sông… là những ý tưởng chưa sâu, chưa đạt, chưa chuẩn.
Ngược lại, các ý tưởng táo bạo trong đồ án này thì hầu như chưa thấy. “Táo bạo” nhất mà JiNa đề xuất là xây công viên trên cao băng qua đường Trần Hưng Đạo. Nhưng theo ông thì công viên đó không ăn thua gì so với núi Sơn Trà, không ăn thua gì so với công viên đường 2/9. Vậy thì sao phải làm công viên trên cao, tốn kém mà không giải quyết được gì cả?
KTS Tô Văn Hùng: "Tư vấn JiNa có bị chi phối bởi các nhà đầu tư khi lập đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn?" (Ảnh: HC) |
“Cái gì cũng muốn nhét vào đây là không được. Đề xuất tổ chức tuyến giao thông xe đạp ở hai bên bờ sông, trong khi cái TP đang vô cùng cần ở khu vực này là giao thông tĩnh và tổ chức hai bên sông là hai tuyến đi bộ vì hiện nay người dân, du khách đến đây vào buổi tối rất đông, ô tô, xe máy qua lại rất nguy hiểm… thì tư vấn lại không đề cập!” – KST Hoàng Quang Huy nói.
Trong khi đó, Phó Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng Nguyễn Đăng Huy chỉ rõ, đồ án quy hoạch của JiNa có rất nhiều chỗ lấn ra sông, ở khu vực hẹp nhất của dòng sông cũng đề xuất lấn ra nhưng lại không cho biết đã nghiên cứu chế độ thủy triều, điều kiện vận tải, việc thoát lũ trong mùa mưa của Đà Nẵng hay chưa? Khi dòng sông bị thu hẹp thì ảnh hưởng đến thượng lưu thế nào? Và khi bị ảnh hưởng như vậy thì có tính đến chuyện dòng chảy vào mùa mưa lũ sẽ gây xói lở các mố trụ cầu trên sông hay không?
KTS Trần Hoàng (Trưởng Ban Quy hoạch, BQL Khu công nghệ cao Đà Nẵng) cũng phát biểu: “Tôi xem đồ án thì có hai cảm giác. Thứ nhất là quy hoạch biến sông thành kênh, thứ hai là quy hoạch biến sông thành ao. Diện tích mặt nước trước và sau quy hoạch mất hết bao nhiêu? Môi trường đối với những cái ao đó, dòng chảy, thủy triều trong những cái ao đó thế nào? Hoàn toàn không thấy đơn vị tư vấn đề cập!”.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng cho biết, khu vực cửa sông Hàn có các công trình kè xây dựng từ thời Pháp để điều tiết dòng chảy và bảo vệ tuyến luồng của cảng biển Đà Nẵng. Nhờ công trình kè này mà trong suốt thời gian qua, khi sông Hàn đổ ra cửa sông thì chuyển hướng về phía biển Thanh Bình và giữ được tuyến luồng vào khu vực cảng Tiên Sa không bị bồi lấp. Tuy nhiên điều này chưa được quan tâm trong phương án quy hoạch hai bờ sông Hàn của JiNa!
“Lá phổi” sông Hàn sẽ bị nhiễm khuẩn!
Theo ông Huỳnh Việt Thành (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng), JiNa đưa ra ý tưởng tăng tỉ lệ cây xanh từ 5% lên 10%, về mục tiêu là tốt, nhưng tăng bằng cách làm hẹp không gian sông Hàn là không được. Hai bờ sông hiện nay tương đối phẳng, uốn lượn mềm mại, tự nhiên lại tạo ra những cái gồ ghề, gấp khúc, đưa ra rất nhiều “cùi chỏ” với những góc rất nhọn là không phù hợp với dòng chảy và sự mềm mại của thiên nhiên.
