Công tác phòng, chống tham nhũng lãng phí ở Hà Nội nhiệm kỳ 2015-2020
Trong những năm gần đây, tình hình tham nhũng trên phạm vi cả nước nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng ngày càng có những diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp; đối tượng tham nhũng ngày càng đa dạng, từ những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ, kiến thức chuyên môn sâu đến những cán bộ, công chức thừa hành; quy mô, phương thức, thủ đoạn của đối tượng tham nhũng luôn thay đổi, tinh vi và đa dạng; hậu quả do tham nhũng gây ra ngày càng lớn, không chỉ về kinh tế mà nghiêm trọng hơn là làm giảm hiệu lực quản lý của nhà nước, ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành, quản lý của các cơ quan Nhà nước.
Trong khi đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền còn chưa đầy đủ, thiếu sâu sắc về công tác phòng chống tham nhũng; công tác quản lý, giáo dục cán bộ, đảng viên ở một số địa phương, đơn vị còn lỏng lẻo, không ít cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp, các ngành còn thiếu gương mẫu trong việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, chưa thể hiện trách nhiệm cao trong việc đấu tranh phòng chống tham nhũng. Một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, lợi dụng vị trí công tác để trục lợi; công tác thanh tra, kiểm tra chưa phát hiện được nhiều vụ việc; công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc tham nhũng còn chưa đáp ứng với yêu cầu và tình hình thực tiễn; công tác quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn nhiều sơ hở.
Phòng chống tham nhũng ở Hà Nội đạt nhiều kết quả quan trọng Ảnh minh họa |
Trước những khó khăn trên, với phương châm “Chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời, ngăn chặn có hiệu quả, xử lý nghiêm minh”, trong nhiệm kỳ qua Đảng bộ Hà Nội đã triển khai đồng bộ các giải pháp, huy động cả hệ thống chính trị, nhờ vậy công tác phòng chống tham nhũng của Thành phố đã có những bước chuyển biến tích cực; tham nhũng, lãng phí từng bước được ngăn chặn, đẩy lùi, góp phần vào giữ vững ổn định tình hình chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố lòng tin của nhân dân. Qua thực tiễn triển khai thực hiện và giải quyết những khó khăn, vướng mắc để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố Hà Nội, có thể khái quát một số kinh nghiệm sau:
Một là, Phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của các cấp ủy đảng và sự điều hành của chính quyền các cấp; có cơ chế nhằm phát huy vai trò giám sát, phát hiện của quần chúng nhân dân trong phòng, chống tham nhũng; chú trọng nâng cao năng lực hoạt động của các cơ quan chuyên trách làm nòng cốt trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí.
Ngay sau Đại hội Đảng bộ lần thứ XV, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 09-CT/TU“Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2011 - 2015” làmột trong 9 Chương trình trọng tâm toàn khóa với quyết tâm từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí trên địa bàn Thủ đô. Thành phố đã gắn công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với công tác xây dựng và chỉnh đốn đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, công tác cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, tăng cường tiếp công dân và giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Hàng năm Thành ủy, UBND Thành phố đã chỉ đạo Hội đồng tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố, Sở Tư pháp, Thanh tra Thành phố và các quận, huyện, thị xã tổ chức tập huấn; biên soạn và phát hành hàng ngàn cuốn hỏi đáp về Luật PCTN. Chỉ đạo cơ quan báo chí, truyền hình mở chuyên trang, chuyên mục về phòng, chống tham nhũng, lãng phí; các sở, ngành, quận, huyện, thị xã xây dựng Website của đơn vị và tích hợp trên Cổng giao tiếp điện tử của Thành phố để tuyên truyền về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ, Ban Pháp chế và Kinh tế Ngân sách cùng Thanh tra Thành phố, là các cơ quan tham mưu giúp Thành uỷ, HĐND, UBND Thành phố hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch kiểm tra, giám sát và PCTN; xây dựng các quy chế phối hợp với các ban đảng, các sở, ngành, đơn vị liên quan từ đó chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát; tham mưu giúp Thành uỷ gợi ý kiểm điểm sâu đối với nhiều tổ chức đảng trong Đảng bộ Thành phố, để chấn chỉnh, khắc phục những yếu kém, khuyết điểm.
