Có thể tăng giờ làm thêm cho người lao động
Có thể tăng giờ làm thêm cho người lao động
Tăng giờ làm thêm đã phù hợp?
DALLĐSĐ quy định theo hướng tăng thời gian làm thêm giờ từ tối đa không quá 200 giờ trong một năm, một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ của Bộ luật hiện hành lên mức tối đa 360 giờ/năm. DALLĐSĐ cũng quy định người sử dụng lao động có quyền huy động người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đủ một số điều kiện, nhưng số giờ làm thêm tối đa không quá 50% số giờ làm việc chính thức trong một ngày và không quá 30 giờ trong một tháng. Sau mỗi đợt làm thêm giờ nhiều ngày liên tục trong tháng, người lao động phải được bố trí nghỉ bù.
Theo báo cáo Thẩm tra sơ bộ của Ủy ban về các vấn đề xã hội, hiện đang có 3 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Luồng ý kiến thứ nhất đồng tình với DALLĐSĐ vì đáp ứng được nhu cầu làm thêm gìờ cho người lao động, tránh tình trạng lạm dụng người lao động làm việc thêm giờ trong một thời gian ngắn. Luồng ý kiến thứ hai cho rằng với thể chất của người lao động Việt Nam thì quy định như Bộ luật hiện hành là phù hợp, tạo cơ hội việc làm cho nhiều người lao động. Luồng ý kiến thứ ba tán thành quy định về số giờ làm thêm như DALLĐSĐ nhưng có giới hạn chỉ cho phép làm thêm gìờ trong một số ngành, nghề cụ thể.
Đồng tình với việc tăng thời gian làm thêm giờ lên 360 giờ/năm, nhưng Chủ tịch Hội đồng dân tộc QH Ksor Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Giàu cho rằng cần có tính toán về sức khỏe của người lao động. “Làm thêm giờ là một nhu cầu có thực của cả người lao động cũng như người sử dụng lao động hiện nay. Điều chỉnh lại việc làm thêm giờ là cần thiết nhưng cần phải tính đến chiến lược tạo thêm việc làm mới theo cơ cấu lao động của Việt Nam hiện nay.
Không đồng tình với DALLĐSĐ về việc điều chỉnh tăng giờ làm thêm cho người lao động, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng việc điều chỉnh tăng thời gian làm thêm là không hợp lý vì chúng ta đã có chủ trương phấn đấu giảm giờ làm để người lao động có thời gian tái tạo sức lao động, có thời gian tham gia vào các hoạt động văn hóa, xã hội, có thời gian tìm hiểu thông tin, học tập tăng tri thức, hiểu biết… Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho rằng việc giới hạn thời gian làm thêm giờ như hiện hành còn góp phần khuyến khích các chủ đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất thay vì tăng giờ làm.
Việc tăng giờ làm thêm cho người lao động được nhiều đại biểu cũng như thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội thống nhất và đồng tình theo luồng ý kiến thứ ba là sẽ điều chỉnh tăng giới hạn giờ làm thêm nhưng có giới hạn chỉ cho phép làm thêm trong một số ngành, nghề cụ thể, theo độ tuổi nhất định và phải quy định tiền lương làm thêm giờ cao hơn mức hiện hành và có sự phân biệt giữa làm thêm ban ngày, làm thêm ban đêm vào ngày nghỉ. Quy định theo hướng này một mặt phù hợp với sức khỏe, bảo đảm thu nhập của người lao động, mặt khác người sử dụng lao động phải cân nhắc giữa chi phí tài chính và hiệu quả của việc sử dụng người lao động làm thêm giờ. Có như vậy mới khắc phục được tình trạng vi phạm pháp luật về giờ làm thêm.
Cân nhắc yếu tố bình đẳng giới
DALLĐSĐ đã quy định tuổi nghỉ hưu theo hướng tiếp cận về quyền. Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương bình và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền: Chính phủ nhận thấy kể từ trước khi Bộ luật Lao động được tiến hành sửa đổi, quyền được nghỉ hưu của lao động nữ luôn luôn được đặt ra và có nhiều ý kiến khác nhau. Chính phủ cho rằng nghỉ hưu là quyền của người lao động. Do đó, khi lao động nữ đủ 55 tuổi và lao động nam đủ 60 tuổi (lao động trong điều kiện bình thường) thì họ có quyền nghỉ hưu. Tuy nhiên, những người lao động này vẫn có quyền tiếp tục làm việc nếu họ có nguyện vọng và được người sử dụng lao động đồng ý.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc QH Ksor Phước, việc tiếp cận vấn đề về tuổi nghỉ hưu theo hướng quyền là hợp lý. Tuy nhiên nên có quy định chung là tất cả đều có quyền làm việc đến 60 tuổi mới nghỉ hưu, riêng nữ giới có thể được lựa chọn nghỉ hưu khi 55 tuổi. Như vậy mới bảo đảm về bình đẳng giới. Bàn về vấn đề này, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng xét về bình đẳng giới thì quyền nghỉ hưu là như nhau. Nam hay nữ cũng có quyền nghỉ hưu khi 55 tuổi. Cần tính toán nghiên cứu cụ thể cho các đối tượng, ngành nghề… “Chúng ta không thể tước quyền được lao động của những người còn có sức lao động, còn muốn lao động” Phó chủ tịch nhấn mạnh.
Vấn đề bình đẳng giới cũng được nhắc đến trong quy định về thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ. Theo đánh giá thẩm tra của Ủy ban về các vấn đề xã hội QH: Xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội hoàn toàn có thể cân đối được. Tuy nhiên, việc xác định cụ thể thời gian cũng phải phụ thuộc vào các yếu tố khác như: tác động của việc tăng thời gian nghỉ thai sản đối với người sử dụng lao động, nhất là với các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ để hài hòa lợi ích của cả hai bên, tác động đối với các nhóm phụ nữ khác nhau và tác động chung đối với phát triển KT - XH trong từng giai đoạn.
Theo Chủ tịch Hội đồng dân tộc QH Ksor Phước, trong quy định này cần quan tâm đến quyền lợi của người lao động vì như vậy khi doanh nghiệp tuyển dụng sẽ ưu tiên người đã có con. Bên cạnh đó cũng cần tính đến chính sách cho người cha, nhất là đối với người cha nuôi con một mình.
Đa phần các đại biểu đều cho rằng có rất nhiều vấn đề cần bàn bạc đối với DALLĐSĐ và đây là Bộ luật cơ bản nên cần có nhiều thời gian để nghiên cứu, lấy ý kiến. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng: “Đây là một bộ luật đồ sộ, không nhất thiết QH chỉ bàn luận một kỳ rồi thông qua mà có thể đưa ra lấy ý kiến 2 kỳ, 3 kỳ họp trước khi thông qua.
Vũ Chương