Chủ tịch Quốc hội: Quản lý thị trường phải như "đèn xanh, đèn đỏ"
Báo cáo tại buổi họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, Pháp lệnh Quản lý thị trường đã được Ủy ban Thường vụ QH thảo luận, cho ý kiến tại phiên họp thứ 43 ngày 10/12/2015.
Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Pháp lệnh, đồng thời khảo sát tại một số địa phương (Tp. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Long An, Lào Cai và Lạng Sơn) và tổ chức tọa đàm lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý để hoàn thiện dự án Pháp lệnh. Tuy nhiên hiện vẫn còn một số nội dung có ý kiến khác nhau.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, một số ý kiến đề nghị Quốc hội ban hành dự án Luật quản lý thị trường để bảo đảm tính pháp lý cao hơn, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Một số ý kiến đề nghị phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh cần bao quát thống nhất, toàn diện các vấn đề của hoạt động quản lý thị trường, tránh phân tán, chia cắt theo từng ngành.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc ban hành Luật quản lý thị trường hoặc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh sẽ xung đột với các luật, pháp lệnh như Luật thanh tra, Luật hải quan, Luật quản lý thuế, Luật công an nhân dân, Pháp lệnh bộ đội biên phòng, Pháp lệnh lực lượng cảnh sát biển Việt Nam...
Do vậy, mở rộng phạm vi điều chỉnh cần nhiều thời gian nghiên cứu một cách toàn diện tác động tới các luật khác và các cam kết của Việt Nam trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng. |
Theo Ủy ban Kinh tế, trong thời điểm hiện nay việc ban hành Pháp lệnh quản lý thị trường nhằm khắc phục một bước những hạn chế, bất cập, tạo sự chuyển biến kịp thời trong tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường; đồng thời kiểm nghiệm các quy định mới trong thực tiễn, trên cơ sở đó tổng kết, tiếp tục nghiên cứu xây dựng Luật quản lý thị trường trong thời gian tới.
Đề cập đến hoạt động kiểm tra, thanh tra của lực lượng Quản lý thị trường, ông Giàu cho biết, có ý kiến cho rằng cần nhấn mạnh hoạt động kiểm tra thường xuyên để đấu tranh phòng, chống các vi phạm đạt hiệu quả, việc thực hiện theo kế hoạch kiểm tra khó đáp ứng yêu cầu và không phù hợp với tính phức tạp của thực tiễn.
Về vấn đề trên, Ủy ban Kinh tế cho rằng, hàng năm, lực lượng Quản lý thị trường tiến hành các cuộc kiểm tra thường xuyên theo kế hoạch (kiểm tra định kỳ và kiểm tra theo chuyên đề) về việc thực hiện pháp luật, trong đó có những trường hợp phạm vi và đối tượng kiểm tra có thể liên quan đến nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực và nhiều địa phương.
Bên cạnh đó, lực lượng Quản lý thị trường còn tiến hành kiểm tra đột xuất khi thấy cần thiết để xử lý kịp thời các thông tin về hành vi vi phạm hoặc dấu hiệu vi phạm. Để quy định rõ các hình thức kiểm tra của lực lượng Quản lý thị trường, xin tiếp thu và chỉnh lý Điều 17 của dự thảo Pháp lệnh...
Cần quy định rõ khi nào thì được kiểm tra đột xuất
Tham gia thảo luận về dự án Pháp lệnh Quản lý thị trường, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cơ bản nhất trí với dự án Pháp lệnh và cho rằng cần phải quy định rõ khi nào thì được kiểm tra đột xuất.
Theo ông Ksor Phước, việc thanh, kiểm tra đột xuất sẽ ảnh hưởng đến kinh doanh cho nên cần phải phải ghi rất rõ và giải trình thêm khi nào kiểm tra đột xuất, những dấu hiệu nào thì được kiểm tra đột xuất?
Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý cho rằng, mong muốn của ông khi xây dựng Pháp lệnh này là đề nghị làm luật vì hoạt động quản lý thị trường liên quan đến quyền con người, quyền kinh doanh cho nên nếu làm không khéo sẽ vi phạm quyền con người.
Ông Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, ông cơ bản tán thành với nội dung của Pháp lệnh nhưng đề nghị tiếp tục rà soát một số chỗ nếu không khi thực hiện rất dễ bị vi phạm.
