Đã được cảnh báo, vì sao Đà Nẵng vẫn để Thép Dana - Ý kiện ra tòa?
Phương án được người dân, doanh nghiệp đồng tình lại bị... xếp xó!
Như Infonet đã đưa tin, Công ty CP Thép Dana – Ý (đường 11B Cụm công nghiệp Thanh Vinh, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang) vừa khởi kiện UBND TP và Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ra TAND TP Đà Nẵng, đòi bồi thường 400 tỉ đồng vì cho rằng các quyết định hành chính không đúng pháp luật của chính quyền TP đã buộc Công ty phải ngừng hoạt động sản xuất trong thời gian dài, xâm phạm quyền tự do kinh doanh, gây thiệt hại nặng cho doanh nghiệp (DN).
Tháng 11/2018, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng quyết định chấm dứt hoạt động của nhà máy thép Dana - Ý, cùng với nhà máy thép Dana - Úc (Ảnh: HC) |
Theo ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thép Dana – Ý (gọi tắt là Thép Dana – Ý), cần nhìn đúng bản chất của vấn đề là trước đây TP Đà Nẵng sai lầm trong quy hoạch, bố trí 2 nhà máy thép Dana - Ý và Dana – Úc đến khu vực gần dân cư, chứ không phải do nhà máy thép gây ô nhiễm.
Kết quả quan trắc của các đoàn thanh tra đã chứng minh điều đó. Nếu quy hoạch đầy đủ, đúng chuẩn thì đã không có chuyện bức xúc của người dân.
Không những thế, cơ quan thẩm quyền vẫn tiếp tục cấp đất cho người dân làm nhà sát cạnh nhà máy (dù biết là vi phạm khoảng cách ly tối thiểu). Từ 30 hộ dân ban đầu, đến thời điểm hiện tại, con số đã lên đến 400 hộ dân, làm tình hình thêm phức tạp. Rõ ràng, DN là bên chấp hành chủ trương bố trí của TP và cũng là nạn nhân trong vấn đề này. Vì vậy TP phải có phương án giải quyết phù hợp để đảm bảo quyền lợi cho DN, nhà đầu tư cũng như người dân tại khu vực.
Đáng chú ý, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê chiều 11/6, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, từ thời ông Nguyễn Xuân Anh còn làm Bí thư Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã báo cáo và được Ban Thường vụ Thành ủy đồng ý phương án di dời các hộ dân nằm trong phạm vi bị ảnh hưởng bởi vấn đề môi trường của nhà máy để không gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân khi các nhà máy hoạt động.
Theo đó, Thép Dana – Ý ứng tiền để đền bù giải tỏa các hộ dân bị ảnh hưởng. Đồng thời ứng tiền tham gia cùng chính quyền TP xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân giải tỏa. Sau đó khu vực đất giải tỏa sẽ được chính quyền TP tổ chức bán đấu giá, lấy tiền trả lại cho Thép Dana – Ý. Nếu không trả đủ thì Công ty phải chịu phần chênh lệch thiếu hụt đó.
Tại buổi tiếp xúc cử tri chiều 11/6, ông Huỳnh Đức Thơ cho hay, trước đây người dân rất thích phương án này. Trong đơn khởi kiện, lãnh đạo Thép Dana – Ý cũng nêu rõ: “Chủ trương này được người dân và DN hết sức hưởng ứng”. Vậy tại sao phương án này không được thực hiện mà để đến bây giờ, chính quyền Đà Nẵng phải bị chính DN của TP khởi kiện ra tòa?
Từ diễn biến bất thường ngày 2/3/2018…
Theo tìm hiểu của PV Infonet, ngày 2/3/2018, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc họp nghe Ban cán sự đảng UBND TP báo cáo liên quan đến tình hình hoạt động tại hai nhà máy thép cùng nằm trong Cụm công nghiệp Thanh Vinh là Dana – Úc và Dana – Ý (theo báo cáo số 105-BC/BCS ngày 1/3/2018).
Cùng ngày, Chánh Văn phòng Thành ủy, ông Lương Nguyễn Minh Triết ký Thông báo số 336-TB/TU của Thành ủy Đà Nẵng cho biết, Ban Thường vụ Thành ủy giao Ban cán sự đảng UBND TP chỉ đạo các sở, ngành chức năng và các đơn vị liên quan “thực hiện việc dừng hoạt động của 02 nhà máy theo đúng quy định của pháp luật”.
