Chuyển Học viện CNBCVT về Viettel sẽ gây bức xúc cho cả ngành Bưu điện
Các cán bộ lão thành của ngành Bưu điện lên tiếng về việc chuyển Học viện CNBCVT sang Viettel. |
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trong mấy ngày qua lãnh đạo và các đơn vị chức năng cúa Bộ TT&TT liên tục nhận được điện thoại, đơn, thư của cán bộ công nhân viên trong ngành, kể cả của lãnh đạo Tổng cục Bưu điện, Bộ Bưu chính Viễn thông, Bộ TT&TT qua các thời kỳ kiến nghị giữ nguyên Học viện trực thuộc Bộ TT&TT theo đúng quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng chia sẻ, sở dĩ Bộ TT&TT liên tục nhận được điện thoại, đơn, thư của cán bộ công nhân viên trong ngành vì với trên 60 năm truyền thống vẻ vang, mặc dù qua nhiều giai đoạn với các tên gọi khác nhau, nhưng Học viện đều gắn bó chặt chẽ, khăng khít với sự phát triển của ngành Bưu điện mà cụ thể là Tổng cục Bưu điện, Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (nay là Tập đoàn VNPT) và Bộ Bưu chính Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) - đơn vị chủ quản của Học viện qua các thời kỳ. Các thế hệ lãnh đạo, cán bộ của ngành đã đóng góp rất nhiều công sức, trí tuệ, nguồn lực cho sự hình thành và phát triển của Học viện, đồng thời nhiều học viên tốt nghiệp Học viện hiện là các cán bộ chủ chốt của ngành. Liệu khi chuyển về Tập đoàn Viettel - Bộ Quốc phòng để xây dựng thành lập trung tâm nghiên cứu công nghệ cao thì bề dày lịch sử truyền thống, tên tuổi của một đơn vị với hơn 60 năm gắn bó với ngành Bưu điện (nay là ngành TT&TT) có còn giữ được không? Đây là tâm tư nguyện vọng hoàn toàn chính đáng có thể hiểu được của cán bộ, công nhân viên chức trong ngành.
Ông Nguyễn Văn Thụ, Trưởng Ban liên lạc hưu trí cơ quan Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, đại diện cho 510 người trong Ban liên lạc hưu trí, nguyên là những cán bộ lãnh đạo, viên chức của của 3 cơ quan: Tổng cục Bưu điện, Bộ BCVT, Bộ TT&TT; Công đoàn Bưu điện Việt Nam và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã nghỉ chế độ cũng gửi thư lên Bộ trưởng Bộ TT&TT bày tỏ bức xúc.
Trong bức thư của mình, ông Nguyễn Văn Thụ khẳng định, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (trước đây là Trường Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc) có mối liên hệ máu thịt đối với quá trình phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam (nay là ngành TT&TT) nói chung và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (trước đây là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam) nói riêng. Có thể nói, Học viện đã có đóng góp rất lớn về phát triển nguồn nhân lực đối với ngành Bưu điện, đa số cán bộ của Ngành, của Tập đoàn, trong đó rất nhiều đồng chí lãnh đạo cấp cao đã trưởng thành từ môi trường đào tạo của Học viện. Mặt khác, Tổng cục Bưu điện, Bộ BCVT, Bộ TT&TT, trực tiếp là Tổng công ty Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tạo điều kiện, đầu tư về cơ sở vật chất cho Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông lớn mạnh và phát triển vượt bậc như ngày hôm nay - là đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
“Chúng tôi đã từng bùi ngùi đón nhận thông tin Học viện chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, khi trở thành một đơn vị thuộc Bộ, Học viện sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong tương lai, đặc biệt là điều kiện về vị thế trong mở rộng liên kết với quốc tế, do đó chúng tôi chấp nhận điều đó như một thực tế khách quan tất yếu trong quá trình phát triển đi lên của Học viện. Nhưng nếu Học viện lại chuyển về dưới sự quản lý của Tập đoàn Viễn thông Quân đội thì là một vấn đề hoàn toàn khác, đi ngược lại tinh thần Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và sẽ mất đi tất cả những lợi thế cho sự phát triển của Học viện trong tương lai mà chúng tôi đã kỳ vọng khi Học viện chuyển về Bộ TT&TT. Hơn nữa, chuyển về Viettel, Học viện sẽ mất đi bao nhiêu năm truyền thống gắn kết với Ngành, với Tập đoàn, mất đi chữ “Nghĩa tình” của người Bưu điện. Chúng tôi, những cán bộ tuy đã nghỉ chế độ nhưng vẫn luôn quan tâm, gắn bó với Ngành vô cùng xót xa về điều này. Vì vậy, tôi thiết tha đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền giữ Học viện ở lại với ngành, vì tương lai của Học viện cũng như phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các thế hệ cán bộ đã và đang công tác trong ngành TT&TT”, ông Nguyễn Văn Thụ bày tỏ.
Trong bức tâm thư gửi Bộ trưởng Bộ TT&TT, ông Nguyễn Huy Luận, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TT&TT, nguyên Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Giám đốc Học viện CNBCVT đã bày tỏ bức xúc khi nghe tin Học viện bị đề nghị chuyển về Viettel.
Ông Nguyễn Huy Luận, Chủ tịch Liên chi hội Nhà báo TT&TT. |
Ông Nguyễn Huy Luận viết rằng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã trải qua các giai đoạn phát triển từ khi được thành lập năm 1953 với tên gọi trường Bưu điện - Vô tuyến, sau này được đổi tên thành Trường Đại học Kỹ thuật Thông tin liên lạc đều gắn với sự phát triển của ngành Bưu điện Việt Nam, đặc biệt là VNPT. Tập đoàn VNPT đã gây dựng, tạo điều kiện cho Học viện lớn mạnh và có sự phát triển vượt bậc trong thời gian qua. Học viện không chỉ là một trong những cơ sở đào tạo có uy tín trong hệ thống các trường đào tạo ở Việt Nam mà còn là cơ sở đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực viễn thông, CNTT có chất lượng cao cho VNPT nói riêng và ngành Bưu điện nói chung (nay là ngành TT&TT).
“Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về tái cơ cấu VNPT, Học viện đã được chuyển về trực thuộc Bộ TT&TT. Việc bàn giao Học viện về Bộ TT&TT cũng tạo nên những lưu luyến, tâm tư trong đội ngũ cán bộ nhân viên VNPT cũng như Học viện qua các thời kỳ. Nhưng vì sự phát triển của Học viện, vì khả năng nâng tầm hoạt động phục vụ cho xã hội, chúng tôi vẫn ủng hộ. Tuy nhiên, nếu Học viện lại tiếp tục được chuyển về Viettel quản lý thì điều này không những không phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, nhân viên của VNPT và của Học viện qua các thời kỳ mà còn không đúng theo tinh thần của Quyết định số 888/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Huy Luận bức xúc.
Phần cuối bức tâm thư của mình, ông Nguyễn Huy Luận tha thiết đề nghị Bộ trưởng Bộ TT&TT xem xét, báo cáo các cấp có thẩm quyền không thực hiện điều chuyển Học viện về Viettel.