Đà Nẵng: Cơ sở dạy nghề manh mún, đào tạo đơn giản
Hội thảo Đào tạo nghề - Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho mục tiêu phát triển KT - XH" do UBND TP Đà Nẵng tổ chức ngày 25/10 - Ảnh: HC |
Theo bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, hiện lực lượng lao động của Đà Nẵng khoảng 480.000 người, chiếm 50,1% dân số. Tuy nhiên, so sánh với cơ cấu lao động theo trình độ chuyên môn với tỉ lệ 1 cao đẳng, đại học - 4 trung cấp - 10 công nhân kỹ thuật của Quỹ Dân số Liên hiệp quốc thì cơ cấu lao động hiện nay của Đà Nẵng với tỉ lệ 1 - 0,5 - 1,3 cho thấy đang có sự mất cân đối lớn giữa đào tạo nghề và nhu cầu nhân lực cho mục tiêu phát triển KT-XH của TP.
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường lao động, 5 năm tới, Đà Nẵng phải đạt mục tiêu 55% lao động qua đào tạo nghề, nghĩa là cần phải đào tạo nghề cho 195.500 người (gồm 10% trình độ cao đẳng, 28% trung cấp nghề) và 95% số người học nghề có việc làm. Đến năm 2020 đạt tỉ lệ 70% lao động qua đào tạo, tương ứng với 633.672 người. Trong đó, lao động có trình độ cao đẳng, đại học là 186.374 người, trung cấp chuyên nghiệp 149.099 ngươi và công nhân kỹ thuật 298.000 người, tương ứng với tỉ lệ 1 - 0,8 - 1,6.
Thế nhưng công tác đào tạo nghề trên địa bàn lại đang chứa đựng rất nhiều bất cập. Toàn TP hiện có tổng cộng 62 cơ sở dạy nghề, thuộc vào loại cao ở khu vực duyên hải miền Trung. Tuy nhiên số cơ sở dạy nghề có quy mô đào tạo trên 2.000 học viên chỉ chiếm 4,8%, trong khi quy mô đào tạo dưới 500 học viên chiếm đến 62,9%. Điều đó cho thấy số cơ sở dạy nghề ở Đà Nẵng hiện nay tuy nhiều nhưng quy mô tào tạo nhỏ, manh mún.
Đà Nẵng đang có nhu cầu rất lớn về lao động trong các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao nhưng các cơ sở dạy nghề chưa đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng - Ảnh: HC |
Các cơ sở này cũng phân bố không đều. Quận Hải Châu có đến 21 cơ sở, quận Thanh Khê có 13 cơ sở. Các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ, ngành TƯ quản lý phần lớn tập trung ở quận Liên Chiểu. Trong khi Hoà Vang là huyện nông thôn duy nhất, đang có sự chuyển dịch mạnh về cơ cấu kinh tế, cơ cấu ngành nghề đào tạo thì lại chưa có cơ sở dạy nghề nào.
Về ngành nghề đào tạo, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng cho hay, cũng chưa sát với yêu cầu thực tế. Các cơ sở dạy nghề chủ yếu đào tạo ngắn hạn, thường tập trung vào các nghề đơn giản như điện dân dụng, cơ khí gò hàn, may công nghiệp, lễ tân khách sạn, buồng phòng, trồng nấm, nuôi cá nước ngọt, dịch vụ thẩm mỹ... Đáng chú ý, đào tạo nghề lái xe ô tô hiện chiếm 29,5% trên tổng số tuyển sinh đào tạo hàng năm, trong khi tỉ lệ lao động phục vụ cho phát triển kinh doanh, dịch vụ ở ngành nghề này chỉ đạt 0,65%!
"Ngược lại, các ngành có hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao như bảo dưỡng, sửa chữa lắp ráp các thiết bị chính xác, cơ khí chế tạo máy, hàn công nghệ cao, công nghệ ô tô, các nghề thuộc lĩnh vực tự động hoá... mà thị trường đang cần lại chưa được chú trọng đầu tư về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và cấp trình độ đào tạo nên các doanh nghiệp thường phải đào tạo lại sau khi tuyển dụng" - Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Đà Nẵng Nguyễn Thị Thanh Hưng nói.