Đà Nẵng: Ngăn chặn việc nhân nuôi loài sâu Superworm nguy hại
Ngày 26/6, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT Đà Nẵng) cho hay, hiện trên địa bàn TP xuất hiện tình trạng một số người dân nhân nuôi loài sâu Superworm (hay còn gọi là sâu gạo – tên khoa học là Zaphobas morio) với mục đích làm thức ăn cho chim, gà, cá.
Loài sâu Superwormcó nguy cơ gây hại cho sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái (Ảnh do Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng cung cấp) |
Theo ông Phạm Hồng Vân, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Đà Nẵng, đây là loài côn trùng ăn tạp, phàm ăn, chưa có tên trong danh sách vật nuôi nông nghiệp và có nguy cơ gây hại cho sản xuất nông nghiệp cũng như ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái.
Ngày 24/4, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) đã có Công văn 617/BVTV-KD cấm nhân nuôi sâu Superworm. Theo đó, việc nhân nuôi loài sâu không có trong danh sách vật nuôi nông nghiệp là hành vi vi phạm pháp luật được quy định tại Điều 7 Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật năm 2001.
Thực hiện chỉ đạo của Cục Bảo vệ thực vât, ngày 26/5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng đã có công văn 138 đề nghị các địa phương phối hợp tuyên truyền để người dân không nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Superworm trái quy định. Đồng thời khuyến khích người dân tham gia phát hiện báo cho cơ quan chức năng địa phương hoặc cơ quan bảo vệ thực vật gần nhất để xử lý.
Mới đây, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng đã thành lập đoàn kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi loài sâu này trên địa bàn TP. Qua đó đã phát hiện và tổ chức tiêu hủy toàn bộ số sâu Superworm đang được nhân nuôi tại hộ ông Đặng Công Hùng (thôn Túy Loan Tây 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang). Đây là hộ nông dân mới nuôi thử với số lượng ít nên chưa xử lý vi phạm hành chính mà chỉ nhắc nhở và tiêu hủy.
Xử lý tiêu hủy sâuSuperworm do hộ ông Đặng Công Hùng (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) nhân nuôi |
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Đà Nẵng cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi loài sâu này. Chi cục cũng đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra và tiến hành xử lý khi phát hiện các tổ chức, cá nhân có hành vi nhân nuôi sâu Superworm.
Theo ông Lâm Quang Hải, Trưởng trạm Kiểm dịch thực vật (Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Đà Nẵng), sâu Superworm có nguồn gốc xuất xứ ở nước ngoài, du nhập vào Việt Nam chủ yếu qua các cửa khẩu biển giới phía Bắc. Việc xử lý sâu Superworm phải được tiến hành triệt để bằng cách tiêu hủy, bởi loài sâu này ăn tạp, phàm ăn, phá hại nhiều loại cây trồng, nếu phóng thích ra ngoài môi trường sẽ gây thiệt hại nặng cho sản xuất nông nghiệp giống như vấn nạn ốc bươu vàng trong thời gian qua.
Theo quy định của Nghị định 114/2013/NĐ-CP (03/10/2013) của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giống cây trồng, bảo vệ và kiểm dịch thực vật thì hành vi nhân nuôi, vận chuyển và phóng thích sâu Superworm (Zaphobas morio) sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng.