“Cò” dẫn xe vượt trạm cân: Hết đường hoạt động?
Xe tải tập trung thành đoàn để tổ chức vượt qua trạm cân (Ảnh: Internet) |
Vừa qua dư luận bức xúc về tình trạng “cò” dẫn xe quá tải tránh, vượt qua các trạm kiểm tra tải trọng xe (trạm cân) tại một số địa phương như Gia Lai, Bình Thuận. Mới đây Công an Hải Dương đã bắt quả tang 2 đối tượng nhận tiền của các lái xe quá tải để dẫn xe tránh trạm cân gây khó khăn cho lực lượng chức năng làm nhiệm vụ.
Đặc biệt là tình trạng lái xe tải cố tình tập trung thành đoàn để tổ chức vượt trạm cân, cản trở, chống đối lại lực lượng liên ngành và chống lại CSGT khi thi hành công vụ. Tại TP Hồ Chí Minh xe tải chở cát khối lượng lớn vượt trạm cân, không chấp hành hiệu lệnh dừng xe, có hành vi cản trở, chống đối lực lượng liên ngành, gây ùn tắc giao thông kéo dài...
Trao đổi với PV Infonet về các biện pháp để giải quyết tình trạng trên, Thiếu tá Phạm Quang Huy, Trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, xử lý tai nạn giao thông đường bộ - đường sắt (Phòng 3), Cục Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (C67), Bộ Công an cho biết: Để khắc phục những tồn tại, hạn chế vừa qua cũng như tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, chủ động phòng ngừa tình trạng chống lại người thi hành công vụ, bảo vệ cán bộ chiến sỹ trong khi làm nhiệm vụ, thực hiện nghiêm túc công văn chỉ đạo của Bộ Công an, Điện số 27/HT ngày 24/4/2014 của Tổng cục VII, Cục CSGT đường bộ, đường sắt có Điện yêu cầu các đồng chí Trưởng phòng PC67 Công an các địa phương chỉ đạo thực hiện ngay một số nội dung.
Đối với những trạm cân di động có kết quả không chính xác hoặc phương pháp tính trọng tải của xe chưa đúng với hướng dẫn tại Công văn số 3915/BGTVT – VT ngày 10/4/2014 của Bộ GTVT về xác định ô tô và đoàn xe chở quá trọng tải cho phép, gây bức xúc cho lái xe, là một trong những nguyên nhân dẫn đến lái xe có hành vi cản trở, chống đối hoặc chưa bố trí nơi hạ tải, thiết bị hạ tải dẫn đến lập biên bản vi phạm hành chính nhưng không buộc hạ tải ngay mà giao cho chủ xe, chủ hàng tự hạ tải nên nhiều xe tải vẫn tồn tại, lưu hành trên đường thì phải khẩn trương tham mưu cho giám đốc Công an địa phương có văn bản kiến nghị với UBND tỉnh, thành phố, Sở Giao thông vận tải để khắc phục ngay.
“Đối với những địa phương mà báo chí đã phản ảnh về tình trạng “cò” xung quanh trạm cân, phải kịp thời báo cáo Giám đốc chỉ đạo cơ quan Cảnh sát điều tra tiến hành điều tra, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Còn những địa phương có tình trạng các xe chở hàng quá tải cố tình tập trung thành đoàn tổ chức vượt trạm cân, cản trở, chống đối lực lượng chức năng phải tham mưu giám đốc Công an chỉ đạo tăng cường lực lượng cảnh sát 113, cảnh sát cơ động, Cảnh sát hình sự tham gia hỗ trợ”, Thiếu tá Huy cho hay.
Cũng theo Thiếu tá Huy, để phòng ngừa đối tượng chống lại CSGT khi thi hành công vụ như đã xảy ra ở Thanh Hóa hôm 10/5, Cục cũng yêu cầu lãnh đạo phòng, chỉ huy các đội trạm CSGT phải chỉ đạo sát sao từ việc lập kế hoạch ca công tác, bố trí lực lượng, đội hình, trang bị phương tiện, vũ khí, công cụ hỗ trợ, các phương án giải quyết tình huống phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện; không bố trí đội hình quá mỏng tại những địa bàn phức tạp về tình hình TTATGT, TTATXH và ban đêm; đồng thời phải tăng cường kiểm tra thực tế cán bộ chiến sỹ làm công tác tuần tra, kiểm soát giao thông để năng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và chấn chỉnh ngay những tồn tại, tiêu cực.
Thiếu tá Huy cũng cho biết, Cục đã yêu cầu cán bộ chiến sỹ khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát phải đảm bảo đúng quy trình, chủ động hỗ trợ lẫn nhau, sử dụng võ thuật, vũ khí, công cụ hỗ trợ theo đúng quy định của pháp luật đối với những đối tượng manh động chống đối. Khi giải quyết tình huống phải linh hoạt mềm dẻo nhưng kiên quyết, đảm bảo đúng pháp luật và yêu cầu nghiệp vụ công an nhân dân.