Chưa xem xét phê duyệt siêu dự án trên sông Hồng
Theo nội dung công văn này, sau khi xem xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện theo hình thức BOO (Dự án), Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án vì chưa đủ căn cứ, cơ sở theo quy định của pháp luật.
Cùng với đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác sông Hồng để đảm bảo phát triển bền vững.
Chính phủ chưa xem xét, phê duyệt siêu dự án sông Hồng |
Việc xây dựng Quy hoạch nêu trên phải được thực hiện một cách kỹ lưỡng, khoa học và phải có sự tham gia của các địa phương liên quan, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị, xã hội khác là đại diện cho lợi ích của người dân trong lưu vực đồng bằng sông Hồng. Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất cách thức triển khai thực hiện Dự án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, siêu dự án trên sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện (công ty con của ThaiGroup - tập đoàn do ông Nguyễn Xuân Thuỵ - Bầu Thuỵ làm Chủ tịch HĐQT) đề xuất. Dự án này có tổng số vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD (24.500 tỷ đồng), cơ cấu vốn của dự án gồm 30% tự có của doanh nghiệp, còn lại 70% là vay thương mại với lãi suất (dự kiến) 4-9%.
Để đảm báo hiệu quả, Xuân Thiện sẽ xây dựng 6 nhà máy thủy điện với sản lượng dự kiến đạt 912 triệu kWh một năm và 7 cảng sông. Dự án cũng đặt kế hoạch nạo vét lòng sông Hồng với chiều dài khoảng 288 km nhằm khơi thông luồng lạch, xây dựng cảng, thuỷ điện...
Trao đổi với Infonet, nhiều chuyên gia, nhà khoa học bày tỏ ý kiến không đồng tình. Theo Giáo sư - Viện sĩ Trần Đình Long –Phó Chủ tịch Hiệp hội Điện lực Việt Nam cho rằng, đã có nhiều bài học đắt giá khi cho phép xây dựng ồ ạt các nhà máy thủy điện, như tại vùng đồng bằng song Cửu Long khiến môi trường bị hủy hoại, hàng triệu người dân sống trong khu vực bị ảnh hưởng… Chưa kể với dự án này, việc xây dựng 5-7 nhà máy điện công suất vài trăm MW không có tác động gì nhiều tới cân bằng nguồn điện của Việt Nam, trong khi chúng ta hoàn toàn có phương án thay thế tốt hơn.
“Những rắc rối mà nó gây ra còn lớn hơn lợi ích trước mắt, đặc biệt cả vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn sống “nhờ” cả vào sông Hồng” – ông Trần Đình Long nêu quan điểm.
Vị chuyên gia tiếp lời, “muốn triển khai dự án này phải có nghiên cứu, báo cáo chi tiết tác động môi trường, hiệu quả kinh tế… chứ không thể cứ nói muốn xây là xây, rồi lại ngụy biện hoặc chọn phát triển thủy điện, hoặc chọn môi trường, giống như câu chuyện cá chết đồng loạt ở miền Trung vừa qua”. Ở khía cạnh này, ông Long nhấn mạnh, trách nhiệm nặng nề của các cơ quan quản lý Nhà nước khi thẩm định hồ sơ của dự án.