Và một cách khá bất thường, cũng ngay trong ngày 2/3/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh có Công văn 1446/UBND-QLĐTư buộc Thép Dana – Ý ngừng ngay lập tức toàn bộ hoạt động sản xuất (nấu, luyện) gây ô nhiễm môi trường.
Theo ông Huỳnh Văn Tân, Chủ tịch thép Dana - Ý, quyết định này không dựa trên bất cứ cơ sở khoa học, quy định pháp luật nào và đã gây thiệt hại hàng trăm tỉ đồng cho DN do bị dừng sản xuất từ ngày 2 – 25/3/2018.
Không đồng tình với Công văn 1446/UBND-QLĐTư, Thép Dana – Ý đã gửi nhiều đơn kiến nghị đến UBND TP Đà Nẵng và người có thẩm quyền đề nghị xem xét lại quyết định và yêu cầu bồi thường thiệt hại trong thời gian bị buộc ngừng hoạt động không đúng quy định pháp luật.
Đến khuyến cáo ngày 14/3/2018 về việc “sẽ bị kiện đòi bồi thường”
Trước phản ứng của DN, ngày 14/3/2018, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh đã có văn bản 1753/UBND-STP gửi Ban cán sự đảng UBND TP để báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy. Theo đó, trong các ngày 05, 08, 12 và 13/3/2018, UBND TP Đà Nẵng đã họp với các sở, ngành, địa phương liên quan để rà soát hồ sơ pháp lý của dự án, tình hình hoạt động của 2 nhà máy. Tại các cuộc họp này có sự tham gia ý kiến của Công an TP, TAND TP, Viện KSND TP, Ban Nội chính Thành ủy, Ban Pháp chế HĐND TP và DN.
Trên cơ sở đó, tại báo cáo 1753/UBND-STP, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh nêu rõ, để thực hiện việc chấm dứt hoạt động của dự án thì phải tuân thủ các quy định về Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản pháp luật có liên quan; đặc biệt phải có một trong 08 căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư năm 2014.
Tuy nhiên qua rà soát cơ sở pháp lý và tình hình thực tế, ông Hồ Kỳ Minh cho hay: "Việc ngừng hoạt động của 02 nhà máy (Dana – Ý và Dana – Úc) cũng như ngừng hoạt động của dự án đầu tư theo đúng quy định pháp luật (như yêu cầu của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng tại Thông báo 336-TB/TU ngày 2/3/2018 – PV) là chưa đủ cơ sở pháp lý vì không chứng minh được hành vi vi phạm về môi trường cũng như vi phạm về thực hiện hoạt động đầu tư theo Giấy chứng nhận đầu tư của 02 chủ đầu tư theo quy định của pháp luật”.
Hơn 1.500 lao động của hai nhà máy thép Dana - Ý, Dana - Úc mất việc làm (Ảnh: HC) |
Đặc biệt, ông Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh: “Hiện nay, thực hiện Kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy, UBND TP đã thông báo tạm dừng hoạt động đối với 02 nhà máy. Tuy nhiên việc thông báo tạm dừng là chưa đúng quy định của pháp luật vì đây phải là hình thức xử phạt bổ sung kèm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Với thông báo tạm dừng này, DN có thể khởi kiện UBND TP tại TAND để yêu cầu bồi thường thiệt hại vì tạm dừng hoạt động nhà máy không đúng quy định pháp luật”.
Cùng với đó, ông Hồ Kỳ Minh cho biết, theo thông tin DN phản ánh, kiến nghị với chính quyền TP cho thấy, trong thời gian qua 2 DN đã đầu tư tạm tính khoảng trên 3.000 tỉ đồng, chưa tính đến các hợp đồng vay tiền phải trả lãi suất của DN cũng như những lợi nhuận của DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiền bồi thường cho người lao động khi chấm dứt hoạt động…
Ngoài ra, số lượng lao động tại 2 nhà máy khoảng 1.500 người, do đó việc chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy đồng nghĩa với 1.500 lao động sẽ mất việc làm, ảnh hưởng nhất định đến tình hình an ninh trật tự và an sinh xã hội của TP.