“Sông Hàn đang phẳng lặng, đang đẹp thế này thì không việc gì phải làm cho nó gồ ghề lên. Đắp mấy cái đồi xem pháo hoa, xây công viên trên cao… là không cần thiết, che hết tầm nhìn. Cần phải hạn chế tối đa việc lấn sông. Tôi xem bờ sông Hàn của Seoul có thấy lấn sông chỗ nào đâu? Tại sao với sông Hàn của Đà Nẵng, JiNa lại làm cho nó gập ghềnh như răng cưa thế? Không dòng sông nào răng cưa như thế cả. Trong khi đó, ý tưởng của JiNa về quản lý kiến trúc đô thị còn mờ nhạt lắm, chưa có cái gì rõ cả, chỉ mang tính lý thuyết thôi” – ông Huỳnh Việt Thành nói.
Phó Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng Nguyễn Văn Thanh phát biểu tại buổi lấy ý kiến phản biện (Ảnh: HC) |
KTS Nguyễn Văn Chung (nguyên Viện Phó Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng) thì thấy “có vẻ JiNa mường tượng rằng mình làm sao đấy đảm bảo cứ bằng chỗ hẹp nhất trên dòng sông là được”. Theo ông, lập luận như vậy là không đúng. Những phần rộng ở phía trên đóng vai trò tạm thời giữ nước, chứa nước trong bối cảnh các “túi chứa nước” ở Hòa Xuân, Hòa Châu đã bị lấp hết và tất cả dồn vào dòng chảy chính này. Nếu làm cho dòng sông hẹp lại bằng cái chỗ hẹp nhất thì phạm vi chứa nước sẽ bị thu hẹp, ảnh hưởng đến dòng chảy và gây ra lũ lụt.
“Tên khởi thủy của Đà Nẵng theo tiếng Chăm là “dòng sông lớn”, “mặt nước lớn”, “cửa sông lớn”. Tóm lại là lớn. Thế nhưng, nếu hình dung lại cách đây 20 năm thì có cảm giác con sông lúc ấy lớn hơn bây giờ rất nhiều. Hiện chúng ta chưa làm gì nhiều, chưa hiện đại lắm mà đã có cảm giác dòng sông bị thu hẹp rất nhiều. Đó là điều cần phải cân nhắc, suy nghĩ. Quy hoạch không phải là cứ trên cơ sở những cái đã có rồi trang điểm thêm vào. Không biết làm cách gì, bí quá bèn tính chuyện lấn sông. Như thế “tối sách”! – KTS Nguyễn Văn Chung nêu rõ.
Theo KTS Hoàng Quang Huy, khi tham vọng nhét vào đoạn sông này quá nhiều, JiNa hẳn nhiên không còn đất mà phải lấn sông. Có chỗ lấn ra trên 100m, thậm chí có chỗ dòng sông bị thu hẹp từ 800m xuống còn 570m; đoạn hẹp nhất chỉ 420m cũng cho lấn ra, chỉ còn lại hơn 300m. Như vậy dòng sông sẽ bị co thắt và chắc chắn dòng chảy sẽ bị ảnh hưởng rất lớn. Ở thượng lưu thì rộng và có nhiều sông, nhưng dốc và ngắn nên lưu lượng nước chảy vào mùa mưa lũ rất lớn. Nếu “bịt” lại ở hạ lưu, tạo thành những nút thắt cổ chai thì nước sẽ dâng lên.
“Lâu nay sông Hàn không bao giờ ngập, có chăng vài chục năm khi mưa lũ lớn quá mới ngập lên đường Bạch Đằng. Bây giờ lấn sông như đồ án của JiNa sẽ thu hẹp dòng chảy, chỉ còn lại như một con mương. Chưa kể đồ án này còn cho các công trình cao tầng chặn hết các hướng nhìn ra sông sẽ càng biến sông thành mương ao, ảnh hưởng rất lớn đến cảnh quan, môi trường sinh thái của dòng sông. “Lá phổi” sông Hàn vô hình chung sẽ bị nhiễm khuẩn vì nhiều thứ quá” – KTS Hoàng Quang Huy nói.
Nhất thiết phải trưng cầu ý dân!
