Đà Nẵng cần tìm động lực phát triển mới!
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21 (vừa diễn ra từ ngày 14 – 16/10) xác định “phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại; tập trung thu hút đầu tư vào công nghiệp công nghệ cao (CNC), công nghệ thông tin (CNTT)” là một trong 3 đột phá phát triển KT-XH của Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Giám đốc Sở KH-ĐT Đà Nẵng Trần Văn Sơn phát biểu tại cuộc họp báo về Đại hội Đảng bộ TP Đà Nẵng lần thứ 21 (Ảnh: HC) |
Tuy nhiên ông Trần Văn Sơn cho hay, thực tế những năm qua tăng trưởng công nghiệp của Đà Nẵng đạt thấp (7,8%) so với dịch vụ (12,1%). Các KCN được đầu tư lớn, hoàn chỉnh nhưng chưa có nhiều doanh nghiệp quy mô và đóng góp lớn cho ngân sách. Do vậy, Kết luận 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) đã đánh giá: "Tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng còn nhiều nhưng có những mặt chưa được khai thác tốt. Quy mô kinh tế còn nhỏ, năng lực cạnh tranh còn thấp. Đầu tư cho phát triển sản xuất chậm so với phát triển hạ tầng và chưa có sự bứt phá".
Trước tình hình đó, ông Trần Văn Sơn nêu quan điểm: “Ngành du lịch những năm qua được xem là ngành kinh tế mũi nhọn, tuy nhiên một đô thị phát triển bền vững không thể dựa vào một ngành nghề chính. Đồng thời du lịch còn bị tác động bởi nhiều yếu tố như thời tiết, văn hóa, an ninh và các vấn đề về y tế (dịch bệnh)... Do đó, TP cần phát triển đa dạng hóa nhiều ngành nghề mới mà TP có thế mạnh”.
Cụ thể, theo ông Trần Văn Sơn, Đà Nẵng cần tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng và có cơ chế, chính sách đặc biệt thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao, nhất là các ngành công nghiệp CNC, CNTT, trong đó lấy Khu CNC Đà Nẵng, Khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm số 2, Khu đô thị công nghệ FPT và hệ thống cáp quang biển cập bờ làm đòn bẩy thúc đẩy phát triển đa dạng hóa ngành nghề mới này.
Dự kiến, Khu CNC Đà Nẵng (1.129 ha, tổng vốn đầu tư 8.741 tỉ đồng) khi hoàn thành sẽ thu hút khoảng 40.000 - 50.000 lao động chất lượng cao. Hiện Khu CNC này đã giải ngân 640 tỉ đồng, hoàn thiện hạ tầng 400 ha và thu hút 03 dự án đầu tư. Khu đô thị công nghệ FPT (181 ha, tổng vốn đầu tư 20.000 tỉ đồng, thu hút khoảng 10.000 lao động chất lượng cao) dự kiến cuối năm 2015 sẽ hoàn thành khu phức hợp đa chức năng và giải quyết việc làm cho khoảng 2.000 lao động với đa số là kỹ sư CNTT.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Văn Sơn, Đà Nẵng cần đầu tư hình thành Trung tâm công nghệ sinh học để chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. Quy hoạch lại khu Âu thuyền Thọ Quang để tránh gây ô nhiểm môi trường, tránh chồng lấn giữa khu đô thị và khu công nghiệp nghề cá để cùng phát triển.
Trong khi đó, ngành du lịch Đà Nẵng cần tiếp tục đa dạng hóa các hoạt động và dịch vụ, rà soát quy hoạch và thúc đẩy triển khai các dự án du lịch để hình thành trung tâm du lịch ven biển tầm cỡ quốc gia, quốc tế. Đồng thời TP cần tăng cường đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ quan trọng như du lịch, tài chính, ngân hàng, GD-ĐT, y tế chuyên sâu, chất lượng cao...
Ngoài ra, ông Trần Văn Sơn đề xuất đẩy nhanh tiến độ xây dựng cảng Tiên Sa giai đoạn 2, phát triển gắn kết giữa cảng Tiên Sa, cảng Liên Chiểu và tổ chức phân luồng hàng hóa qua cảng. Do lẽ, dự kiến nhu cầu vận chuyển trong tương lai của cảng Đà Nẵng đạt trên 30 triệu tấn, trong khi hạ tầng cảng Tiên Sa chỉ đảm nhận tối đa 8,5 triệu tấn. Đồng thời cảng này không kết nối trực tiếp với đường sắt Bắc Nam, QL 1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, chi phí vận chuyển tương đối cao hơn so với hai đầu.
Trong khi đó, tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gần 140 km hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hơn một giờ, thúc đẩy Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng hình thành các KCN và dịch vụ tổng hợp dọc theo trục cao tốc, tuyến hành kinh tế Đông Tây được kết nối. Trong bối cảnh đó, cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò cảng cửa ngõ quốc tế của khu vực trọng điểm miền Trung và Tiểu vùng sông Mê Kông với công suất trên 30 triệu tấn.
Đồng thời ông Trần Văn Sơn đề xuất Đà Nẵng cần nghiên cứu phát triển khu vực vịnh Đà Nẵng thành một khu đô thị cảng biển để Đà Nẵng thực hiện những bước đột phá trong quá trình hội nhập và trở thành một thành phố có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn về kinh tế biển trong khu vực và quốc tế.