Cử tri Đà Nẵng chất vấn về dự án của Trung Quốc trên núi Hải Vân
Sáng 25/11, tại cuộc tiếp xúc với các đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII trước khi diễn ra kỳ họp thứ 11 (dự kiến từ ngày 9 – 12/12), nhiều cử tri phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) đã bày tỏ sự lo lắng trước việc tỉnh Thừa Thiên – Huế cấp phép cho dự án “Khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine - Huế” của nhà đầu tư Trung Quốc tại khu vực mũi Cửa Khẻm (nơi núi Hải Vân đâm ra biển), có nguy cơ đe dọa vấn đề an ninh quốc phòng của Đà Nẵng nói riêng, cả nước nói chung.
Cử tri Phạm Vân (tổ dân phố 10, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, Đà Nẵng)... |
Cử tri Phạm Vân (tổ dân phố 10, phường Hải Châu 1) hoan nghênh UBND TP Đà Nẵng kịp thời lên tiếng trước sự việc này và đề nghị lãnh đạo TP cho biết vụ việc đã được giải quyết đến đâu.
Trong khi đó, cử tri Ngô Thị Kim Trinh (tổ dân phố 51, phường Hải Châu 1) đề nghị lãnh đạo TP Đà Nẵng giải thích cho nhân dân rõ thêm về vấn đề tranh chấp địa giới hành chính với tỉnh Thừa Thiên-Huế ở khu vực núi Hải Vân.
Trái với phát biểu của lãnh đạo Thừa Thiên - Huế cho rằng mũi Cửa Khẻm hoàn toàn thuộc địa giới của tỉnh này, trong thời gian qua không có tranh chấp gì với Đà Nẵng và dự án World Shine - Huế không ảnh hưởng gì đến vấn đề an ninh quốc phòng của tỉnh, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Văn Hữu Chiến một lần nữa nhắc lại, vị trí mà dự án của nhà đầu tư Trung Quốc được cấp phép nằm trong khu vực chồng lấn, chưa xác định ranh giới rõ ràng giữa hai địa phương.
Việc tranh chấp có lúc đã trở thành “nhạy cảm” tới mức năm 1997, Thủ tướng Chính phủ đã phải ra văn bản chỉ đạo cả hai bên phải giữ nguyên hiện trạng cho đến khi có quyết định xử lý của nhà nước, không ai được xây dựng hay làm cái gì ở đó để tránh gây thêm tình hình phức tạp.
“Trong khi Đà Nẵng chấp hành rất nghiêm túc chỉ đạo này thì Thừa Thiên - Huế lại cấp phép cho một số dự án (trong nước) và thỉnh thoảng lại ra xây dựng ở hòn Sơn Trà con (phía Thừa Thiên - Huế gọi là Sơn Chà). Đà Nẵng đã có ý kiến, cho lực lượng đi kiểm tra nhưng tôi chỉ đạo không được “gây gổ” gì với phía tỉnh bạn mà có công văn đề nghị Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Thừa Thiên - Huế có biện pháp nghiêm cấm các đơn vị đến khai thác ở hòn Sơn Trà con” - ông Văn Hữu Chiến nói.
và cử tri Ngô Thị Kim Trinh (tổ dân phố 52, phường Hải Châu 1) bày tỏ lo lắng trước việc tỉnh Thừa Thiên - Huế cấp phép cho dự án của Trung Quốc trên núi Hản Vân (Ảnh: HC) |
Mặc dù vậy, ông Văn Hữu Chiến cho hay, phía Thừa Thiên - Huế vẫn tiếp tục cấp phép cho các dự án vào khu vực mũi Cửa Khẻm, hòn Sơn Trà con và lần này là một dự án của nhà đầu tư Trung Quốc. Ông nhấn mạnh, một dự án có yếu tố nước ngoài lại được cấp phép vào vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng như thế là hết sức đáng quan ngại.
“Tôi nhắc lại một lần nữa, trong hai cuộc kháng chiến trước đây, khi xâm lược Việt Nam thì các đế quốc Pháp, Mỹ đều đánh vào Đà Nẵng trước tiên và cũng đều đánh vào chỗ đó. Vì sao như vậy? Vì đó là vị trí chiến lược hết sức quan trọng, đánh vào đó là để chia cắt đất nước ta. Nhiều tướng lĩnh của Bộ Quốc phòng cũng đánh giá đây là vị trí chiến lược phải giữ vững bằng mọi giá để bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước” – ông Văn Hữu Chiến nêu rõ.
Ông cho hay, nhận thấy việc cấp phép cho dự án nước ngoài vào khu vực mũi Cửa Khẻm là không thể được nên UBND TP Đà Nẵng đã có báo cáo ngay với Thủ tướng Chính phủ. Sau đó Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng kiểm tra. Hiện các bên liên quan đều đang chờ Bộ Quốc phòng có báo cáo cụ thểđể Chính phủ có ý kiến quyết định chính thức.
Trước các cử tri phường Hải Châu 1, ông Văn Hữu Chiến nói: “Khi đoàn kiểm tra vào, tỉnh Thừa Thiên - Huế bảo họ cấp giấy phép cho dự án trên đất của họ thôi chứ không có tranh chấp gì với Đà Nẵng. Tôi có trả lời trên báo Infonet rất rõ, trước hết, việc cấp phép cho dự án vào một khu vực đang có tranh chấp về địa giới hành chính giữa hai địa phương là không được rồi.
Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng khẳng định với bà con cử tri thái độ của lãnh đạo TP Đà Nẵng đối với dự án của Trung Quốc trên núi Hải Vân (Ảnh: HC) |
Nhưng dù có là đất của anh đi nữa thì anh cũng phải xem vị trí đó có tính chất chiến lược về an ninh quốc phòng quan trọng như thế nào rồi hãy cấp phép. Phải nghiên cứu thật kỹ chỗ đó, chứ đất của ai thì cũng là đất Việt Nam, còn vị trí chiến lược là chiến lược chung, quốc phòng chung chứ đâu phải nói chỗ đó không ảnh hưởng đến anh thì anh cấp phép mà bất kể việc nó ảnh hưởng đến khu vực phòng thủ, đến vấn đề an ninh quốc phòng của quốc gia, của địa phương khác!”.
Sáng cùng ngày, Đại tá Thái Thanh Hùng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng, nguyên Chỉ huy phó Bộ chỉ huy (BCH) Quân sự tỉnh QN-ĐN, Chỉ huy phó BCH Quân sự TP Đà Nẵng (sau khi tách tỉnh năm 1997), gọi điện cho PV Infonet hay, những ngày qua ông nhận được điện thoại của Hội Cựu chiến binh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và nhiều nơi khác hoan nghênh phát biểu của ông trên báo Infonet ngày 13/11 mà theo họ thì ông là “người thật việc thật” nắm vững địa bàn Hải Vân cả trong thời kỳ chiến tranh lẫn sau ngày giải phóng nên phát biểu của ông có tính xác đáng hơn.
“Bây giờ lên trên đó thấy tức lắm, dự án của Trung Quốc chiếm hết cả mỏm đồi rất quan trọng. Cho nên các nơi gọi điện cho mình bày tỏ đồng cảm với quan điểm của Đà Nẵng về việc dù đó là đất của ai đi nữa thì cũng không thể cho dự án nước ngoài vào đó được. Đà Nẵng lên tiếng không phải vì bức xúc chuyện tranh chấp đất đai, đất của ai thì cũng là đất nước mình, mà vì không thể lấy lý do phát triển kinh tế mà bất chấp vấn đề an ninh quốc phòng của quốc gia!” – Đại tá Thái Thanh Hùng nói.