“Chứng kiến những gì Thủ tướng đã làm, đó là con người rất năng động”
Sáng 6/4, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đọc tờ trình về việc xem xét, miễn nhiệm chức danh Thủ tướng Chính phủ đối với ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trong 2 nhiệm kỳ giữ cương vị người đứng đầu Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã để lại nhiều dấu ấn cả trong lĩnh vực kinh tế và hội nhập của đất nước.
ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng, để đánh giá về nhiệm kỳ điều hành Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là “không đơn giản”, phải nhìn vào cả quá trình điều hành 10 năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới có được cái nhìn khái quát và khách quan nhất.
10 năm qua đất nước đã có sự chuyển mình quan trọng trên lĩnh vực kinh tế, rồi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)… “Nếu chứng kiến những gì Thủ tướng đã làm thì đó là con người rất năng động” – ĐB Dương Trung Quốc đánh giá.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có gần 10 năm điều hành Chính phủ |
Thành công nhất trong điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng theo ĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) là dưới sự dẫn dắt của người đứng đầu, Chính phủ nhiệm kỳ vừa qua đã nỗ lực kéo lạm phát từ mức 18% xuống chỉ còn 6,8% như hiện nay. Đây là nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp phát triển.
“Thành công lớn nhất trong điều hành của Thủ tướng là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bước đầu mở ra mũi đột phá trong phát triển, cải cách thể chế…”- ĐB Vũ Tiến Lộc nhìn nhận.
ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) chia sẻ điều khiến ông ấn tượng nhất trong điều hành của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, kinh tế có sự tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước. Đặc biệt là năm 2015 có tốc độ kinh tế tăng trưởng cao nhất trong 5 năm. Chỉ số giá tiêu dùng giảm xuống ở mức thấp nhất, mặt bằng lãi suất ngân hàng giảm tới 5% so với thời điểm “đỉnh cao”. Cùng với đó, thị trường vàng, USD đã được kiểm soát…
“Tình hình kinh tế ổn định hơn so với những năm trước. Chỉ số niềm tin trong nhân dân vì thế cũng tăng lên. Qua đó, chúng ta rút ra bài học để nhiệm kỳ tiếp theo kế thừa tốt hơn” – ĐB Đỗ Văn Vẻ nói.
Dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế, ĐBQH Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, nhiệm kỳ Chính phủ vừa qua đã nhất quán, kiên trì chính sách tiền tệ ổn định, tăng trưởng hợp lý và đảm bảo an sinh xã hội. Mọi chính sách trình Quốc hội của Chính phủ đều hướng tới một mục tiêu làm sao để nền kinh tế thị trường hơn.
“Nhưng mọi nỗ lực muốn hay không còn phụ thuộc vào bộ máy hành chính. Do đó, để phát huy dân chủ vấn đề đặt ra là phải cải cách bộ máy hành chính” – ĐB Trần Du Lịch bày tỏ.
Không chỉ để lại dấu ấn trong điều hành kinh tế xã hội, dấu ấn về hội nhập cũng là điều được các ĐBQH nhắc tới nhiều khi đánh giá về nhiệm kỳ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Nhắc tới dấu ấn hội nhập, ĐB Đỗ Văn Vẻ nhìn nhận, không thể không kể tới vai trò dẫn dắt của người đứng đầu Chính phủ. 5 năm qua là nhiệm kỳ đặc biệt không chỉ của riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, còn là giai đoạn đánh dấu mốc quan trọng trong hội nhập của đất nước.
“Chúng ta ký tới hàng chục Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước. Ký các FTA bên cạnh thách thức, cũng mở ra nhiều cơ hội lớn trong phát triển thương mại khi được hưởng mức thuế quan thấp; thu hút lượng lớn vốn đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế… Chúng ta có cơ hội vươn ra biển lớn và quốc gia toàn cầu, học tập kinh nghiệm từ các DN và tập đoàn đa quốc gia…”- vị ĐB tỉnh Thái Bình đánh giá.
Ghi nhận những đóng góp và dấu ấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhưng ĐB Dương Trung Quốc cũng cho rằng, phải có cái nhìn thực sự khách quan. Theo ông, trong quá trình điều hành người đứng đầu Chính phủ cũng mắc những thiếu sót.
“Rõ ràng là bước đi đầu tiên chủ động, nhưng cũng để lại nhiều hậu quả, những câu chuyện đáng buồn liên quan tới Vinashin, Vinalines… hay hiện giờ là câu chuyện nợ công vẫn còn nhức nhối sẽ là thách thức của hiện tại, mà nhiệm kỳ của người kế nhiệm phải khắc phục” – ông Dương Trung Quốc nói.