Đà Nẵng hạn chế nhập cư là trái pháp luật
Đà Nẵng hạn chế nhập cư là trái pháp luật
Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội (Bộ Công an) và nhiều cục, vụ chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp đều khẳng định: nghị quyết số 23 của HĐND TP. Đà Nẵng về hạn chế nhập cư là trái pháp luật.
>> Đà Nẵng: Tạm giữ xe máy của học sinh 60 ngày là không đúng luật!
>> Đà Nẵng: Học sinh đi xe thiếu tuổi, phạt giữ xe 60 ngày
>> "Siết" nhập cư: Đà Nẵng khẳng định không làm trái luật
Việc HĐND TP Đà Nẵng đặt ra quy định tạm dừng đăng ký thường trú là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân. |
Ngày 28.2, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã có văn bản gửi Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường báo cáo kết quả kiểm tra Nghị quyết số 23 của HĐND TP Đà Nẵng.
Văn bản này được lập trên cơ sở tổng hợp ý kiến của các cơ quan T.Ư gồm: Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự an toàn xã hội - Bộ Công an và nhiều cục, vụ chuyên môn thuộc Bộ Tư pháp.
Theo văn bản này, hầu hết các cơ quan chức năng kể trên đều nêu rõ quan điểm không đồng tình với nhiều quy định trong nghị quyết của Đà Nẵng.
Hạn chế nhập cư: không có cơ sở pháp lý, trái pháp luật
Trước đó, ngày 7.2, Cục Kiểm tra đã có văn bản đề nghị Sở Tư pháp TP Đà Nẵng nêu rõ quan điểm về bốn vấn đề trong Nghị quyết 23. Đó là việc tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới vào khu vực nội thành đối với các trường hợp chỗ ở là nhà thuê, mượn, ở nhờ mà không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự; cấm chuyển nhượng nhà chung cư, nếu vi phạm sẽ cưỡng chế thu hồi nhà; giữ phương tiện 60 ngày đối với học sinh chưa đủ tuổi lái xe; tạm dừng đăng ký mới và tước giấy phép kinh doanh cơ sở cầm đồ vi phạm.
Ngày 22.2, ngay sau khi nhận được phản hồi từ sở Tư pháp Đà Nẵng, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản Lê Hồng Sơn đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của đại diện Ủy ban Pháp luật, Vụ Pháp luật (Văn phòng QH), Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ)… để trao đổi, thảo luận về bốn nội dung trên.
Tại cuộc họp, ông Đặng Đình Luyến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH, nêu rõ: Luật Cư trú và nghị định hướng dẫn thi hành quy định công dân có đủ các điều kiện: có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú tại TP đó liên tục từ một năm trở lên (trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ mà người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản) thì đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú. Pháp luật hiện hành không có quy định “tạm dừng” đăng ký thường trú đối với các trường hợp công dân có đủ các điều kiện theo quy định.
Sẽ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội Ông Đặng Đình Luyến cũng thông tin thêm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội sẽ có cuộc họp để nêu quan điểm chính thức, sau đó báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nội dung liên quan của Nghị quyết số 23 này. |
Cũng theo ông Luyến, các đối tượng có tiền án, tiền sự, nếu không thuộc các trường hợp bị cấm cư trú, bị quản chế thì vẫn được giải quyết đăng ký thường trú khi đủ điều kiện theo quy định. Do đó, chủ trương tạm dừng giải quyết đăng ký thường trú mới nói trên với lý do “trong khi chờ xin ý kiến của trung ương về một số vấn đề liên quan tới Luật Cư trú trên địa bàn TP Đà Nẵng” tại Nghị quyết số 23 là “không có cơ sở pháp lý và trái với quy định của pháp luật về cư trú”.
Trong công văn gửi Cục Kiểm tra văn bản, Sở Tư pháp Đà Nẵng đã viện dẫn thẩm quyền của HĐND cấp tỉnh, HĐND TP trực thuộc trung ương trong việc “phân bổ dân cư” và “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở TP và tổ chức đời sống dân cư đô thị” để tạm dừng đăng ký thường trú với một số đối tượng. Về lập luận này, ông Luyến cho rằng có nhiều biện pháp để phân bổ dân cư, tuy nhiên sử dụng biện pháp nào cũng cần phải tuân thủ quy định của Luật Cư trú.
Đại diện Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) cũng nhấn mạnh: Những quy định nêu trên tại Luật Tổ chức HĐND và UBND là thẩm quyền chung. Khi HĐND đưa ra nghị quyết để quy định cụ thể một nội dung nào đó thì phải tuân theo các luật ban hành sau và quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực. Do vậy, việc HĐND TP Đà Nẵng đặt ra quy định trên là một hình thức hạn chế quyền tự do cư trú của công dân.
Các nội dung khác cũng vi phạm
Nghị quyết 23 của HĐND TP Đà Nẵng cũng quy định tạm dừng đăng ký mới đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ. Ngoài hình thức phạt tiền, áp dụng hình thức phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh đối với những cơ sở cầm đồ vi phạm pháp luật, những cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường, quán cà phê… vi phạm an ninh trật tự, gây tiếng ồn vượt quá giới hạn, làm ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Quy định này, theo nhiều chuyên gia cũng không có cơ sở pháp lý. Đại diện Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế (Bộ Tư pháp) khẳng định biện pháp xử phạt hành chính đối với một số hoạt động nêu trên là không đúng thẩm quyền. Theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính thì thẩm quyền này thuộc Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Về việc xử phạt nặng học sinh chưa đủ 16 tuổi điều khiển xe gắn máy và đề xuất tạm giữ xe 60 ngày, các chuyên gia pháp luật khẳng định việc làm này của HĐND TP Đà Nẵng vừa không đúng thẩm quyền vừa trái với quy định của Chính phủ về thời hạn tạm giữ phương tiện (90 ngày).
Ngoài ra, quy định từ năm 2012, Đà Nẵng nghiêm cấm việc chuyển nhượng chung cư cho người khác, nếu vi phạm sẽ bị cưỡng chế thu hồi cũng được đưa ra xem xét. Theo các chuyên gia, nếu khái niệm chung cư mặc định nằm trong “Chương trình có nhà ở” thuộc sở hữu Nhà nước thì việc nghiêm cấm của Đà Nẵng là có cơ sở. Tuy nhiên, việc HĐND TP Đà Nẵng quy định như vậy chưa thực sự phù hợp đối với một số trường hợp dù đó là nhà thuộc sở hữu Nhà nước.
Không có gì là trái luật cả Điều 12 luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003 có quy định: HĐND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền “phân bổ dân cư và cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương” và tại điều 18 của luật này quy định: HĐND thành phố trực thuộc trung ương có thẩm quyền “quyết định biện pháp quản lý dân cư ở TP và tổ chức đời sống dân cư đô thị”. Như vậy, HĐND thành phố Đà Nẵng thực hiện cả hai Luật cư trú và Luật tổ chức HĐND và UBND. Về nguyên tắc, hai luật này đều có giá trị pháp lý ngang nhau. Như vậy không có gì là trái luật cả. |
Theo SGTT