Đà Nẵng: Dành 6.000m2 mở rộng Khu di tích quốc gia Nghĩa trủng Hòa Vang
Mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang thêm 6.000m2
Ngày 18/4, NSND Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng cho hay, trên cơ sở tham mưu của Sở này, Thường trực Thành ủy đã thống nhất chủ trưởng mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang (tức Nghĩa trủng Khuê Trung) - nơi quy tập hài cốt của những nghĩa sĩ, nghĩa dân đã hy sinh trong buổi đầu kháng Pháp đánh chiếm Đà Nẵng những năm 1858 - 1860.
Ngày 15/3 âm lịch hàng năm, tại Nghĩa trủng Hòa Vang, học sinh trường THPT Hòa Vang thắp nến tưởng niệm các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh vì nước! (Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng) |
"Ngày 13/4 vừa qua, UBND TP Đà Nẵng đã có Công văn 2437/UBND-ĐTĐT (ngày 13/4) thống nhất lấy toàn bộ diện tích Bệnh viện Y học dân tộc (hiện đang được xây dựng mới tại khu vực Hòa Xuân, dự kiến quý 3/2020 sẽ hoàn thành) để mở rộng Nghĩa trủng Hòa Vang thêm 6.000m2.
Trên khu đất này sẽ đầu tư cảnh quan, công viên, không gian tưởng niệm kết nối với Nghĩa trủng Hòa Vang hiện nay để đáp ứng nhu cầu của người dân, du khách, học sinh, sinh viên tới thăm viếng, hương khói cho các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh vì nước.
Căn cứ kế hoạch vốn năm 2020 đã được bố trí thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, UBND TP Đà Nẵng giao UBND quận Cẩm Lệ chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư, trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt để làm cơ sở triển khai các bước đầu tư xây dựng tiếp theo.
Đôi nét về Nghĩa trủng Hòa Vang
Theo Bảo tàng Đà Nẵng, Nghĩa trủng Hòa Vang được Bộ Văn – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1999. Khu di tích này hiện tọa lạc trên diện tích 4.000m2 thuộc phường Khuê Trung (quận Cẩm Lệ) là nơi an nghỉ của hơn 1000 nghĩa sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng Pháp (1858 – 1860).
Trong điều kiện chiến tranh lúc đó, việc quy tập, mai táng các nghĩa sỹ hy sinh chỉ tạm thời. Về sau, nhân dân đã lập các nghĩa trủng và quy tập hài cốt, xây đắp mộ cho những chiến sỹ trận vong trong suốt 19 tháng chống trả quyết liệt, làm thất bại ý đồ nhanh chóng chiếm đóng Đà Nẵng của liên quân Pháp - Tây Ban Nha.
Nghĩa Trủng Hòa Vang được hình thành năm 1866 tại làng Nghi An, thuộc tổng Phước Tường, huyện Hòa Vang. Khi thực dân Pháp xây dựng sân bay Đà Nẵng (1925 – 1926), nhân dân phải dời Nghĩa trủng này về vườn Bá làng Khuê Trung. Năm 1962, sân bay Đà Nẵng tiếp tục mở rộng, Nghĩa trủng được chuyển về vị trí hiện nay.
Tuy trải qua nhiều lần di dời nhưng Nghĩa trủng Hòa Vang vẫn lưu giữ được tấm bia cổ khắc 4 chữ “Hòa Vang Nghĩa Trủng” được lập năm Tự Đức thứ 19 (1866) và hai trụ đá có ghi 2 câu đối:
“Ân triêm khô cốt di truyền cổ
Trạch cập tàn hồn tái kiến kim”.
Tạm dịch:
“Vua ban nhặt cốt truyền dấu cũ
Giữ được tàn hồn lại thấy nay”.
Bên cạnh Nghĩa trủng Hòa Vang với hơn một nghìn ngôi mộ là quần thể di tích văn hóa – lịch sử, gồm: di tích Phế tích tháp Hóa Quê, ngôi miếu Bà, giếng cổ Chăm hình vuông được xây bằng đá sa thạch, phế tích tháp Chăm và Nhà thờ tiền hiền làng Hóa Quê.
Đặc biệt, Nhà thờ tiền hiền của làng Hóa Quê cùng với miếu Bà là những công trình lịch sử – văn hóa có giá trị, là nơi cán bộ cán bộ cách mạng địa phương dùng làm địa điểm bí mật hoạt động cách mạng.
Để tưởng nhớ các bậc tiền hiền đã có công gây dựng làng và các nghĩa sĩ đã hy sinh trong những ngày đầu kháng chiến chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha, hàng năm vào tháng 3 âm lịch, UBND phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ long trọng tổ chức Lễ tế nghĩa sĩ cùng với Hội làng Khuê Trung tại Khu di tích Nghĩa trủng Hòa Vang.