Có nên quy định cư trú với khu kinh tế đặc biệt như Phú Quốc?
Phiên họp thứ 26 UBTVQH (Ảnh: Nguyễn Dũng) |
Sáng 11/3, UBTVQH cho ý kiến về dự án Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Từ góp ý của ĐBQH tại kỳ họp 6, dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện để quyết định đơn phương miễn thị thực có thời hạn cho công dân một nước và giao cho Chính phủ căn cứ vào đó để quyết định cụ thể. Tuy nhiên chủ trương này vẫn còn hai hướng ý kiến khác nhau.
Ý kiến thứ nhất tán thành như dự thảo Luật đã được chỉnh lý. Loại ý kiến thứ hai đề nghị lấy lại quy định của dự thảo Chính phủ trình, theo đó "Chính phủ trình Quốc hội hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc đơn phương miễn thị thực cho từng nước".
Giải đáp thắc mắc của Chủ tịch Quốc hội về tại sao lại đơn phương miễn thị thực, Chủ nhiệm UBQPAN Nguyễn Kim Khoa cho biết, có 7 nước được đơn phương miễn thị thực, vì điều này có liên quan đến chủ quyền quốc gia. Mặc dù vậy Ủy ban cũng đã đề nghị phải có thời hạn chứ không thể vô thời hạn như trước đây.
Tương tự đối với người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam, bên cạnh ý kiến tán thành vẫn còn đề nghị không lấy mốc thời gian tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước, để xét cho thường trú mà nên quy định người không quốc tịch đã tạm trú liên tục tại Việt Nam đủ 10 năm, hoặc 15 năm trở lên thì được xem xét cho thường trú.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, quy định trong dự thảo nhằm giải quyết tồn tại lịch sử từ năm 2000 trở về trước, không phải quy định để giải quyết thường xuyên. Theo đó quy định này chỉ áp dụng để giải quyết cho thường trú đối với người không quốc tịch tạm trú liên tục tại Việt Nam từ năm 2000 trở về trước, còn sau năm 2000 không xem xét nữa để bảo đảm quản lý chặt chẽ, thống nhất và ổn định lâu dài.
Liên quan đến tạm trú tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt và khu vực biên giới, nhiều ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc tạm trú của người nước ngoài để đáp ứng yêu cầu quản lý của chính quyền và cơ quan chức năng.
Vừa đi công tác tại Phú Quốc về, sau khi lắng nghe ý kiến từ địa phương, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, với những khu đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, như Phú Quốc, nếu đưa vào luật lúc này thì sớm quá.
Theo ông Khoa, nội dung này đã được quy định cụ thể trong Hiến pháp. Chính phủ cũng vừa có quyết định về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt ở Phú Quốc.
Chủ nhiệm Khoa cũng cho rằng, những quy định về cư trú người nước ngoài ở các khu kinh tế hành chính đặc biệt như Phú Quốc, rồi tới đây là Vân Đồn – Quảng Ninh nên để cho Chính phủ quy định sau này.