Đà Nẵng mở rộng tối đa cơ hội cho đầu tư tư nhân
Ngày 7/5, Văn phòng UBND TP Đà Nẵng cho hay, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký Quyết định số 2156/QĐ-UBND phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu kinh tế TP Đà Nẵng đến năm 2020". Mục tiêu là xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những đô thị lớn của cả nước, trung tâm KT-XH lớn của miền Trung và là TP môi trường theo Kết luận 75-KL/TW (12/11/2013) của Bộ Chính trị (Khóa XI) và Quyết định 1866/QĐ-TTg (8/10/2010) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH TP Đà Nẵng đến năm 2020. Đồng thời tái cơ cấu kinh tế là thời cơ để chủ động triển khai mô hình Chính quyền đô thị.
Đà Nẵng sẽ mở rộng tối đa phạm vi, cơ hội cho đầu tư tư nhân nhằm góp phần tái cơ cấu kinh tế TP (Ảnh: HC) |
Theo đó, thực hiện tái cơ cấu kinh tế TP Đà Nẵng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo lộ trình và bước đi phù hợp để đến năm 2020 cơ bản hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững, xây dựng đẳng cấp và sự khác biệt.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp đi đôi với đẩy mạnh tái cơ cấu trong nội bộ các ngành sản xuất, dịch vụ. Điều chỉnh chiến lược thị trường, tăng nhanh giá trị nội địa, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp (DN) và của nền kinh tế. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế Đà Nẵng là dịch vụ 62-65%; công nghiệp - xây dựng 35-37%; nông nghiệp 1-3.
TP sẽ tập trung phát triển DN trong các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng nêu trên. Cụ thể về dịch vụ, phát triển DN hoạt động du lịch, thương mại, logistics, tài chính - ngân hàng, GD-ĐT chất lượng cao, y tế chuyên sâu. Về công nghiệp, phát triển DN công nghệ cao, CNTT, công nghiệp hỗ trợ. Về nông nghiệp, phát triển DN hoạt động trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao như sản xuất rau an toàn, trồng hoa, cây cảnh…
Đặc biệt là phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Xây dựng TP trở thành đô thị du lịch ven biển chất lượng cao, trung tâm dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch có chất lượng, có thương hiệu, có năng lực cạnh tranh tầm khu vực và quốc tế. Giai đoạn 2016-2020 phấn đấu tăng trưởng thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch tăng 14-15%/năm, đến năm năm 2020 thu nhập từ du lịch đạt 23.230 tỉ đồng. Nâng số phòng khách sạn phục vụ lưu trú đến năm 2020 là 20.400 phòng (8.500 phòng khách sạn 4-5 sao).
Đồng thời tiếp tục đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước; tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; ưu tiên khai thác các thị trường xuất khẩu trọng điểm, chiến lược (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, EU, ASEAN, Úc); tập trung khai thác, duy trì và mở rộng hiệu quả các thị trường Nga, Đông Âu, Trung Đông, Châu Phi.
Để đạt mục tiêu trên, TP khuyến khích, tạo điều kiện mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, sản phẩm có lợi thế, tiềm năng. Đồng thời nâng cao năng lực chuyên môn và tinh thần trách nhiệm, tăng cường phối hợp chặt chẽ và thống nhất giữa các cơ quan liên quan trong việc tiếp nhận, thẩm định các dự án đầu tư, đảm bảo thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, đăng ký kinh doanh, tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất để đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư.
Tập trung huy động nguồn vốn FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao; các dự án giáo dục, y tế và các dự án nâng cao năng lực cạnh tranh xuất khẩu. Không khuyến khích FDI tập trung vào các dự án bất động sản quy mô lớn, gây ô nhiễm môi trường. Nguồn viện trợ ODA để đầu tư vào cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ phục vụ công tác thu hút FDI và nguồn vốn NGO để phục vụ phát triển KT-XH, hỗ trợ thực hiện các chương trình, mục tiêu về an sinh xã hội.
Cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần tỉ trọng đầu tư công (đạt khoảng 25% tổng vốn đầu tư xã hội vào năm 2015 và 20% vào năm 2020) đi đôi với tăng cường huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế; tăng cường, mở rộng phạm vi xã hội hóa, đẩy mạnh chuyển dịch sang các nguồn thu bền vững hơn và các nguồn thu thông qua huy động trái phiếu dài hạn và đầu tư tư nhân (PPP, BOT, BT, BOO..) bằng hình thức đấu thầu cạnh tranh công khai.