Chuyên gia: JiNa đang định "bức tử" sông Hàn bằng các bến du thuyền?
Như tin đã đưa, chiều 17/7, Sở Xây dựng Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia, các hiệp hội chuyên ngành đối với đồ án quy hoạch hai bờ sông Hàn do Công ty tư vấn thiết kế JiNa Architects.Co.Ltd (Hàn Quốc) đề xuất. Tại đây đã có nhiều ý kiến đề cập đến việc hình thành các bến du thuyền trên sông Hàn.
Con tàu "trá hình" dài nhằng của DHC ở bờ Đông sông Hàn bị đánh giá là quá cảm phản (Ảnh: HC) |
Để rộng đường dư luận, báo điện tử Infonet xin đăng tải ý kiến của các đại biểu về vấn đề này:
KTS Trương Văn Ngọc: JiNa dựa vào cơ sở nào mà quy hoạch nhiều bến du thuyền trên sông Hàn đến thế? Phải chăng là tính đến chuyện lấn chiếm sông, thu hẹp diện tích dòng chảy? Tính toán hiệu quả về định hướng phát triển trong vấn đề này như thế nào? Trên sông Hàn có cảng Sông Thu có độ sâu lớn hiện không sử dụng, có thể chuyển đổi thành bến du thuyền kết hợp công viên công cộng. Tại sao không làm ở đó mà phải đi lấn sông ở những khu vực khác?
Thượng tá Nguyễn Quang Tuyển (đại diện Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng): Xây dựng được cái gì càng đẹp, càng tốt cho sông Hàn thì nên làm. Quan trọng nhất ở đây là xây dựng thế nào, xây mức độ nào. Đồ án của JiNa dường như muốn chuyển đổi công năng sông Hàn thành nơi xây dựng các bến du thuyền, sẽ ảnh hưởng nhiều đến các yếu tố an ninh đường sông, quân sự. Lòng sông Hàn hẹp, nếu tiếp tục lấn ra và hai bên bờ sông trở nên ngoằn ngoèo, chỗ ra chỗ vào như đồ án của JiNa thì sẽ biến sông Hàn thành một con kênh chứ không còn là sông nữa. Quy hoạch kiểu này chỉ tốn kém và không cần thiết vì sông Hàn vốn đã rất đẹp rồi!
KTS Hoàng Quang Huy (Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Đà Nẵng): Bến du thuyền DHC nằm ở vị trí đó là không phù hợp. Thứ nhất, mực nước ở đó cạn; thứ hai, dòng chảy tấp tất cả mọi rác thải, mọi chất bẩn vào chỗ đó hết. Lúc nãy tư vấn bảo chưa nghiên cứu được dòng chảy. Không phải, đã nghiên cứu một đồ án quy hoạch là phải nghiên cứu hết để chúng ta xác định nó khả thi hay không.
và che khuất tầm nhìn của người dân, du khách về phía đầu cầu Rồng (Ảnh: HC) |
Tôi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước, con tàu 5 tầng xây dựng trên dòng sông thì chất thải rắn, chất thải lỏng từ đó thải ra, biện pháp xử lý môi trường của nó thế nào? Biện pháp xử lý chất thải, rác thải trên dòng sông là vô cùng khó. Bây giờ JiNa lại tiếp tục đưa ra những công trình khác, ví dụ nhà hàng nổi ở gần cầu Thuận Phước, và một số vị trí khác nữa.
Sông Hoàng Phố (Trung Quốc) rộng gấp đôi sông Hàn nhưng có công trình nào vươn ra sông đâu? Lúc này tư vấn JiNa cũng bảo ở Mỹ không có chuyện trên dòng sông lại có những nhà hàng nổi. Thế thì tại sao không xóa luôn ý tưởng cho phép xuất hiện những nhà hàng nổi trên sông để tạo sự thông thoáng, thoáng đãng cho dòng sông Hàn?
Ông Huỳnh Việt Thành (nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng): Dân Việt Nam thấy bến du thuyền còn lạ, chứ ở nhiều nước thì chỉ bình thường thôi. Mới đầu thì thấy hấp dẫn, nhưng sau một thời gian thì cũng giống như gara ô tô chứ chẳng khác gì. Vì vậy không nên rải ra quá nhiều bến du thuyền, che khuất hết tầm nhìn của sông, tầm nhìn của thiên nhiên vô cùng đẹp.
