Đà Nẵng: Mở rộng Công viên APEC để làm “thành phố du lịch hoa 4 mùa”?
Ý tưởng về một “Thành phố du lịch hoa 4 mùa”
Như tin đã đưa, ngày 1/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã chủ trì cuộc họp xem xét thông qua điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành văn hóa – thể thao (VH-TT) TP Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đồng thời nghe lãnh đạo Sở VH-TT báo cáo tình hình hoạt động và nêu các các đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo TP.
Tại buổi làm việc với Sở Văn hóa - Thể thao sáng 1/3, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chỉ đạo... |
Tại buổi làm việc, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng Lê Tự Gia Thạnh cho rằng quy hoạch phát triển ngành văn hóa TP cần quan tâm định hướng xây dựng các quảng trường trung tâm, quảng trường các quận, huyện… Đây là việc rất quan trọng trong phát triển đời sống văn hóa của TP.
Hơn nữa, Đà Nẵng đang định hướng phát triển TP du lịch nên việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của du khách là rất cần thiết. Vì vậy quy hoạch cần bổ sung thêm một số khu vực thiết chế văn hóa ngoài trời như sân khấu ngoài trời, sân khấu sinh hoạt cộng đồng… để người dân và du khách giao lưu văn hóa.
Nghe ông Lê Tự Gia Thạnh phát biểu, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cũng thốt lên: “Đúng rồi, quy hoạch không thấy nói tới mảng quảng trường!”. Rồi ông bật mí: “Đối với các quảng trường, công viên văn hóa thì sắp tới sẽ có nhiều cái táo bạo lắm. UBND TP đã có đề xuất để sắp tới đưa ra họp Ban Thường vụ Thành ủy!”.
Ông Huỳnh Đức Thơ nhận xét, trong dịp Tết Mậu Tuất, khu vực xung quanh cầu Rồng, Công viên APEC… trở thành trung tâm vui chơi, giải trí, văn hóa rất lớn, thu hút đông đảo người dân, du khách. Suốt mười mấy ngày xuân vừa qua, tại đây luôn diễn ra một không khí tưng bừng, nhộn nhịp nhưng cũng hết sức văn hóa, gắn liền với các khu vực trưng bày hoa.
“Tới bữa nay mà chỗ xung quanh cầu Rồng, Công viên APEC… vẫn còn đông. Trong 3 ngày Tết thì du khách còn đông hơn cả người dân mình. Sở VH-TT nghiên cứu thử, không chỉ mấy ngày Tết mà có thể một năm làm mấy mùa trưng bày hoa như thế. Mùa nào cũng có các loại hoa trưng bày ở khu vực xung quanh cầu Rồng, mở rộng ra thêm Công viên APEC nữa.
Một năm làm 4 mùa hoa. Mình không tham vọng làm được như Công viên hoa tulip ở Hà Lan, nhưng bây giờ khách du lịch tới Đà Nẵng rất đông và người ta có nhu cầu hưởng thụ như thế. Chúng ta nên nghiên cứu cách tổ chức cho họ vui chơi, giải trí. Du khách đi miết một vài chỗ thì cũng ngán, nên muốn tới những không gian mở!” – ông Huỳnh Đức Thơ nói.
Trao đổi với PV Infonet bên lề cuộc họp, ông Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm, định hướng “Công viên hoa 4 muầ” xung quanh cầu Rồng sẽ được Ban cán sự UBND TP Đà Nẵng báo cáo tại cuộc họp Ban Thường vụ Thành ủy ngày 2/3. Theo ông, việc tổ chức loại hình hoạt động này cũng là một trong những định hướng phát triển để Đà Nẵng xây dựng du lịch văn hóa gắn liền với cộng đồng, gắn liền với những không gian mở mang đặc trưng văn hóa của TP.
nghiên cứu cách thức tổ chức "Công viên hoa 4 mùa" ở khu vực xung quanh cầu Rồng, Công viên APEC cho tới cầu Trần Thị Lý! (Ảnh: HC) |
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng cho biết đã nhận được thông tin chủ đầu tư khu đất 6.000m2 cạnh Công viên APEC ủng hộ mở rộng công viên này và sẵn sàng chuyển đi nơi khác (Infonet đã đưa tin). Và UBND TP Đà Nẵng đang chỉ đạo nghiên cứu ý tưởng về một “TP du lịch hoa 4 mùa”. Đưa hoa thơm, cỏ lạ các nơi về trên khu vực rộng lớn dọc tuyến đường Bạch Đằng, đến Công viên APEC, sau này kéo dài xuống tới cầu Trần Thị Lý…
Tạo cơ chế, chính sách cho các tổ chức, cá nhân tham gia
Triển khai thêm ý tưởng này tại buổi làm việc với Sở VH-TT, ông Huỳnh Đức Thơ nói: “Qua Tết vừa rồi, tôi cảm nhận người dân, du khách rất thích các không gian mở đầy hoa, gắn với sông Hàn trong khung cảnh rất thân thiện, văn hóa, trật tự. Đây là nét văn minh của Đà Nẵng, cần phát huy để du khách đến đây được hòa mình vào đó. Du khách vẫn muốn ra ngoài trời, tham gia các hoạt động với cộng đồng. Một cộng đồng người dân và du khách thân thiện cũng là một nét văn hóa rất hấp dẫn, rất đặc trưng. Và cái đó cũng sẽ đem lại nguồn thu lớn lắm!”.
Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng cho rằng nên định hướng huy động nguồn lực của xã hội để có thể hiện thức hóa ý tưởng mà Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ nêu ra. “Không phải ngân sách đầu tư mà TP hướng dẫn chọn địa điểm, khoanh khu vực để tư nhân tham gia xã hội hóa và chúng ta hỗ trợ bằng các cơ chế, chính sách!” – ông Lê Tự Gia Thạnh đề nghị.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thương, trong xây dựng các thiết chế văn hóa cần cập nhật các cơ chế, chính sách mới theo Nghị quyết 18, 19 của Trung ương về thu hút đầu tư của toàn xã hội, đặc biệt là với các lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác làm có hiệu quả hơn. Từ đó đưa các cơ chế, chính sách thu hút các nhà đầu tư tham gia thực hiện. “Tôi đề nghị cần bỏ tư tưởng ngân sách nhà nước bao cấp đầu tư mà vận động và khai thác tối đa các tổ chức kinh tế khác để đầu tư những hạng mục mà chúng ta đề ra!” – ông Nguyễn Thương nói.
Ông Huỳnh Đức Thơ cũng nhấn mạnh: “Cần đề cập mạnh mẽ việc đổi mới cơ chế để đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác các thiết chế văn hóa và cách thức hưởng thụ về văn hóa, văn học nghệ thuật. Cái này rất quan trọng, chứ cứ làm theo kiểu nhà nước bao cấp, xây dựng ra để đó, không có tiền quản lý, không có con người quản lý, không có nguồn thu thì sẽ tan hoang hết thôi.
Vì vậy chúng ta cần tạo điều kiện cho tất cả các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia thông qua các cơ chế, chính sách. Chỉ có một số loại hình văn hóa, nghệ thuật gắn liền với truyền thống, văn hóa dân gian, lịch sử… thì ngân sách nhà nước mới bao cấp, còn bất cứ công trình, thiết chế, hoạt động văn hóa nào mà có nguồn thu, có ra có vào thì mới có khả năng phát triển được!”.