Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời chất vấn thành công
ĐB Phạm Tất Thắng, Vĩnh Long:
Dịch vụ trò chơi trực tuyến game online ngoài mặt tích cực còn nhiều mặt tiêu cực với những hệ lụy. Mỗi năm có hàng trăm kênh trực tuyến hoạt động không cấp phép. Bộ trưởng có giải pháp gì về việc này?
ĐB Huỳnh Thành, Gia Lai:
Quá trình phát triển CNTT đem lại lợi ích to lớn nhưng những tiêu cực, tác hại và tội phạm phát sinh cũng đáng lo ngại. Tình trạng game online không chỉ tốn kém tiền bạc, thời gian mà còn sa sút học tập. Bộ có biện pháp nào để ngăn ngừa tác hại trò chơi trực tuyến?
ĐB Đỗ Mạnh Hùng, Thái Nguyên:
Nhiều địa phương có tình trạng buông lỏng thông tin truyền thông làm phát sinh tụ điểm kinh doanh mạng trái phép. Xin Bộ trưởng cho ý kiến và giải pháp khắc phục?
ĐBQH chất vấn các vấn đề được cử tri quan tâm |
ĐB Nguyễn Hữu Hùng, Tiền Giang:
Đề nghị Bộ trưởng nói thêm sắp tới sẽ tiến hành đột phá gì để bảo vệ trẻ em khỏi internet?
Các dịch vụ quảng cáo như thuốc, thực phẩm chức năng tràn lan… Bộ sẽ phối hợp làm thế nào để chấn chỉnh tình hình trên?
ĐB Nguyễn Phạm Ý Nhi, Hà Nội:
Thiết bị nghe lén bày bán trên thị trường, Bộ trưởng cho biết ngành sẽ phải xử lý thực trạng trên?
ĐB Trương Trọng Nghĩa, TPHCM:
Quyền bí mật riêng tư, quyền tự do ngôn luận, báo chí được thực hiện thế nào khi Việt Nam là thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ?
3G tăng giá, khi nhà cung cấp dịch vụ đồng loạt tăng là vi phạm luật cạnh tranh. Các nhà mạng đồng loạt thống nhất tăng giá như vậy có vi phạm luật cạnh tranh của Việt Nam không?
ĐB Bùi Trí Dũng, An Giang:
Nhiều thông tin trên truyền thông gây khó cho sản xuất do chưa được kiểm chứng, tạo tâm lý hoang mang, làm giá rớt khiến người nông dân thiệt hại, điêu đứng. Việc giải quyết hậu quả này ra sao? Bộ trưởng có phải chịu trách nhiệm liên đới khi xảy ra khiếu kiện, tranh chấp?
ĐB Trần Thị Quốc Khánh, TP Hà Nội:
Thời gian qua có nhiều bài viết vu khống, gây chia rẽ nội bộ, bức xúc trong nhân dân, trong khi luật còn lỏng lẻo. Bộ trưởng đã và sẽ xử lý sơ hở này như thế nào, có cần sự phối hợp giữa các ngành khác không?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son trả lời:
Tôi xin trả lời một số câu hỏi từ ngày hôm qua (20/11).
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son trả lời thẳng thắn các câu hỏi các ĐBQH nêu. Ảnh Tuổi trẻ. |
Về số lượng báo chí:
Quy hoạch báo chí là một trong những nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước. Quy hoạch báo chí là một nhiệm vụ, thách thức lớn và nặng nề với tinh thần là báo chí sắp xếp tổ chức lại vừa đủ về số lượng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Phấn đấu đến 2020 các cơ quan báo chí phải tự hạch toán, nhà nước chỉ đặt hàng các ấn phẩm cho vùng sâu, xa, phục vụ tuyên truyền cho các chương trình nội dung của Đảng, Nhà nước. Trong đó báo điện tử sẽ trở thành báo chủ lực trong truyền thông đa phương tiện sắp tới.
Về sửa luật báo chí:
Điều 7 đã ghi rất rõ, các cơ quan tổ chức phải có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí. Đến giờ chúng ta chưa thể nói được điều gì về sửa đổi luật báo chí nói chung. Nhưng trong thời gian tới luật báo chí chắc chắn sẽ phải sửa đổi.
Về sim rác:
Đây là một trong những nguyên nhân quảng cáo rác, sim rác. Đây là nhiệm vụ rất quan trọng mà Bộ phải làm. Bộ đã ra thông tư vào năm 2009, dù đã đi vào cuộc sống nhưng kém hiệu quả. Đến 2012 đã ra thông tư 04 để tăng cường sự quản lý nhà nước… Dù đã giảm 17 triệu sim rác hiện vẫn còn chứ không phải đã hết. Một số nhà mạng đã thực hiện thông tư 04 không nghiêm chỉnh. Thời gian tới thực hiện theo nghị định mới lĩnh vực này, tăng cường hơn nữa trong việc xử lý sai phạm.
Giải pháp, thời gian tới Bộ tiếp tục thanh kiểm tra bổ sung kịp thời chế tài cần thiết, hạn chế dùng sim rác gây hại cho xã hội như ĐB nêu; Chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc để quản lý các đại lý bán hàng trên địa bàn. Thứ ba, chúng tôi tiếp tục chấn chỉnh DN bán sim; Cuối cùng tích cực đẩy mạnh tuyên truyền trong xã hội, để người dân nhận thức và thực hiện theo đúng quy định.
