Cuộc chiến giành mạng sống với cướp của giới xe ôm
Cùng trong cuộc rượu đẫm hơi men với cánh xe ôm ở bến xe Mỹ Đình, ngoài những câu chuyện về cú vấp “bẫy tình”, cánh tài xế ở đây còn kể cho tôi nghe ký ức kinh hoàng về những lần phải đối mặt với cướp giả vờ làm khách đi đường. Phần là họ ôn lại những kỉ niệm phần cũng là để cảnh báo cho tôi nghe về những nguy hiểm khi xác định đi theo cái nghề mà theo đánh giá của tất cả là “bạc như vôi”.
Bác Tuyến, vị “lão làng” đã giúp tôi hòa nhập với đám xế ôm ở đây là người bắt đầu câu chuyện. Bác bảo rằng, cái nghề này ngoài việc phải đối mặt với nguy hiểm khi cả ngày di chuyển xe trên đường, phần nguy hiểm hơn cả chính là từ những vị khách giả vờ như thật rồi bất ngờ trở mặt thành những tên cướp hung tợn, ra tay dã man để cướp xe và không ngần ngại tước đoạt luôn cả mạng sống của xế ôm.
Những xe ôm luôn phải đối mặt với việc bị tước đoạt mạng sống |
Khẽ rít điếu thuốc cho ấm người trong cái lạnh tê tái của mùa đông miền bắc, dưới ánh đèn cao áp vàng vọt, bác Tuyến khẽ kể cho cả đám nghe câu chuyện đau lòng về một xế ôm tên Vũ Sơn Tùng (SN 1979, thường trú tại xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương).
Vốn không có nghề nghiệp ổn định, ở nhà quanh năm bám víu vào mấy sào ruộng, kinh tế gia đình khó khăn, kiệt quệ, sau khi gom góp, vay mượn được anh em, bạn bè, Tùng mua được chiếc xe Wave RS để mang lên Hà Nội kiếm kế sinh nhai bằng nghề xe ôm.
Thời ấy, lúc mới “chân ướt chân ráo” tới bến xe Mỹ Đình để đợi khách, bác Tuyến cũng là người dẫn dắt cho Tùng vào nghề. Bác Tuyến coi Tùng như người em trai vì Tùng hiền lành, chịu khó, cư xử rất thật thà và tốt tính với anh em đồng nghiệp.
Đáng buồn vào một buổi tối cuối hè, lúc ấy khoảng 19h, đúng giờ tan tầm, người ra vào bến xe nườm nượp, có hai thanh niên bước tới trước xe của Tùng bảo chở tới Hoài Đức, Hà Nội.
Vết máu tại hiện trường nơi xế ôm Tùng bị sát hại |
Nghĩ bụng trời cũng đã tối, làm nốt “cuốc cuối” rồi về nhà, đằng nào cũng tiện đường về căn nhà trọ tồi tàn ở Cầu Diễn nên Tùng gật đầu đồng ý chở hai nam thanh niên. “Lúc ấy tao cũng thấy nóng ruột, định bảo thằng Tùng hay thôi đợi khách khác mà đi, hai thằng ấy trông cứ bất thường thế nào ấy nhưng thấy nó gật đầu rồi nên cũng không ngăn được”, bác Tuyến nhớ lại.
Thế rồi, bác Tuyến không ngờ rằng, đó là lần cuối cùng bác được nhìn thấy tay xe ôm hiền lành mà bác coi như thằng em trai. Khi đi tới địa phận thôn Vân Nũng, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, đường hai bên là cánh đồng tối om, Tùng đang đi bất ngờ bị người ngồi đằng sau rút rao đâm mạnh từ sau lưng, cú đâm xuyên thấu từ sau tới thủng tim khiến Tùng chết ngay tại chỗ. Chiếc xe sau đó bị hai tên cướp dã man cướp đi mất. Thi thể Tùng được một người dân phát hiện.
“Tao nghe nói, lúc người ta phát hiện xác nó, máu chảy ướt đẫm cái lưng áo, chảy xuống cả nền đường, hai mắt nó cứ mở trừng trừng vuốt mãi không nhắm. Tao nghĩ nó vừa đau vừa không can tâm chết vì cả nhà nó ở dưới quê đều trông chờ vào cái xe ấy để kiếm tiền”, bác Tuyến nhớ lại.
Câu chuyện của bác Tuyến làm cả bọn đều trầm ngâm không nói câu nào, chén rượu không ai bảo ai tự mỗi người đều uống một hơi cho hết như để chia buồn với một người đồng nghiệp xấu số.
Chuyện xe ôm phải đối mặt với nguy hiểm chẳng lái xe nào không biết nhưng đã chấp nhận làm nghề này thì đành phải “nhắm mắt đưa chân” chứ không còn cách nào khác, nếu cứ đề phòng thì cả ngày chắc chả dám chở ai, mà như vậy chỉ có nước chết đói.
