Đà Nẵng: Ban hành lộ trình cung ứng dịch vụ công trực tuyến
Ngày 3/5, Sở Nội vụ Đà Nẵng cho biết, nhằm vạch ra lộ trình cụ thể, tạo động lực cho các đơn vị tăng cường mức độ, phạm vi cung ứng dịch vụ công trực tuyến, UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quyết định 2614/QĐ-UBND phê duyệt lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại TP Đà Nẵng.
Trung tâm Giao dịch CNTT và Truyền thông, nơi cung cấp các dịch vụ hành chính công của Sở TT-TT Đà Nẵng (Ảnh: HC) |
Theo lộ trình này, Đà Nẵng đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 sẽ có 517 dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức 3 và 4, chiếm 43,9 % tổng số dịch vụ công của TP. Tỉ lệ này sẽ được nâng lên mức 100% vào năm 2020.
Để đạt đến mục tiêu trên, UBND TP Đà Nẵng đã đưa ra một số giải pháp về kỹ thuật, công nghệ, về nhân lực, về hành chính, về tuyên truyền. Đáng chú ý trong đó có cả các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của công chức thực hiện cũng như của đối tượng được cung ứng các dịch vụ công trực tuyến. Bởi, một chính quyền điện tử không thể hoạt động được nếu như thiếu công dân điện tử.
Được biết, để nâng cao hiệu quả cung ứng dịch vụ công cho tổ chức và công dân, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân trong việc thực hiện các giao dịch hành chính, trong những năm gần đây các cơ quan đơn vị trên địa bàn Đà Nẵng đã không ngừng xây dựng và mở rộng các dịch vụ công trực tuyến ở mức 3 và mức 4.
Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Việc thanh toán lệ phí (nếu có) và nhận kết quả được thực hiện trực tiếp tại cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 là dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và cho phép người sử dụng thanh toán lệ phí (nếu có) được thực hiện trực tuyến. Việc trả kết quả có thể được thực hiện trực tuyến, gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện đến người sử dụng.
Tuy nhiên theo Sở Nội vụ Đà Nẵng, thực tế hiện nay cho thấy, nhiều dịch vụ công trực tuyến đã được xây dựng và mở rộng nhưng hiệu quả sử dụng chưa cao. Từ nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, tỉ lệ hồ sơ được tiếp nhận thông qua môi trường trực tuyến còn khá thấp so với tổng số hồ sơ được tiếp nhận. Do đó, để đạt đến mục tiêu lâu dài, các đơn vị cần phải chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả sử dụng đối với các dịch vụ công trực tuyến đã có, trước khi xây dựng và mở rộng thêm các dịch vụ mới.