Do chủ động và quyết liệt, chặt chẽ trong lãnh đạo, chỉ đạo, nên trong những năm qua trên địa bàn, không để xảy các vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, có tính hệ thống, gây hậu quả nghiêm trọng.
Hai là, thường xuyên chỉ đạo việc giáo dục nâng cao phẩm chất đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, xây dựng các quy tắc ứng xử, nêu cao vị trí, vai trò của người đứng đầu.
Xác định cán bộ là khâu then chốt - quyết định: Thành ủy đã chỉ đạo công khai, minh bạch trong công tác tuyển dụng, xét tuyển, đề bạt, bổ nhiệm; đổi mới phương pháp đánh giá, sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, công chức đảm bảo hợp lý giữa trình độ được đào tạo và năng lực công tác, năng lực thực tiễn. Việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý theo hướng thi tuyển công khai (thí điểm) nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tệ chạy chức, chạy quyền.
Ba là, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, trên cơ sở đảm bảo các nguồn lực, xác định rõ quyền và nghĩa vụ, thường xuyên kiểm tra đôn đốc, kịp thời động viên khen thưởng, xử lý vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức.
Thành ủy Hà Nội thường xuyên chỉ đạo việc rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, đảm bảo tính công khai, minh bạch đối với các hoạt động về kinh tế - xã hội, đặc biệt là lĩnh vực quy hoạch đất đai, tài chính, dự án đầu tư; tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch; nâng cao chất lượng hoạt động của bộ phận “một cửa” và “một cửa liên thông”, tăng cường kiểm soát thủ tục hành chính theo hướng hiện đại, tập trung rà soát rút ngắn thời gian giải quyết công việc, đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong các hoạt động kinh tế, xã hội để phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Ban Thường vụ, UBKT Thành ủy, Đoàn Đại biểu Quốc Hội, HĐND, MTTQ, các Tổ chức chính trị xã hội tập trung thực hiện có hiệu quả quyền giám sát trên các lĩnh vực: ngân sách, đầu tư xây dựng, cải cách hành chính, giải quyết khiếu nại, tố cáo để phòng ngừa các hành vi tham nhũng.
Trong nhiệm kỳ, Ủy ban kiểm tra các cấp trong Đảng bộ Thành phố đã kiểm tra được 1.182 đảng viên khi có dấu hiệu vi phạm, có 525 trường hợp là cấp ủy viên các cấp; kiểm tra được 307 tổ chức đảng cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm, kết luận 176 tổ chức đảng có vi phạm. Cấp ủy và UBKT các cấp đã giám sát được 24.121 lượt đảng viên; thi hành kỷ luật 3393 đảng viên (trong đó 938 trường hợp là cấp uỷ viên các cấp chiếm 27,64% số đảng viên bị thi hành kỷ luật), bằng các hình thức: khiển trách 2025, cảnh cáo 857, cách chức 108, khai trừ 403 trường hợp; có 134 đảng viên bị xử lý hành chính, 280 đảng viên bị truy tố trước pháp luật trong đó có 253 trường hợp bị phạt tù. Thanh tra Thành phố và Thanh tra các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã thực hiện 1.112 cuộc thanh tra kinh tế, xã hội (trong đó có 213 cuộc thanh tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng). Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm, kiến nghị thu hồi 1.442,5 tỷ đồng, 1.834,8 ha đất; kiến nghị kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với 190 tập thể và 177 cá nhân thiếu trách nhiệm buông lỏng công tác quản lý dẫn đến sai phạm.
