Cử tri Thủ Thiêm muốn về đất cũ dựng nhà đón Tết
Cuộc tiếp xúc cử tri của Đại biểu Quốc hội TP.HCM tại quận 2 vào chiều 22/11 tiếp tục là nơi phản ánh sự bức xúc của những người dân từng bị di dời, giải tỏa.
Gần 150 người đăng ký phát biểu đã cho thấy nhu cầu được lên tiếng của bà con, dù trước đó đã diễn ra nhiều buổi gặp gỡ, đối thoại giữa bà con với chính quyền thành phố.
Cuộc gặp kéo dài từ 14h đến gần 20h tối và không có khoảng nghỉ giải lao, các ý kiến phát biểu liên tiếp.
Cử tri Trương Thị Yến phát biểu. |
Để được phát biểu, nhiều cử tri đã mang sẵn theo cơm hộp, bánh mì và đến từ lúc 10h sáng để chờ đăng ký. Thậm chí bà Trương Thị Yến còn mang theo micro để tự nói mà không cần micro của ban tổ chức.
Giống như các buổi tiếp xúc lần trước, các ý kiến tiếp tục tập trung vào việc chính quyền quận 2 đã cưỡng chế di dời, phá dỡ nhà của của nhiều hộ dân nhưng không có quyết định, thiếu hồ sơ.
Bên cạnh những những giọng nói gay gắt, mạnh mẽ cũng có không ít những người nấc từng tiếng, khuôn mặt đầy nước mắt khi bắt đầu cầm lấy chiếc micro khiến bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nhiều lần phải động viên, khuyên nhủ bình tĩnh.
Nhiều cử tri nêu đích danh các lãnh đạo quận 2 và TP.HCM từng ra các quyết định cưỡng chế mà họ cho là trái luật. Cử tri yêu cầu phải xử lý hình sự những cá nhân liên quan trực tiếp đến việc nhà họ bị đập phá.
Cũng có cử tri khiến cả hội trường lặng đi khi nói về cảnh gần 20 năm đeo đuổi khiếu kiện khiến gia đình ly tán, cuộc sống thiếu thốn khổ cực, con cái thất học, vợ chồng mâu thuẫn.
Các ĐBQH tại buổi tiếp xúc cử tri. |
“Chúng tôi gửi đơn lên Thanh tra Thành phố, nơi này xử tôi thua và nói rằng “coi như chị xui đi”, chị cầm mấy chục cây vàng trong túi ra đường bị chúng giật đi, họ nói như vậy đó” – lời chia sẻ trong nước mắt của bà Nguyễn Thị Thúy Lan khiến nhiều người bàng hoàng.
Trong khi đó ông Nguyễn Đình Đệ cho biết, khi thành phố xin lỗi, về vật chất ông và nhiều người có thể bỏ qua nhưng về tinh thần thì “không gì có thể trả được”.
“Kêu chúng tôi tha thứ, nhưng chúng tôi tha thứ thì thành phố phải thật lòng thật dạ. Kêu chúng tôi hợp tác thì phải trên cơ sở bình đẳng, công khai và đôi bên cùng có lợi, chứ không phải hợp tác mà đẩy tất cả khó khăn, thiệt thòi cho người dân” – người đàn ông khuyết tật, ngồi trên chiếc xe lăn nói lớn.
Bằng giọng nói chậm rãi, rõ ràng, bà Nguyễn Thị Tám đề cập đến việc xác định ranh giới quy hoạch. Bà cho hay, nếu đến cuối năm thành phố không giải quyết thì bà và nhiều người sẽ về khu đất cũ tại Thủ Thiêm “cất nhà để cúng ông bà” chứ không lang thang nữa.
Cũng nói về thời điểm cuối năm, ông Nguyễn Bảo Sơn bày tỏ rằng, nhiều người dân Thủ Thiêm – trong đó có ông - nhiều năm nay phải đi “vay tiền xã hội đen” để sinh sống và trang trải học hành cho con cháu.
“Từ giờ đến Tết còn 3 tháng nữa, đủ thời gian cho các đồng chí sửa sai. Hãy giải quyết cho dân để họ có tiền trả cho "xã hội đen"” – ông nói.
Trả lời câu hỏi của cử tri sau đó về yêu cầu cất nhà tạm đón Tết, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết “xin ghi nhận đầy đủ và báo cáo về Ban thường vụ Thành ủy, là cơ quan đang chỉ đạo vấn đề này”.
Bà cũng hứa rằng Thành ủy sẽ xử lý đúng người, đúng hành vi và hài hòa lợi ích của người dân Thủ Thiêm.