CNRP tiếp tục xúi giục người Campuchia gây rối ở biên giới Tây Nam?
Trước thông tin đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP) kêu gọi người dân nước này tại khu vực biên giới giáp với tỉnh An Giang, Việt Nam biểu tình vào ngày 26/7 tới đây, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Hải Bình cho biết: "Việt Nam và Campuchia đã có những thoả thuận liên quan đến các hoạt động trong khu vực biên giới giữa hai nước, nhất là các khu vực biên giới chưa cắm mốc. Các hoạt động gây rối trong khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia là không phù hợp với các thoả thuận song phương liên quan giữa hai nước.
Trong thời gian qua, các cơ quan chức năng của Việt Nam và Campuchia đã tích cực phối hợp kiểm soát tốt tình hình, không để vấn đề biên giới, các vụ việc ở biên giới làm ảnh hưởng đến quan hệ hữu nghị giữa hai nước. Đồng thời hai bên nhất trí đẩy nhanh tiến trình đàm phán phân giới cắm mốc theo đúng thoả thuận giữa hai nước".
Trước đó, cuộc họp giữa hai Chủ tịch Ủy ban liên hợp phân giới cắm mốc (UBLH PGCM) biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đã diễn ra từ 07-09/7/2015 tại Phnom Penh, Vương quốc Campuchia.
Cổng thông tin của Bộ Ngoại giao đăng tải, trong cuộc họp này, hai bên đã điểm lại công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền giữa hai nước từ năm 2006 đến nay, kết quả là hai bên đã phân giới được khoảng 920 km trong tổng số chiều dài đường biên giới khoảng 1137 km; xác định được 260/314 vị trí mốc (đạt 84,1%); xây dựng được 305/371 cột mốc (đạt 82,2%); quy thuộc được 104 cồn bãi, trong đó: 39 cồn bãi quy thuộc Việt Nam, 65 cồn bãi quy thuộc Campuchia và hoàn thành kiểm tra, nghiệm thu được 191 bộ hồ sơ cột mốc.
Cũng tại cuộc họp này, trên cơ sở đối chiếu với các quy định của Hiệp ước, Hiệp định, Thỏa thuận về biên giới đã ký giữa hai nước, đặc biệt là Thông cáo Báo chí chung ngày 17/01/1995, hai bên đã trao đổi thẳng thắn về một số vụ việc xảy ra trên biên giới trong thời gian qua. Hai bên nhất trí tăng cường phối hợp giữa các địa phương và các cơ quan chức năng của hai bên trong việc giải quyết các sự kiện xảy ra trên biên giới. Trong trường hợp xảy ra các vụ việc trên khu vực biên giới, hai bên cần kịp thời trao đổi, hợp tác giải quyết, không để vấn đề phát triển hoặc lan rộng, ảnh hưởng đến quan hệ láng giềng hữu nghị tốt đẹp giữa hai nước, cản trở công tác phân giới cắm mốc.
Tại buổi họp báo chiều ngày 23/7, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Thủ tướng Hun Sen mượn Liên Hợp Quốc tấm bản đồ xác định đường biên giới giữa Việt Nam và Campuchia, người phát ngôn Lê Hải Bình không đưa ra bình luận gì. Tuy nhiên, ông Bình cung cấp thêm một số thông tin về quá trình hình thành hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa hai nước được ký kết vào năm 1985 và hiệp ước bổ sung vào năm 2005. Theo đó, các hoạt động phân định biên giới giữa hai nước sẽ tuân thủ theo hai hiệp ước này.
"Công tác phân giới cắm mốc trên thực địa thuần tuý là công việc song phương giữa hai nước Việt Nam và Campuchia, được tiến hành trên cơ sở hai hiệp ước nói trên cũng như các thoả thuận liên quan khác giữa hai nước, phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như thực tế quốc tế", Người phát ngôn Lê Hải Bình nhấn mạnh.