Thành ủy đã chỉ đạo quyết liệt việc điều tra, truy tố, xét xử nhanh, dứt điểm một số vụ án tham nhũng trên địa bàn Thành phố. Những vụ án tham nhũng lớn, nghiêm trọng, phức tạp dư luận xã hội quan tâm trong đó có những “đại án” về tham nhũng đều được Tòa án nhân dân Thành phố đưa ra xét xử kịp thời nghiêm minh góp phần tích cực trong việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, bản án được dư luận nhân dân đồng tình ủng hộ như vụ án tham nhũng xảy ra tại Tổng công ty hàng hải Việt Nam với 10 bị cáo phạm các tội Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng trong đó đã xử tử hình 02 bị cáo là Dương Chí Dũngvà Mai Văn Phúc nguyên là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc VINALINES (tổng thiệt hại các bị cáo gây ra gần 400 tỷ đồng); Vụ án Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm là vụ án lớn và phức tạp, được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội hết sức quan tâm.Với tinh thần trách nhiệm cao, Tòa án nhân dân Thành phố đã đưa vụ án ra xét xử kịp thời, đúng pháp luật; Hội đồng xét xử áp dụng hình phạt nghiêm đối với các bị cáo, được dư luận xã hội đồng tình...
Bốn là, chỉ đạo tăng cường phối, kết hợp giữa các cơ quan có chức năng; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng(PCTN),lãng phí.
Thành ủy đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có chức năng PCTN, lãng phí triển khai xây dựng được nhiều quy chế phối hợp như Quy chế phối hợp giữa Ban Nội chính Thành ủy với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, Đảng ủy Công an Thành phố, Ban cán sự Đảng Viện kiểm sát nhân dân Thành phố, Ban cán sự Đảng Tòa án nhân dân Thành phố, Thanh tra Thành phố trong công tác nội chính và phòng chống tham nhũng.
Các cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Tòa án nhân dân Thành phố bố trí đủ lực lượng và tăng cường công tác phối hợp để đẩy nhanh quá trình điều tra, truy tố, xét xử đối với mọi hành vi tham nhũng, đảm bảo tính kịp thời và nghiêm minh của pháp luật.
Năm là, tăng cường công tác PCTN gắn liền với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng không tách rời nhau.
Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được Thành ủy đặc biệt quan tâm chỉ đạo, các cấp ủy, tổ chức đảng đã đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội”; Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ về tiết kiệm 10% chi thường xuyên; các văn bản của Thành phố về việc kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư xây dựng, chỉ đạo không mua sắm mới xe ô tô, hạn chế tối đa các đoàn đi công tác nước ngoài, đảm bảo các đoàn đi công tác nước ngoài phải hết sức cần thiết và có hiệu quả thiết thực. Thực hiện giảm các hội nghị, tiết kiệm, tiết giảm tối đa chi phí điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, khánh tiết, công tác phív.v....
Kết quả toàn Thành phố đã tiết kiệm kinh phí NSNN được tổng số tiền: 3.699.454 triệu đồng trong đó: Số tiền tiết kiệm dự toán chi thường xuyên theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ: 2.939.352 triệu đồng; Số tiền đã thực hiện cắt giảm chi thường xuyên thông qua công tác thẩm tra phương án phân bổ dự toán NSNN: 443.840 triệu đồng; Số tiền đã cắt giảm chi thường xuyên thông qua công tác thẩm định quyết toán NSNN: 316.262 triệu đồng.
Kết quả thực hiện tiết kiệm trong đầu tư xây dựng của Thành phố đạt được tổng số tiền: 666.694 triệu đồng, trong đó: Số vốn đầu tư XDCB Thành phố đã cắt giảm, đình hoãn, giãn tiến độ để kiềm chế lạm phát là 577.696 triệu đồng; Số vốn đầu tư đã cắt giảm thông qua công tác thẩm tra, phê duyệt dự toán và phê duyệt quyết toán công trình hoàn thành (so với giá trị đề nghị của chủ đầu tư) là 88.998 triệu đồng.