Về báo lá cải:
Hiện báo chí của chúng ta là phương tiện thiết yếu, cơ quan ngôn luận của các tổ chức Đảng, diễn đàn của nhân dân… Việt Nam ta không có báo lá cải. Song nhiều lúc nhiều nơi thực hiện không đúng tôn chỉ mục đích, có khuynh hướng lá cải. Hiện tượng này cần phải chấm dứt.
Giải pháp là tiếp tục phối hợp, ngăn chặn sai phạm này; đồng thời nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ phóng viên, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản, duy trì quy trình làm báo, chắc chắn sẽ hạn chế và không còn sai phạm như trên.
Quy chế cung cấp thông tin:
Thời gian qua Bộ đã tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện TTĐC. Bộ đã tổ chức hai hội nghị, mời các bộ ngành, tỉnh thành đến quán triệt chủ trương này. Chúng tôi đã triển khai quán triệt quy chế 25 này. Thứ 2 tới đây Bộ sẽ vào Nghệ An triển khai phổ biến nội dung này.
Game online:
Không phải tất cả game online đều có hại. Nếu chơi vào thời gian phù hợp thì là giải trí, kích thích sử dụng, phát triển CNTT. Ngược lại game sẽ có tác hại như ĐB nêu.
Game online vào Việt Nam từ 2005, chúng ta từng bước đưa quản lý game vào quy định, song loại hình này đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Game lậu nhập vào Việt Nam, phát triển mạnh, và năm 2010 Bộ đã phải dừng cấp phép game. Từ đó họ đã tải game từ nước ngoài vào. Thời gian tới sẽ cung cấp game lại, để đáp ứng nhu cầu người chơi và đẩy lùi game lậu nước ngoài.
Sau khi có Nghị định 97, Thủ tướng đã ban hành Nghị định 72, trong đó có nội dung quản lý game. Thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền thực hiện tốt nghị định 72. Đồng thời tăng cường phối hợp với Bộ Công an, Bộ VHTT&DL... để siết chặt quản lý game lậu. Địa bàn xảy ra tại các địa phương nên rất mong địa phương vào cuộc, quản lý chặt chẽ. Thứ nữa là đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là cho học sinh sinh viên.
Quản lý truyền thông tuyến huyện:
Đây là thực trạng có trong thời gian qua. Trước đó có Cục văn hóa thông tin cơ sở, đảm nhận chức năng thông tin cơ sở. Sau đó chỉ còn lại Cục văn hóa cơ sở, chứ không còn lĩnh vực thông tin nữa, nên có sự quản lý lỏng lẻo như ĐB nêu.
Chúng tôi đã đề nghị Chính phủ thành lập mới Vụ thông tin cơ sở thuộc Bộ TT&TT. Khi Vụ này ra đời sẽ góp phần khắc phục những vấn đề ĐB Đỗ Mạnh Hùng nêu.
Thông tin xuyên tạc trên mạng:
Bộ đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ VH triển khai quản lý việc này. Tiếp tục xem xét xem có lỗ hổng nào sẽ báo cáo cơ quan có thẩm quyền, có thể phủ kín hành lang pháp lý. Bên cạnh đó cũng tuyên truyền để các cơ quan truyền thông đưa tin chính thống của nước nhà, ngăn cản thông tin độc hại này trên mạng…
Nếu có sự phối hợp từ trung ương đến địa phương, từ nhà trường đến xã hội thì chắc chắn tình trạng trên sẽ được đẩy lùi.
Luật cạnh tranh giá cước 3G:
Nếu 3 nhà mạng bắt tay thì vi phạm luật cạnh tranh. Nhưng nếu chỉ cùng tăng giá vào một thời điểm thì không phải là vi phạm. Cục quản lý cạnh tranh đã vào cuộc, đang làm và thời gian gần đây sẽ trả lời. Nếu 3 nhà mạng bắt tay sẽ xử lý theo pháp luật.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc phiên chất vấn:
Trong quá trình trả lời chất vấn, Bộ trưởng đều có cam kết với Quốc hội sẽ báo cáo lại các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thông tin để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ thông tin.
Bộ trưởng cũng rất tích cực, cố gắng trong việc thúc đẩy về mặt quản lý nhà nước, hạn chế, từng bước đẩy lùi tác hại. Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng chất vấn nhưng đã rất thành công.
Ngành Thông tin phải xây dựng được lực lượng mạnh trong lĩnh vực truyền thông báo chí. Thứ 2 cũng cần đánh giá được những mặt trái của thông tin ngoài luồng để có biện pháp khắc phục, làm cho nền thông tin quốc gia được lành mạnh.
Một mặt phải phát triển đúng quy hoạch, đảm bảo đào tạo đội ngũ nhà báo thật căn cơ, đầy đủ, hoàn thiện. 17 nghìn nhà báo hiện nay, phải đảm bảo trang bị đầy đủ kiến thức, trình độ để tự mình có sức chiến đấu, đấu tranh. Trách nhiệm này thuộc về Bộ trưởng Bộ TT&TT…
Trong quản lý nhà nước về báo chí phải được tăng cường hơn nữa. Để làm được việc này phải nghiên cứu, chuẩn bị trình các luật liên quan. Nhưng quản lý phải theo luật pháp hiện hành.
Chúng tôi yêu cầu tập trung vào 3 nội dung chính: tôn chỉ mục đích; trách nhiệm của phóng viên báo chí; BBT chủ quản, phóng viên, TBT các báo cũng đều phải có trách nhiệm...