Để tăng cường hiệu quả đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 sửa đổi, bổ sung một số nội dung chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020; ban hành chính sách đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất .
Cụ thể về đào tạo nghề, cả nước đã hỗ trợ đào tạo nghề cho khoảng trên 1,1 triệu người, chiếm hơn 14% trên tổng số gần 8 triệu người dân tộc thiểu số (DTTS) trong độ tuổi lao động.
Tính riêng giai đoạn 2016-2018, có trên 800 nghìn người DTTS được đào tạo nghề nghiệp các cấp trình độ, trong đó khoảng 412 nghìn lao động nông thôn là người DTTS được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng theo chính sách của Đề án 1956/QĐ-TTg.
![]() |
Người lao động thuộc hộ nghèo cần được hỗ trợ dạy nghề. |
Hiện nay, đang thí điểm tổ chức đặt hàng trình độ trung cấp nghề, cao đẳng nghề với 26 cơ sở đào tạo để đào tạo cho 8.555 lao động là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp có khó khăn về kinh tế.
Ở nhiều địa phương, dạy nghề đã gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm, nhiều người DTTS sau khi được học nghề, bồi dưỡng tay nghề đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất theo mô hình trang trại, làm giàu tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương” .
Về tạo việc làm, số lao động được giải quyết việc làm ngày càng tăng. Trong giai đoạn 2014 - 2019, đã giải quyết việc làm cho 9,3 triệu lao động (cụ thể: Năm 2014 là 1,49 triệu người, năm 2015 là 1,501 triệu người, năm 2016 là 1,515 triệu người, năm 2017 là 1,515 triệu người, năm 2018 là 1,506 triệu người, năm 2019 là 1,508 triệu người).
Các Trung tâm dịch vụ việc làm đã tư vấn, giới thiệu cho 16,3 triệu lượt lao động; thông qua Quỹ quốc gia về việc làm và các nguồn tín dụng khác đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 715 nghìn lao động. Đến nay, đã có 86,1% người DTTS từ 15 tuổi trở lên có việc làm.
N. Huyền
HOẶC ĐĂNG NHẬP NHANH BẰNG TÀI KHOẢN
Quên mật khẩu?
Gửi lại mã xác nhận