Theo KTS Nguyễn Văn Chung, dòng sông là “hồn vía” của TP, đặc biệt sông Hàn rất khác biệt so với nhiều dòng sông khác ở miền Trung. Nhiều nơi cũng có sông nhưng khó có được cảnh quan như sông Hàn vì mùa khô thì cạn trơ đáy. Sông Hàn đặc biệt hơn nhiều con sông khác chính là ở chỗ đó. Đây là “hồn vía”, là “long mạch” của Đà Nẵng. Do vậy, khi quy hoạch sông Hàn cần phải xem xét những cái lịch sử để lại. Cái đó là “trí nhớ” của TP.
Ông nhấn mạnh: “Lịch sử để lại gì ? “Trí nhớ” của Đà Nẵng là gì? Là thành Điện Hải, Bảo tàng Chăm, Tòa thị chính, Thư viện, Nhà thờ Con Gà… mà JiNa cần phải đánh giá, có thái độ trong đề xuất giải pháp quy hoạch của mình. Những công trình đó là “trí nhớ” của TP. Không có “trí nhớ” sẽ bỏ quên truyền thống. Mà như thế thì yếu tố văn hóa trong đồ án quy hoạch sẽ bị hạ thấp xuống. Trong đánh giá hiện trạng, đồ án quy hoạch của JiNa cần phải đánh giá sâu về văn hóa, truyền thống của Đà Nẵng chứ không phải chỉ có về mặt kiến trúc, xây dựng”.
KTS Nguyễn Văn Chung: "Không biết làm cách gì, bí quá bèn tính chuyện lấn sông. Như thế “tối sách”!" (Ảnh: HC) |
Tán đồng quan điểm này, KTS Hoàng Quang Huy nhấn mạnh, quy hoạch sông Hàn là một công việc rất hệ trọng, còn phải trao đổi kỹ và rất cần các đơn vị tư vấn, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước phải giúp cho người dân quản lý chặt dòng sông Hàn. Mọi việc xây dựng, mọi việc làm trên dòng sông này đều phải hỏi ý kiến người dân.
“Bởi vì sông Hàn đã là báu vật của dân rồi thì không thể không hỏi ý kiến họ được. Đấy mới là sự tôn trọng. Cái gì chúng ta làm cũng là làm cho dân, vì dân thì chuyện quy hoạch hai bờ sông Hàn, ngoài các nhà khoa học ra, phải trưng cầu cả ý dân nữa. Chẳng hạn lễ hội đua thuyền của người dân trên sông Hàn, bây giờ thu hẹp lại thì họ tổ chức lễ hội truyền thống này ở đâu?” – KTS Hoàng Quang Huy nhấn mạnh.
KTS Tô Văn Hùng cũng nêu rõ, cần phải xem sông Hàn là tài sản không chỉ của người dân Đà Nẵng mà còn là của tất cả những ai yêu mến Đà Nẵng. Do đó, bàn về sông Hàn không chỉ là việc của các KTS, các nhà quản lý mà rất cần ý kiến của các nhà khoa học khác như các sử gia, sinh thái học, thủy văn, môi trường, xã hội học… Và trên hết, nhất thiết phải có sự tham gia của cộng đồng người dân để đảm bảo đến quyền lợi và trách nhiệm của xã hội.
“Cần phải thay đổi cách ứng xử đối với sông Hàn, phải xem sông Hàn như một cơ thể sống, có tuổi, có tâm hồn… chứ không thể đối xử như với vật thể vô tri, vô giác. Mọi tác động (tự nhiên, nhân tạo) đến cơ thể sống đều có thể làm cho nó ngày càng khỏe mạnh, xinh đẹp một cách bền vững; hay cũng có thể làm cho nó đẹp theo kiểu “thẩm mỹ viện”, cái vỏ bọc bên ngoài rất đẹp nhưng chứa đựng bên trong là một cơ thể èo uột, mang nhiều mầm bệnh, Đừng biến cô gái sông Hàn thơ mộng thành hoa hậu chuyển giới. Vì vậy cần có một chế độ “chăm sóc” thật khoa học và toàn diện để sông Hàn trường tồn với Đà Nẵng!” – KTS Tô Văn Hùng nhắn gửi đầy tâm huyết.