Vô số người đã phải bỏ mạng vì những tên cướp, chỉ một phần may mắn trong số đó còn giữ được mạng sống. Còn chưa thể nào quên những gì vừa mới xảy ra với mình chỉ cách đây vài tháng, một xế ôm trong đám đang ngồi uống rượu tên Nguyễn Đức Quang kể về lần thoát khỏi tay của tử thần.
“Tôi vốn hành nghề xe ôm, hằng ngày tôi từ nhà đi ra bến xe Mỹ Đình để đợi khách. Sáng 18/10 vừa qua, sau khi đã chở được 3 lượt khách, tôi quay trở lại bến xe Mỹ Đình. Vừa đỗ xe chờ khách được một lát, bất ngờ có một nam thanh niên còn trẻ, trông rất thư sinh, nước da trắng, mặc áo màu tím than đi dép lê tới đi xe ôm. Tôi hỏi đi đâu, người này bảo chở về Hòa Lạc (Thạch Thất, Hà Nội). Tôi liền bảo rằng xa như thế nên đi xe buýt cho rẻ chứ đi xe máy phải hết 150.000 đồng”, xế ôm Quang kể.
Bàn tay bị rách, chảy máu của xế ôm Quang sau khi vật lộn với tên cướp |
Nghe ông Quang nói vậy, nam thanh niên không hề thay đổi quyết định mà nói rằng “đi xe buýt cháu bị say, bác cứ chở cháu đi, rồi về đến nơi cháu còn thưởng cho bác”. Thấy khách quả quyết ông Quang cũng nhận lời chở. Thêm nữa vì ngoại hình của nam thanh niên trông hết sức hiền lành nên ông Quang cũng không đề phòng.
Trên quãng đường đi về Hòa Lạc, nam thanh niên liên tục hối thúc ông Quang chạy nhanh nhưng ông Quang không đồng ý vì lý do đã già và đi nhanh rất nguy hiểm. Sau đó, vị khách thư sinh tiếp tục lấy lý do rằng đang về ăn cưới anh trai để ông Quang tăng tốc.
Khi đi tới ngã ba giao giữa Đại Lộ Thăng Long – Hòa Lạc, nam thanh niên đi xe ôm liền bảo ông Quang rẽ vào con đường bê tông nhỏ. Sau khi đi được khoảng 2km thì tới một vườn chè và đường lúc này rất khó đi. Thấy có điều bất thường, ông Quang hỏi nam thanh niên xem sắp tới chưa thì người này nói ông Quang cứ đi thêm vài km nữa là đến nơi.
Tuy nhiên, khi đang lái xe, bất ngờ ông Quang bị một vật cứng đánh mạnh vào đầu khiến ông ngã lăn ra đường, chiếc xe đổ kềnh xuống, nam thanh niên ngồi sau xe nhanh chóng nhảy xuống và rút trong người ra một con dao (loại thường để gọt hoa quả) ra và hét lớn rằng: “Mày biết tao là ai không, đưa hết tiền ra đây” nói rồi nam thanh niên chạy giật chìa khóa xe của ông Quang ra khỏi ổ và đút vào túi quần.
Xế ôm Quang bên cạnh chiếc "cần câu cơm" suýt bị cướp lấy mất |
Vốn là một cựu chiến binh đã từng 8 năm tham gia quân đội, những ngày tháng trong quân ngũ và lăn lộn trong chiến trường khiến ông Quang cũng có chút “bản lĩnh”. Mặc dù bị đánh đau vào đầu nhưng ông Quang vẫn đứng dậy được. Thấy vậy, nam thanh niên đã dùng dao lao tới để đâm, vì kẻ cướp quá hung hãn nên ông Quang bị đâm nhiều nhát vào trán và tay. Nhớ lại miếng võ vẫn sử dụng khi đánh “giáp lá cà”, ông Quang đã khóa được tay của kẻ cướp và dùng lực cánh tay bẻ gãy lưỡi dao khiến tên cướp sợ hãi.
Biết không thể hạ gục được người lái xe ôm, đúng lúc đó lại có người đi làm tới gần nên tên cướp vội lẩn vào vườn chè gần đó chạy trốn. May mắn ông Quang có mang theo một chìa khóa dự phòng nên sau đó đã dùng để đi xe máy tới trụ sở công an trình báo.
Chính vì những cạm bẫy phải đối mặt khi làm nghề xe ôm nên nhiều lái xe đã chấp nhận làm thêm nghề tay trái để có thêm thu nhập và bớt đi sự nguy hiểm. Thứ nghề tay trái mà cánh xe ôm chọn cho mình đó là nghề “chở gái bán hoa”…
* Tên một số nhân vật đã được thay đổi
(Còn nữa)
Kinh Vân