Cùng bị Mỹ “kìm kẹp”, Trung Quốc và Nga nương tựa nhau như thế nào?
“Cuộc chến thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ có tác động rất xấu đối với kinh tế toàn cầu. Nó sẽ tác động đến chính sự phát triển của kinh tế Trung Quốc và Nga, nhưng cùng lúc đó nó cũng mang lại những cơ hội đáng kể để hai nước có thể hợp tác kinh tế”, ông Sun Zhangzhi, giám đốc của Viện Nghiên cứu Đông Âu, Nga và Trung Á thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc (IEERCAS) cho biết.
![]() |
Trung Quốc và Nga đang xích lại gần nhau dưới sức ép của Mỹ. |
Cũng theo ông Sun, cuộc chiến tranh thương mại đang khiến Nga và Trung Quốc thúc đẩy doanh thu thương mại, đặc biệt là trong các ngành năng lượng và nông nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh rằng cùng lúc đó, các hình thức trừng phạt của Mỹ và EU cũng khiến Moscow phải đi tìm những đối tác mới và nay quay sang Bắc Kinh.
Ông Sun nói thêm, trước đây Trung Quốc đã từng nhập khẩu các mặt hàng nông nghiệp chủ yếu từ Mỹ và Canada. “Giờ đây, Trung Quốc đang đi tìm những nhà cung cấp mới, nhập khẩu nông sản từ nhiều nước khác nhau”, ông nhận định và đồng thời nhấn mạnh đây là cơ hội lớn cho Nga.
Trong khi đó, với vị thế là quốc gia nhập khẩu đậu nành lớn nhất trên thế giới, Trung Quốc đã ngừng mua đậu nành từ Mỹ sau khi các cuộc đàm phán thương mại vào giữa tháng 5 vừa qua đã có kết thúc không có lợi. Sau đó, chính quyền Trump đã áp mức thuế cao hơn đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, và Bắc Kinh đáp trả bằng việc nâng thuế đối với 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ.
Các học giả Trung Quốc cũng tin rằng Nga và Trung Quốc đang có cùng hoàn cảnh với nhau. Theo ông Li Yongquan, giám đốc của Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, Mỹ và các nước đồng minh đang tìm cách kìm hãm sự phát triển kinh tế của Nga và Trung Quốc.
“Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Liên bang Nga, và một cuộc chiến tranh thương mại cũng có thể coi là một hình thức trừng phạt”, ông Li nói. “Mỹ đang thực hiện theo nguyên tắc rằng lợi ích của họ phải vượt trên các quốc gia khác, nhưng nó đang không mang lại những hệ quả rõ ràng. Chúng ta có thể nói rằng chính sự bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc đã đưa Trung Quốc đến gần với Nga hơn”.
Ông Li cũng nhấn mạnh rằng nền kinh tế Nga và Trung Quốc có thể bổ khuyết cho nhau, và lợi ích của Moscow và Bắc Kinh nhìn chung giống nhau. “Tôi tin rằng cùng nhau hai nước có thể giảm bớt những ảnh hưởng của lệnh trừng phạt đối với Nga và cuộc chiến tranh thương mại giữa Nga và Trung Quốc. Chúng ta chỉ cần khai mở toàn bộ tiềm năng của mối quan hệ hợp tác thương mại song phương giữa Nga và Trung Quốc, và nó sẽ có lợi cho toàn thế giới”, ông nói.
Cuộc gặp gỡ tiếp theo giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7/6 tới, khi ông Tập sẽ đến Nga để tham dự Diễn đàn Kinh tế Quốc tế tại St Petersburg (Nga). Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ ký kết hai văn kiện quan trọng, văn kiện đầu tiên là về kế hoạch hợp tác phát triển giữa Nga và Trung Quốc, trong khi văn kiện thứ hai sẽ liên quan đến sự ổn định an ninh giữa hai nước.