Chưa tăng lương theo lộ trình, 22 triệu lao động sẽ ảnh hưởng
|
Phiên họp chiều 16/10 của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ảnh .Xuân Hải. |
Chưa tăng lương, đời sống người dân sẽ khó khăn
Chiều 16/10, Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về báo cáo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; phương hướng, nhiệm vụ và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách TW năm 2013. Theo đề xuất của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày thì Chính phủ chủ trương không bố trí nguồn thực hiện chi cải cách tiền lương theo lộ trình vào năm 2013 do tình hình thu ngân sách năm 2012 rất khó khăn và dự báo sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2013 khiến Chính phủ khó cân đối.
Theo lộ trình cải cách tiền lương thì từ 1-5-2013, lương tối thiểu sẽ tăng từ 1,05 triệu đồng/tháng lên mức 1,3 triệu đồng/tháng và để đáp ứng nhu cầu chi tăng lương theo đúng lộ trình thì nguồn ngân sách cần chi trong năm 2013 khoảng 60-65 ngàn tỉ đồng.
Đồng tình với một số chỉ tiêu sử dụng ngân sách dành cho chính sách an sinh xã hội, tuy nhiên Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị, cần đánh giá sâu sắc hơn về đời sống của người dân năm 2012 và năm 2013 để người dân hiểu và chia sẻ với nhà nước. Đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa đến chính sách để người nghèo tiếp cận các chính sách giảm nghèo của nhà nước.
Theo bà Mai, việc Chính phủ chưa tăng lương theo lộ trình sẽ ảnh hưởng đến 22 triệu người lao động gồm cả khu vực hành chính lẫn khối doanh nghiệp. Chính phủ cần có lộ trình để đảm bảo mức sống của người dân. Vấn đề tạo việc làm cho người lao động, bảo hiểm thất nghiệp cũng đượcbà Mai đề nghị Chính phủ quan tâm. “Việc tăng viện phí, học phí đã đẩychỉ số giá tiêu dùng tháng 9/2012 tăng cao, tại sao lại tăng viện phí,học phí vào lúc khó khăn này”, bà Mai nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết trong ủy ban cũng có ý kiến đồng tình với Chính phủ cho rằng trong bối cảnh cân đối ngân sách gặp nhiều khó khăn, thu ngân sách tăng thấp, nhiều nhiệm vụ chi chỉ được bố trí ở mức tối thiểu so với nhu cầu hoặc không đủ nguồn cân đối thì việc chưa bố trí ngân sách 2013 để cải cách tiền lương là vấn đề cần được tính tới. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị để góp phần bảo đảm đời sống cho cán bộ, công chức và người lao động hưởng lương, cần thực hiện một phần lộ trình tăng mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu lên 1,15 triệu đồng và phụ cấp công vụ từ 25% lên 30% từ 1-5-2013”.
Khoanh nợ, giãn nợ và mua nợ xấu
Chủ nhiệm Ủy ban tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc thu, chi ngân sách năm 2012 gặp khó khăn, vấn đề hàng hóa tồn kho giải quyết chậm, chứng tỏ nền kinh tế nước ta gặp nhiều thách thức và kéo theo năm 2013 nền kinh tế cũng sẽ gặp khó khăn.
“Vấn đề tồn kho, nợ xấu ngân hàng phải tìm biện pháp để tháo gỡ để kích cầu, kích hoạt tiêu dùng. Ngân hàng cũng phải tìm cách để cứu mình, theo tôi thứ nhất là phải khoanh nợ, thứ 2 là giãn nợ và biện pháp thứ 3 là mua lại nợ xấu”, ông Hiển đề nghị.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, nút thắt hiện nay là vấn đề hàng tồn đọng và nợ xấu ngân hàng, nếu giải quyết được nút thắt này sẽ giải quyết được các vấn đề khó khăn hiện nay của nền kinh tế. Ông Uông Chu Lưu cho rằng cần rà soát lại các công trình, dự án đang được triển khai để sớm hoàn thành, tránh dàn trải. "Tôi lấy ví dụ việc nâng cấp Quốc lộ 1 ì ạch mãi không xong, từ Hà Nội và Thanh Hóa chỉ 160 km mà đi hết 6 tiếng đồng hồ, trong khi đó có 100 km là đường cao tốc" ông Lưu nhấn mạnh.
Xuân Hải