Có nên cấp thẻ Hướng dẫn viên du lịch cho người quốc tịch nước ngoài?
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình |
Theo đó, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng cơ bản tán thành với nội dung trong Tờ trình số 315/TTr-CP của Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật du lịch. Cụ thể, đối với lĩnh vực lữ hành, dự thảo Luật đã có một số điều chỉnh cơ bản, đảm bảo sự công bằng giữa kinh doanh lữ hành nội địa và kinh doanh lữ hành quốc tế (đều phải có giấy phép kinh doanh, tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ). Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu một số nội dung sau:
Về các loại hình kinh doanh lữ hành: Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo phân chia kinh doanh lữ hành thành 03 loại: đón khách vào (inbound), đưa khách ra (outbound), du lịch nội địa (domestic) và có những quy định phù hợp với đặc thù của từng loại nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ và năng lực cạnh tranh.
Về điều kiện kinh doanh lữ hành: Dự thảo Luật quy định các điều kiện kinh doanh lữ hành còn đơn giản, chưa đáp ứng được tính đặc thù, phức tạp của dịch vụ lữ hành. Quy định như vậy sẽ dẫn đến việc thành lập doanh nghiệp kinh doanh lữ hành tràn lan, không kiểm soát được chất lượng. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm các điều kiện đặc thù của dịch vụ lữ hành, như điều kiện liên quan đến nhân lực (trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của người phụ trách kinh doanh lữ hành; số lượng hướng dẫn viên cơ hữu).
Về địa điểm kinh doanh: Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại quy định về địa điểm kinh doanh trong dự thảo Luật. Nếu địa điểm kinh doanh là trụ sở doanh nghiệp thì quy định này là không cần thiết (vì phải có trụ sở thì mới được cấp giấy phép đăng ký doanh nghiệp theo quy định tại Chương II, Luật doanh nghiệp 2014), còn nếu là địa điểm tiến hành kinh doanh thì quy định này là cứng nhắc, ảnh hưởng đến tính chủ động của doanh nghiệp.
Theo đó, cần xem lại quy định về giấy tờ chứng minh có địa điểm kinh doanh phù hợp trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh lữ hành. Khái niệm “phù hợp” mang tính chất định tính, dễ dẫn đến tình trạng tùy tiện khi áp dụng vào thực tiễn.
Về điều kiện cấp thẻ hướng dẫn viên theo chương trình du lịch: Có ý kiến đề nghị bổ sung đối tượng người có quốc tịch nước ngoài được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch tại Việt Nam. Tuy nhiên, Ủy ban nhận thấy quy định như vậy sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng hoạt động hướng dẫn du lịch xuyên tạc lịch sử, văn hóa… ảnh hưởng đến hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Trên thực tế, hầu hết các nước trên thế giới không cho phép người nước ngoài được hành nghề hướng dẫn viên du lịch trong phạm vi lãnh thổ.
Về cơ sở lưu trú: Ủy ban cơ bản nhất trí với đề xuất của Ban soạn thảo phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong việc công nhận hạng cơ sở lưu trú. Theo đó, Tổng cục Du lịch thực hiện thẩm định, công nhận hạng đối với cơ sở lưu trú du lịch từ 4 sao trở lên và giao cho cơ quan chuyên ngành ở địa phương thẩm định, công nhận cơ sở lưu trú từ hạng 3 sao trở xuống.
Về nguyên tắc tự nguyện trong xếp hạng cơ sở lưu trú: Ủy ban cho rằng việc xếp hạng cơ sở lưu trú theo nguyên tắc tự nguyện sẽ tiềm ẩn nguy cơ không đảm bảo chất lượng, khó khăn trong việc quản lý, thống kê cơ sở lưu trú, dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp tự mạo nhận sao, quảng cáo sai thứ hạng, ảnh hưởng đến quyền lợi của khách du lịch; tạo kẽ hở về pháp luật và quản lý, tác động tiêu cực đến môi trường kinh doanh du lịch, đến diện mạo và uy tín của ngành. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này.
Về việc thẩm định lại cơ sở lưu trú, Ủy ban nhận thấy so với Luật du lịch hiện hành, việc dự thảo Luật bỏ quy định thẩm định để công nhận lại hạng cơ sở lưu trú là chưa phù hợp khi mà tính tự giác của các doanh nghiệp trong việc duy trì, đảm bảo các quy định về giá cả, chất lượng dịch vụ còn chưa cao; lực lượng chức năng thực hiện kiểm tra, giám sát còn quá mỏng. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định này và điều chỉnh thời hạn thẩm định cho phù hợp.
Về điều kiện kinh doanh cơ sở lưu trú, dự thảo Luật chỉ quy định doanh nghiệp có đăng ký kinh doanh và đáp ứng điều kiện về an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật là đủ điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch. Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo bổ sung điều kiện về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực vì đây là hai điều kiện cơ bản, quyết định chất lượng cơ sở lưu trú đồng thời tạo cơ sở pháp lý để quản lý, giám sát chất lượng.
Về xếp hạng một số cơ sở lưu trú khác, dự thảo Luật quy định xếp theo 5 hạng đối với khách sạn, biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, tàu thủy lưu trú du lịch còn các loại cơ sở lưu trú khác (nhà nghỉ, bãi cắm trại du lịch...) áp dụng theo quy định chung của pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch, Ủy ban đề nghị đối với các loại hình lưu trú còn lại cần bổ sung quy định đạt tiêu chuẩn, làm căn cứ để áp dụng Bộ Tiêu chuẩn quốc gia về phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch.
Về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch, Luật du lịch hiện hành (khoản 3 Điều 66) quy định những cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 1 đến 5 sao khi kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện không cần phải có giấy phép kinh doanh đối với từng hàng hóa, dịch vụ phù hợp theo hạng của mình (như karaoke, vũ trường, bể bơi…) nhưng phải thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao. Tuy nhiên, dự thảo Luật đã bỏ quy định trên. Do vậy, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, Ủy ban đề nghị nghiên cứu, giữ lại quy định như Luật hiện hành.