Có loại trừ "bầu cử họ hàng" ở thôn xóm được không?
Vụ công dân "ăn đòn" vì phản đối Bí thư thôn vào HĐND xã. (Ảnh: Người dân cung cấp) |
Trước hết, nói về việc xử lý thế nào với Bí thư thôn, luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng: Bí thư chi bộ là người đứng đầu một tổ chức cơ sở Đảng, hơn ai hết, Bí thư chi bộ phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong công tác và phải thực hiện tốt công tác dân vận, giữ gìn đoàn kết nội bộ, sống chan hòa với nhân dân... thì mới lãnh đạo được quần chúng, mới là tấm gương cho các đảng viên khác trong chi bộ noi theo...
Tuy nhiên, với thông tin vụ việc ở thôn Phúc Lập thì ông Bí thư chi bộ lại có những hành vi thiếu kiềm chế, hành hung người góp ý cho mình trong một buổi làm việc công khai, dân chủ. Hành vi này không chỉ đáng trách mà còn cần phải xử lý nghiêm minh để đảm bảo giữ gìn uy tín của Đảng và đảm bảo tính công bằng, nghiêm minh của pháp luật. Hành vi này phải được xử lý bằng kỷ luật Đảng và chế tài của pháp luật.
Làm rõ quyền của người bầu cử, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Quyền bầu cử và ứng cử là những quyền chính trị cơ bản của công dân được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật của Nhà nước”.
Cụ thể, Điều 27 - Hiến pháp năm 2013 xác định rõ: “Công dân đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND. Việc thực hiện các quyền này do luật định”.
Theo luật sư Cường, tiêu chuẩn của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND cũng được quy định rõ tại Điều 3 Luật Bầu cử Đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND.
Điều 3 - Tiêu chuẩn của người ứng cử quy định: “Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội quy định tại Luật tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật tổ chức chính quyền địa phương”.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) |
Luật sư Cường phân tích thêm, nếu trong quá trình thực hiện thủ tục bầu cử, quy trình bầu cử mà có người gian lận, đe dọa, uy hiếp người khác... để làm sai lệch kết quả bầu cử thì có thể bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 126 Bộ luật hình sự.
Cụ thể như sau: Điều 126 - Bộ luật hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về Tội xâm phạm quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân:“Người nào lừa gạt, mua chuộc, cưỡng ép hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở việc thực hiện quyền bầu cử, quyền ứng cử của công dân, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến một năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến hai năm: Có tổ chức; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Gây hậu quả nghiêm trọng. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm”.
Về tình trạng họ hàng, nể nang, sợ hãi khi giới thiệu ứng cử viên vào HĐND các cấp, luật sư Đặng Văn Cường cho rằng: “Quan hệ họ hàng, làng xóm là nét văn hóa đặc thù của người Á Đông, trong đó có nước ta. Văn hóa cộng đồng, làng xã, dòng tộc là sợi dây vô hình kết nối các thành viên trong cộng đồng đó. Họ trọng tình cảm đôi khi hơn cả tiền bạc. Tình cảm có thể tác động đến tâm lý, lý trí... có thể dẫn đến những quyết định cảm tính trong các cuộc bầu cử”.
Theo luật sư Cường, những ai tham gia ứng cử ở làng xã mà có dòng họ lớn, công tác quần chúng tốt thì cơ hội trúng cử sẽ cao hơn... đó là một thực tế. Tuy nhiên, để tìm ra, thiết lập một cơ chế trong quy trình bầu cử để loại trừ yếu tố tác động tâm lý làng xã, dòng họ... gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử là rất khó.
Cùng với các quy định pháp luật về bầu cử ngày càng hoàn thiện, công bằng, công khai, tiêu chí, điều kiện tham gia ứng cử ngày càng cụ thể; sự phát triển của xã hội; dân trí, nhận thức của người dân được nâng cao thì yếu tố cảm tính, lụy tình trong các cuộc bầu cử ở làng xã cũng sẽ được cải thiện, người dân sẽ thận trọng hơn, công tâm hơn trong việc lựa chọn các đại diện của mình vào các cơ quan dân cử. Ngoài ra, nếu người nào được bầu không khách quan, không có năng lực thì cũng sẽ bị đánh giá, loại thải trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Thời gian qua ở nước ta đã có nhiều đổi mới trong công tác bầu cử, nhân sự. Tư tưởng "trọng lão, trọng nam...", "khôn đâu đến trẻ, khỏe đâu đến già" cũng đã và đang nhường chỗ cho những người trẻ có năng lực, trình độ thực sự. Với diễn biến tình hình như vậy, cùng với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng, văn hóa, nhận thức của người dân thì tính dân chủ, công bằng trong bầu cử sẽ ngày càng được đảm bảo tốt hơn”- luật sư Đặng Văn Cường bày tỏ sự tin tưởng.
Sự việc tại thôn Phúc Lập được tóm tắt như sau: Tối 2/3, thôn Phúc Lập (xã Kỳ Thượng, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) tổ chức cuộc họp giới thiệu nhân sự của thôn vào HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021.
Trong phần lấy ý kiến cử tri, ông Lê Văn Lý (trú tại thôn Phúc Lập) cho rằng Bí thư thôn Nguyễn Văn Khương không đủ tư cách đạo đức, lối sống lành mạnh nên không đủ điều kiện vào HĐND xã. Sau đó, ông Lý bị ông Bí thư thôn và họ hàng ông này xông vào đánh.