Chuyện về một người lạc lối trở về làm theo Bác
Chuyện về một người lạc lối trở về làm theo Bác
Ông Lê Thọ trong Ngày hội đoàn kết ở thôn Phú Diễn. |
Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 31/5/1946, Bác Hồ viết: “… Ta phải nhận ra rằng, đã là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng yêu nước. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tình thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đoàn kết, có đại đoàn kết thì tương lai chắc chắn sẽ vẻ vang”. Đối với ông Lê Thọ ở thôn Phú Diễn, xã Hoà Đồng, huyện Tây Hoà, tỉnh Phú Yên - người đã từng có thời gian phải đi lính cho chế độ Sài Gòn thì những dòng thư trên là cứu cánh của cuộc đời ông.
Chính từ cuộc đời, tấm gương đạo đức ngời sáng của Bác, tư tưởng đại đoàn kết và tấm lòng bao dung, độ lượng của Bác mà trong những năm phải đi lính cho chế độ Sài Gòn, ông Thọ không làm bất cứ điều gì hại dân, hại nước. Sau ngày giải phóng, ông đã hoà nhập cuộc sống mới rất nhanh, chung tay xây dựng quê hương. Không những thế, hiện nay ông là người tích cực vận động tuyên truyền bà con trong thôn tích cực học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
Nhờ có Bác soi đường
“Hai tay cầm khẩu súng dài/ Ngắm đi ngắm lại bắn ai thế này?!”, ông Lê Thọ từng có tâm trạng như vậy khi trốn quân dịch nhiều lần không thoát và buộc phải đi lính cho chế độ Sài Gòn. Những đêm dài nơi vùng heo hút Đắc Tô, Tân Cảnh, ông hầu như không ngủ. Qua những câu chuyện về Bác mà ông được nghe các chú, các bác trong làng kể từ khi mới 14, 15 tuổi hay trên Đài Tiếng nói Việt Nam mà ông lén nghe được, ông rất cảm phục Bác, rất cảm tình với cách mạng và ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Chính điều đó đã không cho phép ông chĩa súng vào đồng bào mình. Và thế là ông quyết định đào binh. Đào binh chưa được bao lâu, ông lại bị địch bắt vào quân đội. Dù vậy, ông vẫn không làm bất cứ một điều gì có hại đối với đồng bào, đối với cách mạng. “Tôi đi lính chẳng qua là bắt buộc chứ lòng vẫn luôn hướng về cách mạng, hướng về Bác Hồ”, ông Thọ tâm sự.
Rất may cho ông Lê Thọ là chỉ vài năm sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ngày đó, trút bộ sắc phục của chế độ Sài Gòn, ông thấy nhẹ cả người. Ông hoà nhập với cuộc sống mới rất nhanh, tham gia các phong trào cách mạng của địa phương, tham gia hợp tác xã. Là người tích cực, xông xáo, lại ham áp dụng cái mới vào sản xuất nên khi mới thành lập HTX, ông được bầu làm đội phó đội sản xuất thôn. Những năm gần đây, nhờ chính sách đổi mới của Đảng, ông Thọ đầu tư mạnh mẽ vào sản xuất, chăn nuôi và tham gia nghề xây dựng. Ông nhanh chóng nổi tiếng là nông dân sản xuất giỏi của thôn Phú Diễn và xã Hoà Đồng với hàng ngàn con gà, vịt xiêm, 4 con bò, bể cá cùng với 1 mẫu ruộng luôn cho năng suất cao. Cộng với nghề làm tráng bánh và xây dựng, mỗi năm trừ các khoản chi phí, gia đình ông có thu nhập gần 100 triệu đồng. Không chỉ lo kinh tế cho bản thân, ông còn truyền kinh nghiệm làm ăn cho những bà con khác trong thôn, tích cực tham gia các phong trào địa phương nên được bà con tín nhiệm bầu làm Chi Hội trưởng Nông dân và Trưởng Ban Mặt trận Tổ quốc thôn Phú Diễn.
Làm theo gương Bác
Ông Thọ tâm sự: "Từng tham gia quân đội của chế độ tay sai Sài Gòn, không những không bị kỳ thị mà còn được Đảng, chính quyền và nhân dân thương yêu như thế, tôi phải làm sao để xứng đáng với sự tin yêu đó".
Cũng chính vì thế mà khi có Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ông là một trong những người tích cực nhất trong thôn hưởng ứng. Ông tham gia tổ chức cho bà con học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sưu tầm những mẩu chuyện về Người kể cho bà con. Hễ lúc nào có dịp là ông lại nói chuyện cùng bà con về Bác. Ông còn lấy chính cuộc đời ông để tuyên truyền về tấm gương đạo đức tuyệt vời cao đẹp của Bác, tư tưởng đại đoàn kết của Bác một cách rất thuyết phục.
Một kỷ niệm khó quên đối với ông là lần tham gia Hội thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn xã Hoà Đồng. Ông cho biết, ông tham gia hội thi với câu chuyện “Bác Hồ ở Pác Bó” là nhằm để mọi người hiểu thêm về cuộc đời cách mạng vĩ đại của Bác. Qua hội thi, ông càng cảm phục Bác, nhớ ơn Bác và càng thấy phải ra sức học tập Bác.
Không chỉ tuyên truyền, ông còn cùng Chi bộ, Ban Nhân dân thôn, Ban Mặt trận thôn và các hội, đoàn thể ra sức xây dựng thôn Phú Diễn phát triển về mọi mặt. Phú Diễn nhiều năm liên tục được công nhận là thôn văn hoá có phần đóng góp không nhỏ của người Trưởng Ban Mặt trận thôn nhiệt tình, xông xáo.
Từ hai bàn tay trắng, lại trở về từ “phía bên kia”, ông nói: “Bây giờ được thế này, tôi biết ơn Đảng, biết ơn Bác Hồ nhiều lắm. Nếu không có Bác, tôi không biết cuộc đời mình sẽ như thế nào!”. Và vì thế, năm nay đã gần 65 tuổi, ông vẫn nhiệt tình xông xáo trong công tác, đặc biệt là vận động bà con tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh với những việc làm cụ thể, thiết thực, đưa những giá trị tư tưởng, tinh thần, đạo đức của Người trở thành nếp sống, sinh hoạt thường ngày trong mỗi con người, trong mỗi gia đình ở thôn Phú Diễn yên bình quê ông.
Phan Xuân Luật