Chưa phân biệt tiếp và giải quyết trong Dự án 'Luật tiếp công dân'
Thảo luận về Dự án Luật tiếp công dân của UBTV Quốc hội sáng 19/3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn cho rằng, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong thời gian qua tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Một câu hỏi đặt ra: Sau khi Luật này được ban hành, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo có tốt hơn không? Có đạt yêu cầu không?
Tiếp công dân thường có hai hình thức. Một là chỉ để tiếp nhận, nghe phản ánh của người dân. Hai là tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân. Nội dung thứ hai thường phải làm đến cùng. Tuy nhiên theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Luật tiếp công dân do Tổng Thanh tra Chính phủ trình lại “chưa phân biệt được” hai khía cạnh này.
Luật tiếp công dân sẽ trình Quốc hội vào tháng 5 này. Ảnh minh họa |
“Chúng ta cần phải làm rõ xem tiếp công dân để làm gì? Cấp đất sai các đồng chí có cấp lại cho dân không? Xử lý sai, có quyết định lại không? Lập văn phòng tiếp công dân nhưng lại chỉ ngồi đó, chẳng giải quyết gì sẽ gây phản cảm và căng thẳng hơn. Trong thời hạn quy định, nếu không trả lời công dân thì “anh” phải thế nào? Ai không làm đến nơi đến chốn thì phải xử lý. Rồi ra quốc hội chất vấn, bỏ phiếu tín nhiệm “ông” đó”.
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ tịch hội đồng dân tộc Ksor Phước nêu lên ba vấn đề trong việc tiếp công dân: Tiếp công dân để giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình. Cái này đơn vị nào cũng phải làm; tiếp công dân để nâng cao chất lượng hoạt động của cơ quan; cuối cùng việc tiếp công dân để nghe tâm tư nguyện vọng của người dân.
Nhưng quan trọng nhất vẫn là tiếp công dân để giải quyết khiếu nại tố cáo. “Nhiều lần tiếp xúc cử tri, bên cạnh các ý kiến phản ánh tâm tư nguyện vọng, cũng không ít trường hợp có chuyện khiếu nại tố cáo, gây căng thẳng ngay trong cuộc làm việc. Ban tổ chức đã đề nghị nhưng người ta vẫn một mực khiếu nại, tố cáo” – ông Ksor Phước nêu.
Đại biểu này cũng dẫn dụ một trường hợp cụ thể thường gặp là việc khiếu nại, tố cáo dù đã được kết luận rồi, nhưng người ta vẫn không bằng lòng, cứ tiếp tục đi khiếu nại. Luật tới đây cần quy định chương, điều nói về trường hợp này. “Phải quy định rõ trong trường hợp ấy sẽ xử lý như thế nào. Nhiều cơ quan khổ sở vì những trường hợp như vậy”.
Chủ nhiệm ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai thì cho rằng, mỗi cơ quan có cách tiếp công dân khác nhau. Vấn đề là thực hiện như thế nào thôi. Trong xã hội thường nảy sinh hai nhóm khiếu nại, tố cáo. Thứ nhất họ tố cáo những vấn đề liên quan đến quyết định hành chính. Thứ hai là nhóm khiếu nại tố cáo khác, ví dụ thấy bác sĩ nhận phong bì thì người ta đi tố cáo.
Tuy nhiên vấn đề đặt ra, vậy ai là người tiếp công dân? Nếu chủ thể tiếp công dân là những người trực tiếp điều hành, giải quyết, ví như Chủ tịch tỉnh khi thực hiện nhiệm vụ này họ sẽ tiếp nhận và giải quyết được luôn vì nó nằm trong phạm vi thẩm quyền của họ.
Theo Chủ nhiệm UB Quốc phòng An ninh Nguyễn Kim Khoa, việc tiếp công dân là của toàn bộ hệ thống chính trị. Nhưng bất cập hiện nay là đang xảy ra tình trạng khoán trắng cho các cơ quan chức năng. “Trước đây chúng ta đã tổ chức tiếp công dân ngay tại cơ quan nhà nước, và người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Nếu ban hành Luật tiếp công dân, tình hình có đổi mới không, có tiến triển gì không? Cốt lõi nhất vẫn phải là trách nhiệm, quy trình thủ tục như thế nào ở nơi tiếp công dân” – ông Khoa nêu vấn đề.
Trả lời những chất vấn xoay quanh dự thảo Luật tiếp công dân, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, Luật này ra đời sẽ coi như một Luật tiếp công dân trong cả hệ thống chính trị. Ba cấp trung ương, tỉnh, huyện sẽ có trụ sở tiếp công dân và có con dấu riêng. Nếu không có con dấu thì không chuyển đơn thư đến nơi khác được.
Riêng về trách nhiệm của người tiếp công dân, trong Luật ghi rõ thẩm quyền thuộc người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải xem xét, giải quyết kịp thời, đúng thời hạn do pháp luật quy định. Trường hợp người đứng đầu không giải quyết, hoặc giải quyết không đúng thời hạn thì “người phụ trách trụ sở tiếp công dân, Chánh Thanh tra đề nghị người có thẩm quyền xử lý vi phạm”.
Đại diện Thanh tra Chính phủ khẳng định, Luật tiếp công dân khi ra đời sẽ giúp công tác tiếp dân đạt hiệu quả hơn, việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết sẽ tốt hơn. Kết thúc phiên họp, UBTV Quốc hội yêu cầu đơn vị soạn thảo sớm hoàn thiện các nội dung đã phản ánh, kịp thời trình ra Quốc hội vào tháng 5 này.