Theo tôi, chỉ cần tập trung đầu tư cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu và khu vực nhà máy đóng tàu Sông Hàn trước đây thành các bến du thuyền là đủ. Từ trước đến nay, đó là những nơi neo đậu, có nhiều yếu tố thuận lợi về dòng chảy, mớm nước, luồng lạch… cho tàu thuyền ra vào, chứ không nên xây thêm bất cứ bến du thuyền nào.
Do bị chắn dòng chảy... (Ảnh: HC) |
Cái gọi là con tàu “trá hình” bằng bê tông và dài nhằng của DHC, tôi cho là vô cùng phản cảm. Tôi không hiểu lý do vì sao TP lại cho xây một công trình như thế trên sông Hàn? Tôi nghĩ sau này rất nhiều đời sẽ lên án chỗ đó. Vào sông Vĩnh Điện, chỗ gần Hội An, có con tàu bằng bê tông nhỏ nhỏ, nhìn đã thấy khó chịu rồi, huống gì con tàu của DHC lên đến 5 tầng.
Không nên xây, không nên thương mại hóa như thế, mà phải nâng tầm văn hóa của hai bên bờ sông Hàn lên. Các nhà hàng, các bến du thuyền mang tính chất nhà hàng, theo tôi là không nên xây dựng. Sông Hàn giống như “phòng khách” của Đà Nẵng, không thể đưa những công trình như thế vào đây được mà phải làm sao cho nó thật văn hóa.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Phó Giám đốc Cảng vụ Đà Nẵng: Từ thời Pháp đến giờ, khi quy hoạch xây dựng các bến cảng trên sông Hàn thì thường quy hoạch xây dựng bên phía bờ Tây vì dòng sông Hàn khi chảy ra thì sẽ bồi bên phía bờ Đông và giữ được độ sâu cho phía bờ Tây. Khi ra gần đến chỗ cầu Thuận Phước thì sông Hàn lại chuyển hướng dòng chảy.
Do vậy, quy hoạch không gian mặt nước cần phải quan tâm đến việc khi xây dựng các bến du thuyền phải làm thế nào giữ được độ sâu của luồng sông, tránh tình trạng phát triển quá nhiều bến du thuyền. Vì nếu phát triển quá nhiều bến du thuyền thì bắt buộc phải tạo luồng vào bến. Việc tận dụng độ sâu tự nhiên vào bến rất khó và phải tốn kinh phí duy tu, nạo vét hàng năm.
* * *
nên các thứ bào, rác từ thượng lưu đổ về tấp vào chân bến du thuyền (Ảnh: HC) |
Trả lời phỏng vấn báo Tiền phong ngày 18/7, ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng nêu rõ: “Tôi biết thời gian qua, tôi có nhiều quyết sách khá mạnh tay, tuy được lòng dân nhưng lại mất lòng một số người. Tôi xin khẳng định, dù thế nào, tôi vẫn bảo vệ đến cùng những quyết sách mà mình đã đưa ra”.
Việc lãnh đạo Đà Nẵng quyết định quy hoạch lại hai bên bờ sông Hàn là một trong những quyết sách mạnh tay như thế. Với những ý kiến nêu trên của các nhà chuyên môn về các bến du thuyền nói chung, dự án bến du thuyền DHC ở bờ Đông sông Hàn nói riêng, liệu lãnh đạo TP sẽ “quyết sách mạnh tay” ngay từ bây giờ, khi công trình vẫn đang thi công, hay để tiếp tục xây dựng hoàn thiện?
Đến lúc đó, nếu phía tư vấn khẳng định vị trí đặt bến du thuyền DHC hiện nay là không phù hợp thì lãnh đạo TP sẽ tính thế nào? Nên chấp nhận mất ngay từ bây giờ với thiệt hại thấp hơn, hay là để đến khi hoàn thiện rồi phải tháo dỡ với mức tổn thất cao hơn gấp bội? Hay là tới lúc đó vì thấy tổn thất quá lớn mà đành chấp nhận để cho “rất nhiều đời sẽ lên án chỗ đó” như nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng Huỳnh Việt Thành đã cảnh báo?