"Đà Nẵng không có định vị thị trường, thương hiệu chưa rõ!"
Đà Nẵng cần xây dựng và phát triển thương hiệu riêng
Ông Dylan Yee cho hay, theo giới thiệu của Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, CPG đã làm việc với Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng (IPC) và chủ động nghiên cứu ban đầu về vấn đề mang tính chiến lược: “Làm sao để Đà Nẵng trở thành điểm đến của nhà đầu tư quốc tế?”.
CPG nhận thấy ngoài cơ sở hạ tầng tốt, hiện Đà Nẵng vẫn chưa tạo được lợi thế cạnh tranh rõ rệt so với Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác.
Buổi làm việc của CPG với lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng sáng 30/7 (Ảnh: HC) |
TP đang ở trong bối cảnh không có định vị thị trường, khó thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao do thiếu nhân lực và thị trường. Thu hút đầu tư của Đà Nẵng hướng vào nhiều loại hình công nghiệp khác nhau, quy mô sản xuất của toàn nền kinh tế nhỏ, khó phát triển cảng và dịch vụ logistics quy mô lớn, khó giữ chân nhà đầu tư do chi phí tiếp cận thị trường cao, các KCN kém hấp dẫn…
“Đà Nẵng cần xây dựng và phát triển thương hiệu riêng với một mô hình kinh tế tập trung. Hiện tại, thương hiệu Đà Nẵng chưa rõ và công tác thu hút đầu tư đang ở trong vòng lẩn quẩn do thiếu định vị thị trường và quy hoạch chiến lược...” – ông Dylan Yee nói.
Hai đề xuất của CPG
Ông đưa ra hai đề xuất cụ thể với Đà Nẵng. Trước kết là phát triển ngành công nghiệp chiến lược đi kèm với phát triển cơ sở hạ tầng.
Theo đó, TP cần xác định cho được ngành công nghiệp chiến lược phù hợp với đặc thù và thế mạnh. Nếu chỉ kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao nói chung dựa vào ưu đãi thuế và gia thuê đất rẻ thì sẽ rất khó thu hút và giữ chân các tập đoàn, các dự án công nghiệp lớn; như Bắc Ninh không giữ chân được Samsung và sau khi hưởng hết ưu đãi tại đây thì tập đoàn này chuyển sang Thái Nguyên, Hưng Yên để tìm kiếm ưu đãi khác cao hơn!
Ông Dylan Yee, Giám đốc Quy hoạch của Công ty Tư vấn CPG (thuộc Tập đoàn CPG – Singapore): “Đà Nẵng cần xây dựng và phát triển thương hiệu riêng với một mô hình kinh tế tập trung!" - (Ảnh: HC)). |
Mặt khác, nếu thu hút đại trà các ngành công nghiệp không phù hợp với đặc thù của địa phương cũng sẽ dẫn đến tình trạng các KCN được xây dựng lên nhưng lại bỏ trống, không có nhà đầu tư hoặc chỉ thu hút được các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Điển hình là Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) trong suốt thời gian dài không thu hút được các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp chế biến, chế tạo do đặc điểm địa chất không phù hợp, gió cát mạnh gây ô nhiễm bụi, không bảo đảm chất lượng sản phẩm, càn trở các hoạt động sản xuất.
“Một khi có được định hướng ngành công nghiệp chiến lược, TP sẽ có cơ sở để phát triển các cơ sở hạ tầng phù hợp cho ngành đó (các cơ sở nghiên cứu, đào tạo nhân lực, các công ty dịch vụ hỗ trợ…), tạo nên “cụm kinh tế tập trung” và sức mạnh tổng hợp để thu hút đầu tư, tạo nên thương hiệu cho Đà Nẵng như Singapore đã thực hiện thành công với ngành lọc hóa dầu và tài chính của mình!” – ông Dylan Yee nhấn mạnh.
Đề xuất thứ hai của CPG với Đà Nẵng là phát triển ngành logistics đặc thù đi kèm với phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển.
Theo ông Dylan Yee, Đà Nẵng vốn có thế mạnh về cơ sở hạ tầng cảng biển, sân bay quốc tế và hệ thống giao thông. Tuy nhiên, nếu chỉ định hướng thu hút ngành logistics nói chung, TP sẽ không thể cạnh tranh với Hải Phòng, TP.HCM về quy mô thị trường, nguồn cung hàng hóa và giá cả dịch vụ.
Thay vào đó, Đà Nẵng cần xác định phát triển dịch vụ logistics nhằm phục vụ cụ thể cho ngành công nghiệp chiến lược của TP. Từ đó sẽ có cơ sở để phát triển hạ tầng và dịch vụ cảng biển, giao thông phù hợp với đặc thù của ngành đó.
