Cơ chế đặc thù cho TP.HCM: Đừng "chốt đồng này mua mắm, đồng này mua tương"
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân |
Sáng nay, 14/11, Quốc hội thảo luận tại tổ xung quanh dự thảo Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, TP.HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cũng đứng đầu. Thế nhưng hiện nay, TP.HCM chỉ được giữ lại 18% tất cả các khoản thu, 82% đóng về TƯ. Số khoản thu được để lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%.
Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để TP điều tiết dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. “Mà đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì cả các toa phía sau sẽ chậm theo. Nên quy định cơ chế đặc thù không phải cho TP.HCM mà cho cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về vấn đề thí điểm xây dựng thực hiện chính sách thuế tài sản, trong kế hoạch tài chính 3 năm đã đưa vào, Hiến pháp quy định Quốc hội mới ban hành sắc thuế mới. Có ý kiến cho rằng nên chờ luật vì cho thí điểm sớm quá thị trường bất động sản TP.HCM sẽ bị lao dốc. Ví dụ, đánh thuế tài sản cho người sở hữu nhà thứ hai để điều tiết giàu nghèo... vậy Quốc hội có cho đồng ý để TP.HCM làm trước, sau đó mới cho đánh giá hay không?
Trong dự thảo Nghị quyết quy định cho TP.HCM tăng mức thuế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng có nhiều loại thuế tăng hợp lý. Cụ thể như thuế Bảo vệ môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên không nên tăng tất cả các loại thuế, thuế xuất nhập khẩu nếu tăng sẽ làm mất đi tính cạnh tranh của Thành phố.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý để TP.HCM được dự toán ngân sách trên cơ sở Quốc hội sẽ giao tổng thu, tổng chi. Phải thay đổi cơ chế, giao chủ động để phù hợp với thực tế địa phương, phải thay đổi cách làm “chốt đồng này mua mắm, đồng này mua tương”.
Hiện nay, cơ chế đặc thù TP.HCM được dư nợ không quá 90%, thêm 20% so với quy định cũ. Với GDP và thu ngân sách của TP.HCM thì mức này có thể chấp nhận được và được tính toán là không tác động tới nợ công. Nhà nước có cơ sở của các bộ, ngành TƯ, khi bán thì phải nộp TƯ 100% nhưng ở cơ chế này cho để lại 50% để đầu tư hạ tầng, theo Chủ tịch Quốc hội là hợp lý.
Một nội dung khác theo dự thảo Nghị quyết là TP.HCM được cho phép hưởng nguồn thu từ cổ phần hóa của Nhà nước, đồng thời, dự toán ngân sách cho đầu tư công trung hạn do QH đã phân giao cho TP HCM 18.800 tỉ đồng để thực hiện dự án chống ngập và 2 bệnh viện tuyến cuối cũng được giữ lại.
“Tự nhiên cho cái này, lấy lại cái kia thì “hẹp hòi”. Nếu để 18.800 tỷ cho TP.HCM thì TP có thể tạo ra nhiều cái 18.800 tỷ đồng khác. Nếu đã cho đặc thù thì cho thêm chứ đừng nói bớt. Một số vấn đề khác, cơ bản thống nhất. Có ý nói cho cơ chế này, nếu thu nhập tăng thêm nhiều mức lương cơ bản tạo sự chênh lệch, tôi nghĩ nếu làm được thì cứ cho. Nếu thành công thì tính đến cải cách tiền lương, cho mở rộng ra chứ đừng sợ.
Ông Lý Quang Diệu có nói, nếu tôi cần động lực phát triển, tôi nắm trong tay nguồn lực tôi sẽ đầu tư vào người biết làm ăn, người có khả năng làm giàu để làm ra lực lượng của cải vật chất, kéo hết những người chưa biết làm ăn và nghèo đi theo. Nếu cứ chia nhỏ ra thì cùng nắm tay nhau đi hàng ngang”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.