Có thu hồi được tài sản tham nhũng của Trịnh Xuân Thanh?
Dư luận băn khoăn việc thu hồi tài sản của các quan chức sai phạm chưa triệt để |
Đây là ý kiến của ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet xung quanh việc khởi tố điều tra một loạt quan chức cao cấp gần đây. Trong đó, có một lĩnh vực được nhiều người quan tâm đó là thu hồi tài sản của những “quan tham” này.
Việc một loạt vụ án tham nhũng lớn với những cá nhân liên quan được đưa ra khởi tố xét xử gần đây như Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh hay mới đây nhất là Trầm Bê cũng bị bắt để điều tra làm rõ những sai phạm…, ông nhận định như thế nào về việc này, thưa ông?
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Đây là tín hiệu cho thấy các cơ quan đã tập trung kiểm tra, thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều dư luận về tham nhũng; nhất là kiểm tra, kết luận các sai phạm và tiến hành xử lý kỷ luật nghiêm minh các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm tại Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương, Tỉnh ủy Bình Định, Đồng Nai.
Các cơ quan đã đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Tiếp tục khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng, sai, xác định đúng nguyên nhân, trách nhiệm, xử lý nghiêm đối với những tổ chức, cá nhân có sai phạm tại 9 dự án gây thất thoát, thua lỗ lớn, dư luận xã hội quan tâm.
Hoàn thành xét xử sơ thẩm 2/6 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo theo kế hoạch. Kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 10/12 vụ án, xử lý 4 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; 4 vụ án, 1 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; nhất là các vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Phạm Công Danh.
Đẩy nhanh tiến độ xác minh, điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc xảy ra tại Tổng Công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á; giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm; giai đoạn II vụ án Vũ Quốc Hảo. Các vụ việc nêu trong kết luận thanh tra dự án xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol Phú Thọ; dự án xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol Dung Quất.
Dưới góc độ của người làm luật, ông có cho rằng nguyên nhân để xảy ra hàng loạt những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế gây thất thoát nhiều nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước là do hệ quả của hệ thống pháp luật chưa chặt chẽ, để các cá nhân lợi dụng kẽ hở cố tình trục lợi không thưa ông?
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật trên tất cả các lĩnh vực, tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ hơn, góp phần PCTN. Ngay từ khi bắt đầu nhiệm kỳ mới, lãnh đạo Chính phủ đã tích cực, khẩn trương, chỉ đạo quyết liệt công tác này. Trong một thời gian ngắn, số lượng văn bản ban hành khá lớn, chất lượng được nâng lên một bước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều văn bản pháp luật thiếu minh bạch, sơ hở, chồng chéo nhưng chậm được sửa đổi làm cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội; chưa loại bỏ được cơ chế “xin - cho” là nguyên nhân quan trọng làm phát sinh tham nhũng, nhất là các lĩnh vực quản lý tài sản nhà nước, đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý tài nguyên khoáng sản, đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, công tác tổ chức cán bộ…
Ngay cả văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật PCTN cũng có những nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, kém hiệu quả nhưng chậm được sửa đổi. Thực trạng này đã kéo dài nhiều năm nay.
Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, chưa thực sự phát huy hiệu quả như: cải cách thủ tục hành chính trên một số lĩnh vực như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cấp phép xây dựng… hiệu quả thấp. Ở một số nơi, một số lĩnh vực mặc dù đã thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” nhưng vẫn còn tình trạng phát sinh “thủ tục con”, vi phạm thời hạn giải quyết, đùn đẩy trách nhiệm trong giải quyết công việc của người dân, doanh nghiệp, có nơi còn tình trạng cải cách thủ tục hành chính mới chỉ dừng ở quy định trên văn bản mà chưa được triển khai trong thực tế...
Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, chuyển biến chậm. Tình trạng không công khai, lạm dụng yêu cầu bảo mật thông tin để không công khai hoặc có công khai nhưng nội dung không cụ thể, thiếu minh bạch, công khai trong phạm vi hẹp vẫn diễn ra, nhất là trong hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trong công tác tổ chức cán bộ, tài chính, ngân sách nhà nước và giải quyết các công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị… gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.
Đáng lưu ý, tình trạng doanh nghiệp nhà nước chưa công khai, công khai thông tin không đầy đủ theo quy định tại Nghị định số 81/2015/NĐ-CP của Chính phủ còn phổ biến. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là Luật PCTN chưa quy định chế tài xử lý đối với những trường hợp không công khai, minh bạch trong hoạt động.