Trên cơ sở những phân tích trên, ông Dylan Yee đề xuất gói dịch vụ tư vấn 3 bước mà CPG có thể đưa Đà Nẵng tới thành công:
Một là định vị thị trường; Hai là quy hoạch phát triển chiến lược; Ba là đầu tư và triển khai (xác định nhà đầu tư thích hợp thông qua đấu thầu quốc tế; xây dựng tổ chức điều hành và đào tạo về quản lý).
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết: "Lãnh đạo TP Đà Nẵng đồng ý về nguyên tắc việc hợp tác với CPG!" - (Ảnh: HC) |
Đáng chú ý, về chi phí, CPG đề xuất phương án mà trong đó họ chỉ nhận chi phí tư vấn sau khi đã tìm kiếm được nhà đầu tư. Ngân sách TP Đà Nẵng chỉ phải chịu một phần nhỏ chi phí tư vấn này (tùy theo thỏa thuận giữa CPG và TP Đà Nẵng), phần còn lại sẽ lấy từ nguồn của nhà đầu tư.
“Những đất đai thịnh vượng với hạ tầng đẳng cấp thế giới không hình thành một cách tình cờ. Chúng được định vị và quy hoạch một cách cẩn trọng nhằm nâng cao giá trị kinh tế và trở thành vị trí chiến lược cho các doanh nghiệp toàn cầu đầu tư. Trong suốt 182 năm lịch sử, chúng tôi đã kiến tạo thành công tại Singapore. CPG có bí quyết và kinh nghiệm để biến TP Đà Nẵng thành điểm đến tiếp theo cho các nhà đầu tư toàn cầu!” – ông Dylan Yee nhấn mạnh.
Đà Nẵng sẽ hợp tác với CPG
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Phùng Tấn Viết nhận xét, CPG có sự quan tâm rất lớn nên mới đặt vấn đề nghiên cứu giúp cho Đà Nẵng về chiến lược phát triển và tuy chỉ mới thời gian ngắn nhưng đã giải quyết khối lượng nội dung rất lớn để đưa ra giải pháp có tính chất tổng thể đối với TP.
Ông thống nhất với những đánh giá của CPG về thực trạng phát triển kinh tế của Đà Nẵng hiện nay và cho biết, lãnh đạo TP đồng ý về nguyên tắc việc hợp tác với CPG, đồng thời giao IPC là cơ quan đầu mối làm việc với CPG để hình thành định hướng phát triển Đà Nẵng có tính chiến lược lâu dài.
Ông Lâm Quang Minh (trái), Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng (IPC) trao đổi với ông Dylan Yee bên lề cuộc làm việc. IPC sẽ là cơ quan đầu mối của Đà Nẵng làm việc với CPG trong thời gian tới! (Ảnh: HC) |
Ông Phùng Tấn Viết cũng đề nghị sau khi có thỏa thuận nguyên tắc với lãnh đạo TP Đà Nẵng, CPG xây dựng lộ trình, kế hoạch chi tiết, cụ thể từng lĩnh vực đầu tư và phát triển; trong đó chỉ rõ các lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm, không dàn trải và tiệm cận 5 định hướng phát triển chiến lược của TP Đà Nẵng theo thứ tự ưu tiên: dịch vụ chất lượng cao (du lịch, thương mại, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng, logistics…), công nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực chất lượng cao, hạ tầng giao thông theo hướng hiện đại, nếp sống văn hóa văn minh đô thị.
CPG được thành lập năm 1883 (tiền thân là Sở Công chính Singapore), là đơn vị hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tư vấn quy hoạch – kiến trúc – xây dựng. Đây cũng là đơn vị hàng đầu về tư vấn chiến lược phát triển, kinh tế tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Dịch vụ tư vấn chiến lược của CPG cung cấp các giải pháp tư vấn về mô hình phát triển kinh tế tối tưu cho một địa phương, bao gồm các khâu từ định vị thương hiệu địa phương, xác định ngành công nghiệp chiến lược, quy hoạch cơ sở hạ tầng phù hợp cho đến tư vấn thu hút các nhà đầu tư tiềm năng nhằm nâng cao giá trị kinh tế và đưa địa phương đó trở thành trung tâm đầu tư mới cho các doanh nghiệp toàn cầu.
Hiện CPG đang triển khai tư vấn chiến lược theo mô hình “Thành phố thành công” (City of Success) tại nhiều nước đang phát triển ở châu Á như đặc khu kinh tế Kyau Kphuy của Myanmar, bang Andhra Pradesh của Ấn Độ…