Chuyện lạ ở Quảng Bình: Một hộ dân ra vào nhà bằng... cổng UBND xã
Bỗng dưng mất đường đi
Gia đình bà Nguyễn Thị Mẫu (61 tuổi) sinh sống ổn định gần 40 năm trên mảnh đất ở thôn Phú Lộc, xã Gia Ninh, huyện Quảng Ninh. Đến năm 1994, gia đình bà Mẫu được UBND huyện Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 700m2.
Thửa đất của gia đình bà phía Bắc là lối đi dẫn ra Quốc lộ 1A. Lối đi này tiếp giáp với đất trụ sở UBND xã Gia Ninh. Đến năm 2006, UBND xã Gia Ninh lại đề nghị cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất gồm cả phần đường đi của bà Mẫu cho các hộ ông Tài, ông Thình, bà Tuy. Cùng với đó, UBND xã để cho gia đình bà đi chung trên đất trụ sở để ra vào nhà hàng ngày. Khi UBND xã tiến hành xây dựng hàng rào bê tông, xã phải mở một cổng phụ, có cửa sắt riêng để dành cho gia đình bà tạm thời đi lại.
Gia đình bà Mẫu tạm thời sử dụng lối đi chung với UBND xã. Xã mở một cổng sắt riêng cho gia đình bà thuận lợi đi lại. |
Bà Nguyễn Thị Mẫu cho biết “xã đã làm sai khi con đường riêng vào nhà cấp vào sổ đỏ cho những hộ khác, giờ gia đình tôi không có đường đi, phải sống cảnh đi đường chung với xã. Khi tôi đi tách bìa đất làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho con thì huyện không đồng ý, vì họ nói nhà không có đường đi lại nên không tách được”.
Đi lại trên con đường chung với UBND xã, cuộc sống hàng ngày của mẹ con bà Mẫu rơi vào tình cảnh bất tiện. “Đó là cơ quan xã, nên ngày nghỉ hay ngoài giờ hành chính bảo vệ đóng cổng chính lại, còn cổng phụ vẫn để gia đình tôi đi lại. Chúng tôi đi lại cũng trớ trêu lắm, vì có khi trâu bò, hay sợ người lạ vào UBND xã, bảo vệ trụ sở xã đóng cửa lại, gia đình tôi lại phải đi gọi nhờ mở cửa, không thì buộc phải leo hàng rào để vào nhà. Mỗi lần gia đình có việc hiếu hỉ, tôi phải xin phép bảo vệ mở cổng trụ sở UBND xã để đón khách”.
Chính quyền loay hoay giải quyết
Để đòi lại đường đi của gia đình, bà Mẫu đã làm đơn gửi nhiều nơi, nhưng đến nay mới dừng lại ở chỉ đạo xuống xã, còn xã vẫn đang loay hoay tìm cách giải quyết.
Bà Nguyễn Thị Mẫu bên những lá đơn, biên lai gửi thư bảo đảm gửi cầu cứu các cấp chính quyền. |
Ông Nguyễn Ngọc Do - Chủ tịch UBND xã Gia Ninh cho biết, việc gia đình bà Mẫu bị mất đường dân sinh là do lịch sử để lại, trách nhiệm thuộc về các đời lãnh đạo xã trước đây. Xã mở lối đi chung trong UBND cho gia đình bà Mẫu chỉ là giải pháp tạm thời. Sắp tới, xã sẽ giải phóng mặt bằng để làm một con đường cấp phối dẫn vào nhà bà Mẫu, dự kiến kinh phí dưới 300 triệu đồng.
“Tôi không phải trốn tránh trách nhiệm, mặc dù hậu quả của các đời Chủ tịch trước để lại nhưng tôi đang đương chức thì mình phải tìm cái hướng giải quyết. Chúng tôi xin ý kiến Thường vụ, họp UBND xã, thống nhất làm đường rồi trích ngân sách xã ra để hỗ trợ với mức phù hợp chứ không quá được” - ông Nguyễn Ngọc Do nói.
Vào tháng 4/2018, bà Mẫu gửi đơn kêu cứu lên Bí thư tỉnh ủy Quảng Bình phản ánh gia đình bị mất lối đi nhiều năm, nhưng không được giải quyết. Ngày 27/4/2018, Văn phòng Tỉnh ủy Quảng Bình đã có công văn trả lời và truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang yêu cầu cơ quan chức năng huyện Quảng Ninh sớm giải quyết dứt điểm vụ việc, tránh để khiếu kiện kéo dài.
Công văn Văn phòng Tỉnh ủy truyền đạt ý kiến ông Hoàng Đăng Quang-Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc hơn 4 tháng rồi, thế nhưng địa phương đang loay hoay giải quyết. |
Đến ngày 17/5/2018, ông Lê Minh Ngân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình gửi công văn yêu cầu huyện Quảng Ninh thành lập Hội đồng để xác minh đơn thư của bà Mẫu. Nếu đúng như đơn trình bày thì chính quyền xã phải mở ngay lối đi cho người dân.
Trao đổi với PV Infonet, ông Phạm Trung Đông - Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh cho biết: “Việc làm lại con đường là việc đương nhiên đảm bảo công bằng cho gia đình bà Mẫu. Tuy nhiên, đất đã được cấp sổ đỏ cho cả 2 bên, nên tranh chấp phải đưa ra tòa án xử. Nhưng phía bà Mẫu chưa làm đơn ra tòa mà mới làm đơn gửi chính quyền thôi. Cách thứ 2, địa phương sẽ mở một con đường mới; nhưng để mở con đường này thì một hộ dân khác chưa chịu bàn giao đất và họ đòi giá quá cao và không đúng mức giá thị trường”.
“Huyện đã có nhiều cuộc họp bàn rồi, nếu không được thì phải cưỡng chế, thực ra đó là biện pháp cuối cùng, vì đang thúc giục để xã vận động tuyên truyền, không để xảy ra cưỡng chế hộ dân đó là cách hay nhất. Còn nếu cưỡng chế thì phải có thời gian, thực hiện từng bước theo quy định của pháp luật, chứ không thể nói là làm ngay được" - ông Phạm Trung Đông cho biết.