Đã cảnh báo DN có thể khởi kiện
Để tháo gỡ vấn đề này, do không có căn cứ pháp lý để dừng hoạt động nhà máy, trên cơ sở tham mưu của các cơ quan chuyên môn, ý kiến tham gia của TAND, VKSND TP, Ban Nội chính Thành ủy, Ban Pháp chế HĐND TP, UBND TP Đà Nẵng đề xuất 03 phương án thực hiện. Cụ thể:
1/ TP thỏa thuận với 2 DN về phương án chuyển đổi công năng của nhà máy và chấm dứt hoạt động dự án.
2/ UBND TP ban hành Quyết định hành chính thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, buộc dừng hoạt động 2 nhà máy.
3/ Thu hồi đất và di dời nhà máy.
Theo UBND TP Đà Nẵng, với phương án 1 thì cả 2 DN đều không đồng ý, do đã hoạt động lâu năm, không thể thay đổi loại hình sản xuất, quản lý điều hành DN, nhân sự, lao động, thị trường, khách hàng. Phương án 2 có khả năng buộc DN phải khởi kiện UBND TP Đà Nẵng tại Tòa đòi bồi thường thiệt hại do ban hành Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư không có cơ sở pháp lý.
UBND TP Đà Nẵng nêu rõ, để chấm dứt hoạt động của 2 nhà máy theo đúng quy định pháp luật thì chỉ có thể chọn phương án 3 là khả thi nhất, mặc dù phương án này bắt buộc phải có thời gian để các cơ quan chức năng triển khai các bước theo đúng quy định, có thời gian để DN di dời, giải tỏa; đồng thời dự báo kinh phí thực hiện điều chỉnh quy hoạch, thu hồi đất để thực hiện dự án mới tại khu vực này là rất lớn.
Tại báo cáo 1753/UBND-STP (ngày 14/3/2018), thay mặt UBND TP Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Kỳ Minh cũng đề xuất các bước cụ thể nhằm triển khai thực hiện phương án 3 “thu hồi đất và di dời nhà máy”. Đồng thời ngày 23/3/2018, ông Hồ Kỳ Minh đã ban hành Thông báo số 30/TB-UBND cho phép Thép Dana – Ý hoạt động trở lại từ ngày 26/3/2018.
Đáng chú ý, trong khoảng thời gian thực hiện Thông báo 30/TB-UBND thì vào tháng 7/2018, Thanh tra TP Đà Nẵng tiến hành thanh tra toàn diện Thép Dana – Ý và Thép Dana – Úc từ ngày thành lập (bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2009) đến thời điểm đó. Theo ông Huỳnh Văn Tân thì việc thanh tra như vậy là chưa từng có tiền lệ!
Ngày 5/10/2018, Chánh Thanh tra TP Đà Nẵng ban hành Kết luận số 785/KL-TTTP đối với Thép Dana – Ý.
Ông Huỳnh Văn Tân cho rằng kết luận thanh tra có nhiều nội dung không chính xác khiến người dân và dư luận hiểu nhầm Thép Dana – Ý gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy ngày 10/10/2018, Thép Dana – Ý gửi công văn đề nghị UBND TP, Thanh tra TP điều chỉnh Kết luận thanh tra số 785/KL-TTTP. Tuy nhiên Thanh tra TP Đà Nẵng không chấp nhận.
Đến ngày 13/11/2018, Văn phòng Thành ủy Đà Nẵng có văn bản số 451-TB/TU thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy tại phiên họp ngày 7/11/2018.
Theo đó, trên cơ sở Kết luận thanh tra của Thanh tra TP Đà Nẵng, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng “thống nhất chủ trương chấm dứt hoạt động của hai nhà máy thép Dana – Úc và Dana – Ý”.
Ông Huỳnh Văn Tân cho hay, bức xúc trước quyết định này của lãnh đạo TP Đà Nẵng, ngày 30/1/2019, Thép Dana – Ý đã có đơn khởi kiện gửi đến TAND TP Đà Nẵng. Tuy nhiên sau một thời gian chờ động thái hợp tác của chính quyền Đà Nẵng không thành, đến nay công ty mới chính thức kiện các quyết định của chính quyền ra tòa.
“Trên tinh thần thượng tôn pháp luật và với những tổn thất vô cùng to lớn của DN, Công ty chúng tôi xin chịu trách nhiệm về việc khởi kiện này và mong được TAND TP Đà Nẵng công tâm xem xét!” – Đơn khởi kiện của Công ty CP Thép Dana – Ý nêu rõ.