Công trình sai phạm, quy trách nhiệm người cấp phép
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu khi UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật xây dựng sửa đổi chiều 23/9.
Theo Chủ nhiệm UBKHCN&MT Phan Xuân Dũng, sau hơn 9 năm Luật xây dựng đã có nhiều đóng góp quan trọng cho xây dựng và phát triển đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển nhanh chóng của đời sống kinh tế, xã hội trong nước và tác động hội nhập quốc tế, một số nội dung của luật đã bộc lộ hạn chế, cần được sửa đổi, bổ sung kịp thời.
Đồng tình với dự thảo luật Bộ Xây dựng trình TVQH, song Chủ nhiệm UBTCNS Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị ban soạn thảo cần tập trung khắc phục tình trạng thất thoát lãng phí NSNN. Bởi qua kết quả giám sát thì thấy rõ, việc gây lãng phí, kém hiệu quả vừa qua có nguyên nhân từ việc đầu tư xây dựng cơ bản. Theo ông Hiển, các công trình cơ bản mang tính đặc thù, làm rồi không phá được, nên phải đưa ra việc điều chỉnh cho hợp lý, dựa trên căn cứ hết sức khoa học.
Cháy tại các tòa nhà cao tầng có nguyên nhân và trách nhiệm ngay từ khâu cấp phép |
Chủ nhiệm Hiển cũng nêu, trách nhiệm sẽ thuộc về ai khi xuất hiện nhiều công trình siêu mỏng, siêu méo, hay nhà mini, chung cư mini và ai cấp phép? Ông đề nghị Luật xây dựng sửa đổi cần làm rõ để hạn chế được những công trình chất lượng kém, không đảm bảo.
Đánh giá cao dự thảo Luật do Bộ Xây dựng soạn thảo, tuy nhiên theo Chủ nhiệm UBPL Phan Trung Lý, luật này điều chỉnh ở phạm vi quá rộng. Ông cho rằng, còn nhiều vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, khắc phục để sau này khi thông qua sẽ có một dự án luật xây dựng đạt chất lượng. Do vậy luật cần xây dựng tập trung, không nên đề cập đến quá nhiều vấn đề.
Mặt khác Luật xây dựng sửa đổi cũng liên quan tới hơn chục luật khác, như Luật đấu thầu, Luật đầu tư công, Luật quy hoạch đô thị, PCCC, thậm chí Luật người khuyết tật cũng liên quan… nên phải rà soát quy định cho phù hợp. Vấn đề này cũng được nhiều đại biểu khác trong UBTVQH đề nghị ban soạn thảo lưu tâm.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn, điều 4 trong dự thảo Luật xây dựng nói về nguyên tắc trong hoạt động đầu tư xây dựng, nhưng không thấy điều khoản trách nhiệm của Bộ, ngành nào liên quan đến nội dung này. Hay tại điều 110 có đề cập đến công trình bí mật nhà nước nhưng quy định cũng không thật rõ, nên khó đảm bảo tính khả thi. Tương tự về các điều cấm, luật cũng không có điều cấm nào liên quan đến quân sự, quốc phòng. Ông đề nghị ban soạn thảo cần phối hợp với Bộ Quốc phòng để khi triển khai xây dựng có thể đảm bảo, tránh được các sự cố đáng tiếc xảy ra.
Chia sẻ với cái khó của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng Luật này, tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị luật phải đề cập đến vấn đề trách nhiệm sau khi công trình xây dựng gây ra thảm họa, như chợ, nhà cao tầng cháy… Khi công trình được xét duyệt, triển khai xong khi xảy ra cháy nổ thì xe cứu hỏa lại không vào được, có thể do quy hoạch khu phố không tốt, cơ sở hạ tầng chữa cháy không có, điều kiện chữa cháy chỉ 15 tầng, trong khi công trình lại xây dựng lên 20 tầng… Do vậy ông Lưu đề nghị luật cần quy định rõ sẽ xử lý thế nào khi sự cố xảy ra.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng, công tác chữa cháy là điểm rất quan trọng, vì thế vấn đề quy hoạch, quản lý dự án đầu tư xây dựng phải đưa vào thành luật.
Liên quan đến việc cấp phép xây dựng tùy tiện, Chủ tịch Quốc hội khuyến cáo Bộ trưởng Xây dựng sẽ không có cách gì quản lý được đô thị khi diện tích 4m mặt tiền cũng cấp phép, 2m cũng cấp, rất tùy tiện. Do vậy đã cấp phép là phải đưa vào luật. Điều quan trọng nhất là cấp phép và người cấp phải chịu trách nhiệm. Trước đây đã xảy ra tình trạng cấp phép khai thác mỏ tùy tiện, rồi bán mỏ cho người khác, kết cục là sập hầm mỏ dẫn đến chết người.
Trước những ý kiến đóng góp, đề nghị nêu trên, đại diện ban soạn thảo – Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết sẽ xem xét điều gì đưa ngay được vào luật sẽ cố gắng triển khai, bên cạnh đó cũng có những điều chưa lường hết được, và cần phải có thời gian.
Về phạm vi điều chỉnh và các luật có liên quan, theo Bộ trưởng Dũng thì Luật đã quy định rất rõ. Luật sửa đổi điều chỉnh với mục đích để làm ra sản phẩm công trình, còn Luật đầu tư công là xem có tiền đầu tư hay không. Liên quan đến luật DN, Luật đấu thầu, ban soạn thảo đã tiếp thu và đã bỏ chương Luật đấu thầu ra ngoài…
Riêng vấn đề quốc phòng, an ninh, Bộ trưởng Dũng hứa sẽ tiếp thu góp ý của đại biểu để quy định trong luật chặt chẽ hơn.