Cử tri Đà Nẵng không đồng tình bỏ án tử hình đối với tội tham nhũng
Không thể đồng tình dù Quốc hội đã bấm nút thông qua
Như tin đã đưa, ngày 30/11, đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri nhằm báo cáo kết quả kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Tại đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã xem xét, thảo luận, thông qua 16 luật, 15 nghị quyết, cơ bản hoàn thiện hệ thống pháp luật về tư pháp theo tinh thần Hiến pháp 2013.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng: Bỏ án tử hình là bật đèn xanh cho tham nhũng! (Ảnh: HC) |
Trong đó, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh (cướp tài sản; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm; tàng trữ trái phép chất ma túy; chiếm đoạt chất ma túy; phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia; chống mệnh lệnh; đầu hàng địch); quy định không áp dụng khung hình phạt tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Đặc biệt, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho hay, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua đã quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu “người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất 3/4 tài sản tham ô, nhận hội lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn”.
Cử tri Nguyễn Trí Tổng (tổ 65, phường Thanh Bình, quận Hải Châu) cho hay, các quy định mới này của Bộ luật Hình sự (sửa đổi) khiến ông rất phân vân. Tại cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng trước kỳ họp thứ 10, ông đã bày tỏ sự không đồng tình. Nay Quốc hội đã bấm nút thông qua và các quy định mới này sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 17//2016, song ông thấy vẫn không thể đồng tình.
"Bật đèn xanh" cho tham nhũng?
Dẫn sách “Hồ Chí Minh toàn tập”, tập 4, trang 97, ông Nguyễn Trí Tổng cho hay, ngày 26/1/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc lệnh ban hành 10 điểm thưởng và 10 điểm phạt. Trong đó, 10 điểm phạt quy định nếu ai phạm vào các tội thông đồng với giặc, phản quốc; trái quân lệnh; ra trận mà tự ý rút lui; tự ý phá hoại giao thông công cộng; phá hoại vũ khí; để bộ đội làm hại dân; vô cớ sát hại kiều dân ngoại quốc; trộm cắp của công (tức tham nhũng); hãm hiếp, cướp bóc; bắt cóc, ám sát sẽ bị xử tử.
Cử tri Nguyễn Bá Trôi: Tại sao Quốc hội lại nhân đạo với kẻ tham nhũng hại dân, hại nước? (Ảnh: HC) |
Hơn 2.000 cử tri dự buổi tiếp xúc đã liên tục vỗ tay đồng tình khi ông Nguyễn Trí Tổng nói: “Quốc lệnh này của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta thực hiện gần 70 năm nay, bây giờ Quốc hội lại thay đổi bằng cách bấm nút hôm 27/11 thông qua việc bỏ án tử hình đối với 7 tội danh. Tôi cảm nhận, với những sửa đổi này thì 10 lời thề và 12 điều kỷ luật của quân đội sẽ không còn sắc bén, không còn “quân lệnh như sơn” nữa. Nếu có chiến tranh xảy ra e là sẽ có tình trạng chống mệnh lệnh, giơ tay đầu hàng, giao nộp vũ khí cho địch.
Bỏ án tử hình tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, tôi e là đường sắt của mình sẽ bị tháo gỡ hết bù lon để đem bán, mặc cho tàu bị lật chết người hàng loạt. Bỏ án tử hình tội tham nhũng thì vô hình chung sẽ bật đèn xanh cho tham nhũng. Cứ tham nhũng cho thật nhiều đi, khi bị kết án tử hình chỉ cần nộp lại 3/4 là thoát tội. Còn lại 1/4 vẫn đủ để sống phè phởn đời mình và củng cố cho đời con. Anh tham nhũng 100 tỉ, chỉ cần nộp 75 tỉ thì còn 25 tỉ đủ xài rồi.
Cho nên mới có hiện tượng như đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói là “hiện nay một số quan chức chen nhau những chuyến tàu vét cuối cùng của hoàng hôn nhiệm kỳ và chờ bình minh để hạ cánh. Tôi rất đồng tình với phát biểu của đại biểu Quốc hội Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tại kỳ họp vừa qua là phải biết tự thấy xấu hổ với món nợ lời hứa trước cử tri khi về hưu!”.
Cử tri Nguyễn Bá Trôi (phường Chính Gián, quận Thanh Khê) cho rằng, trong tình hình tội phạm gia tăng như hiện nay, việc bỏ án tử hình đối với 7 tội danh như nêu trên không phải thể hiện nhân văn, văn hóa mà ngược lại làm “bệ đỡ” cho cái phi đạo đức. Tham nhũng sẽ vì thế mà càng tràn lan, không ngăn nổi. “Kẻ tham nhũng chính là kẻ hại nước, hại dân. Tại sao Quốc hội lại nhân đạo với kẻ tham nhũng để rồi mất nhân đạo với đại đa số nhân dân?” – cử tri Nguyễn Bá Trôi đặt câu hỏi.
Cử tri Lê Thưởng: Các đại biểu Quốc hội có công minh khi giám sát chính mình? (Ảnh: HC) |
Đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm gây khó cho việc phòng chống tham nhũng?
Theo cử tri Lê Thưởng (phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn), hiện Quốc hội nước ta có khoảng 80% là đại biểu kiêm nhiệm, vừa giữ các chức vụ trong bộ máy chính quyền các cấp lại vừa làm đại biểu Quốc hội. Như vậy, việc giám sát của những đại biểu này có công minh khi mà họ vừa làm hành pháp, vừa làm lập pháp, nghĩa là họ tự giám sát chính mình? Họ có chỉ ra những sai trái của họ hay lờ đi và thỏa thuận với nhau, “dìu dắt” nhau qua hết nhiệm kỳ?
“Do đa số đại biểu Quốc hội là kiêm nhiệm nên gây ra tham nhũng, lãng phí rất lớn. Chúng ta đều biết những người làm trong hệ thống hành pháp là người nắm tiền của của dân, nên họ có nguy cơ tham nhũng lớn nhất. Việc Quốc hội có đến khoảng 80% là những người có nguy cơ tham nhũng và tham nhũng thì họ sẽ thông qua các chính sách, điều luật gây khó khăn cho phòng chống tham nhũng và tạo thuận lợi cho những kẻ tham nhũng!” – cử tri Lê Thưởng nói.
Cũng bức xúc như các cử tri, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng cho hay sẽ đề nghị Quốc hội sớm thông qua Luật phòng chống tham nhũng (sửa đổi), trong đó phải thu hồi 100% tài sản tham nhũng chứ không phải chỉ thu hồi 3/4 để rồi những kẻ tham nhũng sẵn sàng “ hy sinh đời bố, củng cố đời con”.
Dẫn chứng cho việc phòng chống tham nhũng còn theo kiểu “nói nhiều làm ít”, ông Huỳnh Nghĩa cho hay, trước đại hội Đảng lần thứ 12, Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng TƯ đề nghị đưa ra 7 đại án tham nhũng xét xử nhưng đến nay không chắc có xử được hết 7 vụ trước Đại hội hay không và làm đến đâu, mức độ nó như thế nào…
“Chúng ta phải cương quyết chứ chống tham nhũng kiểu này còn hời hợt, chưa cương quyết. Cá nhân tôi thấy việc phòng chống tham nhũng có khởi sắc nhưng chưa mạnh, nhiều vụ việc tham nhũng cứ kéo dài ra đó, dân mất lòng tin. Nói tham nhũng là quốc nạn nhưng không làm cho ra nhẽ thì nó cứ sẽ tiếp tục là quốc nạn thôi!” - ông Huỳnh Nghĩa nói.