Trở lại một số quan chức gần đây bị khởi tố với những sai phạm, trong quá trình điều tra phát hiện những khối tài sản ‘khổng lồ” được hình thành trong thời gian tại vị. Dư luận băn khoăn, phải chăng công tác kê khai tài sản của cán bộ của chúng ta hiện nay còn hình thức khiến nhiều trường hợp không trung thực?
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2015 số lượng người phải kê khai tài sản, thu nhập rất nhiều (hơn 1 triệu người), tỷ lệ bản kê khai được công khai cũng rất cao (993.127 bản), số trường hợp xác minh tài sản là 414 người nhưng không phát hiện ra vi phạm.
Tuy nhiên, qua phản ánh của dư luận và báo chí cho thấy, việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hình thức, không ít trường hợp kê khai không đầy đủ, thiếu trung thực.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do quy định của pháp luật về căn cứ xác minh tài sản, phạm vi công khai bản kê khai tài sản, thu nhập còn hẹp; chưa quy định bắt buộc xác minh tài sản được kê khai trước khi đề bạt, bổ nhiệm; có quá nhiều cơ quan đầu mối được giao thẩm quyền xác minh bản kê khai. Việc kê khai thu nhập, đặc biệt là thu nhập ngoài lương chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập nhưng mới chỉ dựa vào sự tự giác của người kê khai và chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chưa có chế tài đủ mạnh xử lý người kê khai thiếu trung thực. Bên cạnh đó một số cán bộ, công chức, viên chức và người dân ngại va chạm và sợ bị trù dập nên không dám tố cáo khi biết rõ người có chức vụ, quyền hạn kê khai tài sản, thu nhập không trung thực.
Một vấn đề khác cũng được dư luận quan tâm trong các vụ án lớn như Trịnh Xuân Thanh đó là việc thu hồi được tài sản nhà nước đã bị thất thoát. Mục đích cuối cùng của chống tham nhũng là vừa phải trừng trị đích đáng, đúng pháp luật kẻ tham nhũng nhưng cũng phải thu hồi được tối đa tài sản đã bị thất thoát để trả lại cho xã hội. Ông bình luận như thế nào về vấn đề này?
ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà: Năm 2016, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án đã có nhiều nỗ lực trong công tác này. Tiến độ, chất lượng giải quyết các vụ án tham nhũng, chức vụ nhất là các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm có chuyển biến tích cực; từng bước hạn chế việc trả hồ sơ điều tra bổ sung, để quá thời hạn giải quyết, áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên, việc thu hồi tài sản qua kết luận thanh tra và kiến nghị kiểm toán vẫn còn thấp; việc kiến nghị xử lý trách nhiệm qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo vẫn chủ yếu tập trung vào xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự. Qua công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo năm 2016 chưa chuyển vụ việc nào sang cơ quan điều tra. Báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã kết luận 115 cuộc kiểm toán, phát hiện nhiều sai phạm về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước và kiến nghị xử lý tài chính 14.781,9 tỷ đồng nhưng không phát hiện tham nhũng.
Qua công tác thanh tra đã ban hành 138.953 quyết định xử phạt hành chính với số tiền 13.075 tỷ đồng, nhưng chỉ chuyển sang cơ quan điều tra xử lý 69 vụ/107 đối tượng có dấu hiệu tội phạm, trong đó có 49 vụ/95 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng. Đáng lưu ý thời hạn chuyển hồ sơ các vụ, việc tham nhũng có dấu hiệu hình sự sang cơ quan điều tra còn chậm, có những vụ sau hơn một năm kể từ khi phát hiện mới chuyển, gây nhiều khó khăn trong quá trình điều tra, đặc biệt là việc thu thập chứng cứ, thu hồi tài sản tham nhũng…
Công tác kiểm tra, tự kiểm tra để PCTN còn yếu nên hầu như rất ít phát hiện được tham nhũng; có trường hợp đã phát hiện được nhưng lại xử lý nhẹ hoặc xử lý nội bộ. Đặc biệt là trong các năm qua, Chính phủ vẫn không xác định cụ thể được số tài sản tham nhũng qua công tác thanh tra, chưa tách biệt giữa tài sản do hành vi tham nhũng gây ra với tài sản do hành vi vi phạm pháp luật khác dẫn đến không đánh giá chính xác được hậu quả vật chất do tham nhũng gây ra.
Xin cảm ơn ông!