“Hoạt động nghiệp vụ trong này phải áp dụng làm sao cho có quy định cụ thể để không biến thành biện pháp điều tra, vi phạm quyền con người, do đó có thể phải rà soát thêm, hoặc làm rõ hơn những quy định đó”, ông Lý đề nghị.
Đại diện cho Ban soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định sẽ tiếp thu, yêu cầu rà soát lai nội dung tránh trùng lặp, tránh cách hiểu không đúng và bảo đảm Hiến pháp 2013 về quyền công dân, quyền con người.
Bộ trưởng Bộ Công thương cũng đề nghị UBTVQH cho ý kiến quyết định về tên gọi của pháp lệnh và cho biết Bộ có thể chấp nhận phương án nào cũng được. Tuy nhiên, để thống nhất với các luật, pháp lệnh khác như hải quan, cảnh sát biển… thì không nên có chữ "lực lượng".
Phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị giữ tên pháp lệnh như dự thảo, còn các nội dung khác thì tiếp thu tối đa.
Theo Chủ tịch Quốc hội nên tăng cường xây dựng lực lượng này để có thể làm nên sự nghiệp. Trước yêu cầu của đất nước và tình hình thị trường vô cùng phức tạp, vừa có chức năng chống gian lận, chống độc hại, bảo đảm an toàn cho người dân.
“Ta có gì không gọi là hàng hóa đâu, lao động cũng trở thành hàng hóa rồi. Phạm vi rất rộng. Do đó phải tăng cường lên, tiến tới sẽ làm luật”, Chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, ngay từ đầu khi bàn ban hành pháp lệnh ông chưa ưng nhưng chỉnh đi chỉnh lại thì trước tiên cần làm pháp lệnh.
Chủ tịch Quốc hội nêu ra ví dụ chỉ từ cánh đồng đến mâm cơm, ra QH chất vấn thì ông Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lại bảo do ông Bộ Công thương, ông Công thương lại bảo bà Y tế chủ trì.
“An toàn thực phẩm có phải thị trường không, có phải hàng hóa không, sản xuất kinh doanh nông lâm thủy hải sản có phải thị trường không, động vật vào sổ đỏ cả rồi có phải quản lý thị trường không, ở biên giới xuất khẩu nhập khẩu có phải quản lý thị trường không, giờ có mấy lực lượng ở đó?”, Chủ tịch QH đặt ra hàng loạt câu hỏi.
Theo quan điểm của Chủ tịch QH, luật này phải như "đèn xanh, đèn đỏ" mà người bấm đèn xanh, đèn đỏ là quản lý thị trường.
“Trái quy định của Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương thì không cho qua, không cho lưu hành trên thị trường. Hiện nay, các đồng chí bị 3, 4 luật cản trở. Đứng trước hàng hóa như thế nhưng chịu, vì vướng ông Y tế, ông Nông nghiệp quy định như thế”, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu cứ để phân tán lực lượng như thế thì Bộ trưởng Công thương luôn luôn yếu về quản lý nhà nước, vì anh không thể nào với tới được.
“Anh chỉ giữ lấy 1 điểm thôi. Các ông cứ ban hành định mức, tôi sẽ căn cứ vào ba-rem đó để bắt. Tôi chỉ kiểm soát vi phạm. Nếu không tiến tới luật như vậy thì Bộ trưởng Y tế, Nông nghiệp, Công thương, các ông bộ trưởng khác đều đổ tội cho nhau hết, dân phải chịu trận. Đâu chỉ là thức ăn, mà còn vật liệu xây dựng, đều qua buôn bán hết”, Chủ tịch QH nói.
Kết luận buổi làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đa số các ý kiến thảo luận cơ bản tán thành, có ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát để bảo đảm thống nhất trong hệ thống pháp luật và Hiến pháp, vì có ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của công dân…
Phó Chủ tịch QH đề nghị Ban soạn thảo một lần nữa rà soát lại văn bản và chỉnh sửa kỹ những nội dung đã được đặt ra trước khi trình Chủ tịch QH ký ban hành.
Kết thúc buổi làm việc, 100% đại biểu có mặt đã nhất trí thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường.