Chủ tịch TP.HCM: Khó khăn cách mấy TP cũng ứng vốn làm metro số 1
Lãnh đạo TP.HCM và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải trò chuyện sau buổi làm việc. |
Phát biểu của Thứ trưởng ảnh hưởng đến phân bổ vốn cho metro
Tại đây, ngay khi mở đầu bài phát biểu của mình về việc kêu gọi bổ sung vốn cho tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Trưởng ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM Lê Nguyễn Minh Quang đã có những lập luận phản ứng lại phần trả lời của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Đào Quang Thu.
Trước đó, tại buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại TP.HCM ngày 23/6 vừa qua, ông Thu cho rằng tuyến metro số 1 được TP đề nghị tăng từ 19.000 tỷ đồng lên 47.000 tỷ đồng trong khi “chưa được một cơ quan có thẩm quyền nào quyết định cả”.
Trong buổi làm việc này 10/7, ông Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, khi nghe câu trả lời trên đã “rất bất ngờ”. Ngay sau đó ông dẫn ra 6 văn bản từ năm 2011 – 2016 cho thấy TP thực hiện báo cáo rất đầy đủ.
“Hàng năm Bộ GTVT đều thừa ủy quyền của Chính phủ để báo cáo Quốc hội về dự án này, vậy mà nay Bộ KH&ĐT lại có ý kiến ngược lại làm ảnh hưởng đến phân bổ vốn. Chúng tôi kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến chính thức về việc này” – ông Quang nói.
Trả lời đề nghị này sau đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông khẳng định, Bộ đã phải “vật lộn” để có được những báo cáo. Cũng như TP.HCM, Bộ được giao định kỳ báo cáo và thực tế báo cáo rất đầy đủ lên trên.
“Chúng tôi phải giải trình kỹ thì Thủ tướng mới đồng ý cho điều chỉnh chứ và trong quá trình đó chắc chắn Bộ KH&ĐT đã có ý kiến thì Thủ tướng mới đồng ý” – ông Đông nói.
Bổ sung thêm, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh rằng: “Không bao giờ Thủ tướng phê chuẩn mà lại không có ý kiến của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính”.
Tiếp tục đề cập đến việc tăng vốn của dự án metro số 1, ông Đông cho rằng sở dĩ có nhiều ý kiến khác nhau vì đang vướng vào ba bộ luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư xây dựng cơ bản và Luật quản lý nợ công.
Theo ông, giải pháp cho vấn đề này là TP tiếp tục thực hiện và phải báo cáo Chính phủ để đưa ra cuộc họp Quốc hội gần nhất, còn việc dừng lại một công trình đã triển khai như metro số 1 “là rất khó”.
Nói thêm về dự án, Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong khẳng định, “dù khó khăn cách mấy” TP cũng sẽ ứng vốn để các nhà thầu thi công tiếp tục công việc, vì nếu dừng lại sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ công trình, và không thể vận hành thử nghiệm vào năm 2019 như dự định.
“Ngân sách TP đang phải cho mượn để trả cho nhà thầu thời gian qua. Tới đây TP sẽ cho mượn tiếp để triển khai thi công” – ông Phong cho hay.
Metro số 1 đang gặp khó khăn lớn về nguồn vốn. |
TP mong muốn được tự duyệt đề án điều chỉnh
Cũng tại cuộc họp này ông Lê Nguyễn Minh Quang đã thay mặt TP đề nghị điều chỉnh dự án xây dựng tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Theo đó, ban đầu dự án được duyệt với kinh phí gần 1,4 tỷ USD. Tuy nhiên do một số nội dung phải điều chỉnh để phù hợp thực tiễn, đảm bảo tính khả thi nên số vốn đã tăng lên 2,1 tỷ USD.
Tuy nhiên hiện nay giữa các bộ đang có mâu thuẫn về thẩm quyền phê duyệt dự án.
Trong khi Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Ngân hàng Nhà nước cho rằng thẩm quyền thẩm định và phê duyệt dự án điều chỉnh thuộc UBND TP (cần phải báo cáo Thủ tướng về các nội dung điều chỉnh), thì Bộ Tài Chính, Bộ Xây dựng lại cho rằng TP cần báo cáo Thủ tướng để trình Quốc hội chấp thuận chủ trương điều chỉnh.
Về vấn đề này, sau khi dẫn ra nhiều quy định hiện hành, TP đề nghị Bộ GTVT tiếp tục ủng hộ đề xuất chấp thuận giao TP thẩm định và phê duyệt dự án điều chỉnh chứ không phải trình Quốc hội xin chủ trương đầu tư.
Đáp lại đề nghị này, ông Nguyễn Ngọc Đông cho rằng trong trường hợp đưa ra Quốc hội thì chỉ nên xin chủ trương đối với số vốn tăng thêm, chứ không phải xin lại chủ trương đầu tư của cả dự án, vì dự án này đã được Thủ tướng phê duyệt.