Chưa cần cử người đi bắt quan tham, Trịnh Xuân Thanh đã tự đầu thú
ĐBQH Bùi Văn Xuyền |
ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo điện tử Infonet xung quanh thông tin Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú.
Vậy là sau 300 ngày bỏ trốn, Trịnh Xuân Thanh đã chính thức ra đầu thú. Ông đánh giá như thế nào về hành vi bỏ trốn của một cán bộ khi bị phát hiện sai phạm. Và với lệnh truy nã quốc tế này có gây ảnh hưởng gì đến hình ảnh của chúng ta hay không thưa ông?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Bị can bỏ trốn phải phát lệnh truy nã với một cán bộ có sai phạm là việc làm thường xuyên của các quốc gia. Khi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật nhưng lại bỏ trốn thì các cơ quan tố tụng phải phát lệnh truy nã quốc tế để huy động sự phối hợp của quốc tế vào công tác truy bắt, đó là việc làm bình thường.
Còn tất nhiên, nếu một quốc gia có quá nhiều tội phạm tham nhũng bỏ trốn ra nước ngoài bị truy nã thì các cơ quan truyền thông, các tổ chức quốc tế cũng sẽ đánh giá. Nhưng đối với nước ta, một vài trường hợp bỏ trốn thì cũng không phải là quá nhiều.
Trước khi Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú, có thông tin cho rằng đối tượng đã không còn ở trong nước. Cũng có ý kiến tỏ ra băn khoăn vì sao Trịnh Xuân Thanh “đi không ai biết, về “không ai hay” rồi ra đầu thú, ông bình luận gì về điều này?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Dư luận đặt ra câu hỏi này cũng dễ hiểu thôi, nhưng việc phát lệnh truy nã thì dù có các biện pháp theo dõi trên các hệ thống của cơ quan chức năng, nhưng không phải lúc nào cũng giám sát được 24/24. Cơ quan chức năng cũng không phải chỉ theo dõi một đối tượng đó. Hơn nữa, không phải cứ theo dõi mà đã phát hiện được. Vì thế, không thể đánh giá là họ không theo dõi nên khi cả quá trình đối tượng di chuyển “về nước” tự thú mà không biết, còn ngoài ra có vấn đề gì nữa không thì không nên suy đoán.
Ngoài ra, cũng có thể đặt giả thiết, trên cơ sở các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về việc truy nã thì đối tượng (Trịnh Xuân Thanh) cũng chủ động ra đầu thú để được hưởng lượng khoan hồng của pháp luật. Hoặc cũng có thể cơ quan chức năng động viên đối tượng tự nguyện ra đầu thú.
Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú được xem như là chưa từng có trong tiền lệ. Theo ông, đây có được coi là tình tiết được xem xét giảm nhẹ tội trong quá trình xét xử về sau hay không? Việc cán bộ làm thua lỗ, thất thoát ra đầu thú có được coi là tín hiệu tốt trong công tác phòng chống tham nhũng hay không, thưa ông?
ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Tất nhiên sẽ được giảm nhẹ vì ra đầu thú thể hiện sự ăn năn hối cải, sau này khi cơ quan tố tụng tiến hành xét xử sẽ được coi là tình tiết xem xét giảm nhẹ.
Theo tôi, đây là kết quả tương đối tốt, rõ ràng có động tác nghiệp vụ, có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, cho thấy quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác chống tham nhũng, thái độ của cơ quan chức năng đặc biệt những đối tượng tham nhũng đã nhận thức được hành vi sai trái của mình và họ tự về. Họ cũng hiểu thêm về mặt luật pháp, nếu ăn năn hối cải tự nguyện đầu thú sẽ được khoan hồng còn cố tình trốn tránh thì sau này phải gánh hậu quả nặng hơn. Đó cũng là một thành công.
Ở Trung Quốc, họ còn phải cử lực lượng nghiệp vụ ra nước ngoài dùng biện pháp nghiệp vụ bắt giữ đối tượng, còn mình thì chưa cần dùng đến việc đó, mới chỉ qua công tác thông tin tuyên truyền, qua các động thái, biện pháp nghiệp vụ của cơ quan chức năng mà đối tượng đã được cảm hóa, quay về đầu thú, hối cải, sau này có thể tự nguyện bồi thường hoàn trả tài sản tham nhũng. Tôi cho đấy là thành công của cơ quan chức năng và công tác phòng chống tham nhũng.
Xin cảm ơn ông!