Đà Nẵng: Làm rõ trách nhiệm của huyện, xã trong vụ “cải tạo đất”
Tiếp tục vụ “Thực hư việc nguyên Chủ tịch Đà Nẵng cấp phép “cải tạo đất” trước về hưu?”, sáng 12/3, PV Infonet đã có cuộc trao đổi với ông Võ Văn Thương, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng, về tình trạng “cải tạo đất” gây ô nhiễm môi trường, rối loạn giao thông, thất thoát tài nguyên, thuế… đang diễn ra trên địa bàn các xã Hòa Phong, Hòa Phú... thuộc huyện Hòa Vang.
![]() |
Ông Võ Văn Thương (giữa, Chánh Văn phòng kiêm phát ngôn viên của UBND TP Đà Nẵng) trao đổi với báo chí (Ảnh: HC) |
Theo ông Võ Văn Thương, vấn đề không nằm ở chỗ nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến ký các văn bản “đồng ý về chủ trương” đối với việc cải tạo đất trên địa bàn các xã nói trên trước khi về hưu bao nhiêu ngày. Ông Văn Hữu Chiến còn đảm đương chức vụ ngày nào thì có trách nhiệm và quyền hạn đến ngày đó. Không thể nói vì sắp về hưu nên ông không làm gì cả mà chỉ ngồi chờ đến khi rời nhiệm sở.
“Cái chính là các văn bản do ông Văn Hữu Chiến ký đúng hay sai? Qua kiểm tra, chúng tôi khẳng định ông Văn Hữu Chiến ký các văn bản nêu trên là đúng thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND TP đã được nêu tại điều 3 Chỉ thị số 16/CT-UBND của UBND TP Đà Nẵng về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và hoạt động khoáng sản trên địa bàn TP Đà Nẵng”.
Cơ sở để ông Văn Hữu Chiến ký các văn bản đó là đơn xin của các hộ dân, có sự tham mưu, đề xuất của chính quyền địa phương và các sở, ngành hữu quan, có kiểm tra thực tế của bộ phận chức năng thuộc Văn phòng UBND TP, và có cả biên bản họp lấy ý kiến của các bên liên quan để đi đến thống nhất chủ trương, chứ không phải ông phớt lờ ý kiến của các đơn vị tham mưu như có một số thông tin đã nêu” – ông Võ Văn Thương nói.
Theo ông Võ Văn Thương, các văn bản mà ông Văn Hữu Chiến đã ký về vấn đề này đều là công văn chứ chưa phải quyết định hay giấy phép. Trong đó nêu rõ Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng chỉ mới “đồng ý về mặt chủ trương” và giao UBND huyện Hòa Vang - theo thẩm quyền và trách nhiệm quản lý địa bàn - chủ trì, phối hợp với các Sở TN-MT, Xây dựng, NN-PTNT… kiểm tra, giám sát hoạt động cải tạo đất đảm bảo cảnh quan và vệ sinh môi trường tại khu vực. Yêu cầu các nhóm hộ dân lập phương án cải tạo, vận chuyển đất thừa, nghĩa vụ tài chính… trình UBND huyện phê duyệt.
“Phải đến khi có phương án được UBND huyện Hòa Vang phê duyệt thì mới được triển khai thực hiện, chứ còn chủ trương của TP chưa hẳn đã thực hiện được nếu điều kiện thực tế không cho phép. Như vậy, vấn đề nằm ở trách nhiệm quản lý địa bàn của UBND huyện Hòa Vang và các xã. Các xã phải kiểm tra, nắm tình hình việc triển khai cải tạo đất đã đúng theo chỉ đạo của UBND TP chưa, nếu chưa đảm bảo (như chưa có phương án, hoặc phương án chưa được phê duyệt…) thì phải báo cáo UBND huyện có ý kiến dừng lại” – ông Võ Văn Thương nói.
Ông cũng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ tại văn bản 1732/UBND-NCPC (Infonet đã đưa tin), sáng 11/3, Phòng Quản lý đô thị (Văn phòng UBND TP Đà Nẵng) phối hợp với Thanh tra Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Đà Nẵng) đã đi kiểm tra thực tế hiện trường thi công cải tạo đào ao nuôi trồng thủy sản của nhóm hộ dân ở thôn Hòa Phước (xã Hòa Phú) do ông Trần Quá làm đại diện.
Sau khi làm việc với ông Nguyễn Văn Thế, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thịnh Phú Lâm, đoàn kiểm tra đã lập biên bản đình chỉ việc thi công cải tạo đất, đào ao nuôi trồng thủy sản, tận dụng đất sét thừa vận chuyển đi tiêu thụ mà công ty này đang thực hiện theo hợp đồng với nhóm hộ dân nêu trên.
“Thanh tra Sở TN-MT, Phòng Cảnh sát Môi trường… sẽ tiếp tục kiểm tra, xử phạt nghiêm theo thẩm quyền đối với các trường hợp vi phạm. Trường hợp nào không đảm bảo theo quy định thì thu hồi chủ trương. Đồng thời làm rõ trách nhiệm quản lý địa bàn của UBND huyện Hòa Vang và các xã; nêu rõ hành vi vi phạm và kiến nghị hình thức xử lý đối với các cá nhân có liên quan trong các cơ quan quản lý Nhà nước do đã để xảy ra vi phạm!” – ông Võ Văn Thương nhấn mạnh.