Cộng đồng kinh tế ASEAN và cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam
Buổi tọa đàm có sự tham dự của Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) Hidetoshi Nishimura và hơn 200 chuyên gia, đại biểu trong và ngoài nước.
Tổng Thư ký Lê Lương Minh phát biểu tại Tọađàm. |
Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng thực hiện chương trình hành động của Chính phủ nhằm tuyên truyền, quảng bá về cộng đồng doanh nghiệp trong nước, đồng thời cũng là cơ hội để giới thiêu, quảng bá văn hóa, du lịch, tiềm năng, cơ hội đầu tư của các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam tới cộng đồng AEC; khẳng định sự quyết tâm của các thành phần kinh tế Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hội nhập toàn cầu.
Trước khi buổi tọa đàm diễn ra, các đại biểu đã tổng kết chặng đường phát triển của ASEAN cũng như gần hai năm sau khi chính thức ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Cộng đồng AEC ra đời ngày 31/1/2015 là minh chứng hùng hồn cho quyết tâm của các nước thúc đẩy hợp tác ASEAN, nhất là hợp tác kinh tế vươn lên tầm cao mới. Đó chính là biến ASEAN thành một tổ chức trung tâm, là mái nhà chung của người dân ASEAN. ASEAN trở thành thị trường chung và mở cho hàng hóa và dịch vụ của các nước lưu chuyển thuận lợi, an toàn và đặc biệt hơn cả là doanh nghiệp của mình đều khắp tại tất cả các nước thành viên. Với ý nghĩa đó, tất cả các thành viên khối đặt niềm tin tưởng sâu sắc vào tương lai tốt đẹp của Cộng đồng AEC.
Các đại biểu và khách mời cũng đã có những tổng kết về dấu ấn của Việt Nam sau gần 2 năm AEC chính thức ra đời. Ngay từ đầu, Việt Nam đã tích cực và chủ động tham gia khi Khu vực Thương mại tự do ASEAN (AFTA) mới manh nha. Trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, kinh tế Việt Nam đã từng bước gắn kết chặt chẽ với nền kinh tế ASEAN và có được nhiều thành tựu đáng kể sau khi gia nhập. Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay, Việt Nam phải tiếp tục điều chỉnh để phù hợp hơn với tình hình cũng như tăng khả năng cạnh tranh của mình trên thị trường thế giới. Buổi tọa đàm có vai trò trong việc định hướng sự điều chỉnh này của nền kinh tế Việt Nam để mở rộng cửa hơn đưa doanh nghiệp trong nước tiến sâu hơn vào AEC cũng như đón các doanh nghiệp nước ngoài đến làm ăn và phát triển tại Việt Nam.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Quang Minh - Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, khẳng định sự ra đời của AEC đánh dấu một nấc thang hội nhập mới của các nền kinh tế ASEAN với mục tiêu xây dựng một không gian kinh tế ASEAN gắn kết, cạnh tranh, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm. Theo ông, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần phải hiểu rõ những cơ hội và thách thức khi AEC được thành lập. Ở Việt Nam, đa số doanh nghiệp có sự quan tâm và tìm hiểu về AEC, thế nhưng một số khảo sát cho thấy chỉ có khoảng 16% doanh nghiệp thực sự hiểu về AEC. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, quảng bá về Cộng đồng kinh tế ASEAN tới cộng đồng doanh nghiệp luôn là công tác ưu tiên của mỗi quốc gia ASEAN thời gian qua trong đó có Việt Nam.
Trợ lý Bộ trưởng Vũ Quang Minh cho rằng Tọa đàm là cơ hội tốt để cùng chia sẻ, trao đổi, làm rõ và đặc biệt là tìm ra các ý tưởng, phương thức mới để giúp cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt cơ hội, sẵn sàng đối phó với thách thức trong quá trình hội nhập AEC đang diễn ra mạnh mẽ hiện nay.
Cũng tại phiên khai mạc Tọa đàm, GS. Hidetoshi Nishimura, Chủ tịch Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) chia sẻ, qua nửa thế kỷ, ASEAN đã đạt được rất nhiều thành tựu to lớn, đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Đông Nam Á. Đây là một yếu tố vô cùng quan trọng cho toàn bộ khu vực châu Á nói chung.
Theo GS. Nishimura, sự thịnh vượng của khu vực Đông Nam Á dựa vào 3 yếu tố chính mà ông gọi tắt là PPN - Hòa bình, Dân số và Sự ổn định bình thường. Việc duy trì 3 yếu tố này đòi hỏi các nước phải có những nỗ lực hết sức mạnh mẽ.
GS. Nishimura cho biết, ASEAN đang nỗ lực triển khai một thị trường chung và một khu vực nền tảng sản xuất chung, qua đó mang lại cơ hội cho tất cả các quốc gia thành viên và cư dân của ASEAN.
Tổng Thư ký ASEAN Lê Lương Minh khẳng định trong quá trình hình thành và phát triển, ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu, là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Bất chấp những cuộc khủng hoảng trong thời gian vừa qua, tốc độ phát triển của ASEAN đạt bình quân phát triển của thế giới và là nền kinh tế lớn thứ 6 trên thế giới với 640 triệu dân.
Trong quá trình hội nhập liên kết, ASEAN đã đóng góp nhiều sáng kiến cho sự phát triển của khu vực như nhập khẩu nội khối, mở cửa thị trường dịch vụ, hải quan, quy định xuất xứ. Môi trường kinh doanh đầu tư ở khu vực cũng được cải thiện thông qua những sáng kiến, khuôn khổ trong lĩnh vực hợp tác, sáng tạo, bảo vệ sở hữu trí tuệ, kết nối cơ sở hạ tầng, giao thông, FTA với các đối tác thương mại chính.
Tuy nhiên, Tổng thư ký Lê Lương Minh cho rằng ASEAN cũng cần vượt qua nhiều khó khăn như khoảng cách phát triển giữa các nước, khác biệt giữa trình độ phát triển, luật pháp, thể chế, nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Nhiều vấn đề cũng nảy sinh trong quá trình hội nhập như mục tiêu phát triển khác nhau, già hóa dân số, bẫy thu nhập trung bình, bất bình đẳng và các mối đe dọa phi truyền thống.
Theo ông Lê Lương Minh, thực tế trên đòi hỏi ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng cần vượt qua những thách thức. Việt Nam có vai trò quan trọng trong thúc đẩy sự phát triển của ASEAN. Kể từ khi tham gia ASEAN, Việt Nam đã đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia thành viên khác trong thương mại nội khối, cũng như tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, với việc tham gia vào TPP, đàm phán RCEP và kí FTA với EU và Liên minh Kinh tế Á-Âu. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam sẽ tận dụng được sức mạnh tập thể của ASEAN, trong khi đó đầu tư thương mại giữa Việt Nam và ASEAN sẽ mạnh mẽ hơn.
Bên cạnh buổi tọa đàm là buổi triển lãm giới thiệu với công chúng hơn 20 gian hàng doanh nghiệp và một số gian hàng tiêu biểu của các tỉnh thành phố cùng hơn 200 hình ảnh và các khu trưng bày: Thành tựu ASEAN – 50 năm hình thành và phát triển, chặng đường 22 năm Việt Nam tham gia Hiệp hội; Môi trường đầu tư và cơ hội của đại diện các doanh nghiệp; Các dự án địa phương; tiềm năng đầu tư và phát triển…