Chủ tịch QH: “Rất buồn vì có ĐB còn phát biểu bài của người khác”
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng |
Sáng 16/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có phiên thảo luận về việc chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội thứ 8.
Nêu ý kiến về thời gian tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc đặt câu hỏi, nêu chất vấn dài dòng khiến người nghe “khổ”. Chính bởi vậy theo nghị quyết mới thì thời gian đặt câu hỏi của mỗi đại biểu rút ngắn xuống chỉ tối đa 2 phút, thay vì 3 phút như hiện nay.
Với thời lượng kỷ lục lên tới 35 ngày, theo ông Nguyễn Văn Giàu, khối lượng công việc dồn vào kỳ họp thứ 8 rất lớn. Ông cũng lưu ý, trước kỳ họp có hội nghị tập trung, cần sử dụng triệt để, làm sao để đại biểu chuyên trách thể hiện vai trò một cách tối đa.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, để cải tiến được kỳ họp thì từng khâu phải cải tiến và thực hiện đúng. Đối với những dự án luật cho ý kiến lần đầu, ĐBQH cần cho ý kiến hết các vấn đề, từ sự cần thiết đến phạm vi điều chỉnh. Đến khi cho ý kiến lần 2 thì không đảo lại nữa.
Đối với hơn 100 đại biểu chuyên trách cần phải tập trung góp ý. Theo ông Lý, mỗi dự án luật khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến thì nên mời các đại biểu chuyên trách góp ý trước.
Trong khi kênh truyền hình riêng của Quốc hội chưa có thì Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, công tác tuyên truyền cần phải có đổi mới để mọi người dân theo dõi. Ngay tại các buổi tiếp xúc cử tri cũng chủ yếu là những người đã về hưu nói, vì họ có thời gian theo dõi các kỳ họp.
Với mỗi một dự án luật cần ít nhất 4 lần cho ý kiến, để đỡ mất thời gian về việc này, cần phải nâng cao trách nhiệm của Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Thường vụ Quốc hội chỉ xem lần đầu trước khi trình ra Quốc hội và lần thứ 2 trước khi thông qua.
Đồng tình với chủ trương này, Chủ nhiệm Ủy ban giáo dục thanh niên thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi cũng đề nghị cần phải đổi mới làm sao có thể đề cao trách nhiệm của các ĐBQH chuyên trách. Khi các Ủy ban giải trình tiếp thu thì mời đại biểu chuyên trách, nhất là những dự án luật có tính chất quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn.
“Cử tri và báo chí nói cứ thấy ĐBQH chuẩn bị sẵn báo cáo rồi cứ thế đọc mà không biết lập luận. Nếu không định hướng được điều hành, tập trung vào những vẫn đề lớn thì cuối cùng vẫn không gút ra được vấn đề quan trong sau khi thảo luận. Nếu công tác chuẩn bị chu đáo thì tất cả mọi khâu sẽ nhanh và ngược lại. Để Quốc hội bảo đảm chất lượng thì ngay từ Ban soạn thảo phải có trách nhiệm trong từng dự án luật” – Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.
Từ báo cáo về kỳ họp thứ 7 đánh giá “một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu chưa được chuẩn bị kỹ”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị những dự án nào chưa chuẩn bị kỹ cần “chỉ mặt” cụ thể. Nếu cứ chung chung thì đến kỳ họp thứ 9, thứ 10 cũng chưa sửa được.
Khi biểu quyết thông qua luật, số lượng ĐBQH tham gia biểu quyết luôn thay đổi. Từ thực tế đó, Phó Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề xem việc cải tiến tới đây có quy định nào mà đại biểu có thể được phép bấm nút biểu quyết hộ không?
Đề nghị tiếp tục cần có sự cải tiến đổi mới, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thẳng thắn cho rằng, khi phát biểu tại hội trường có “một nhược điểm rất buồn là những đại biểu am hiểu nhất thì lại không phát biểu. Thậm chí có đại biểu còn phát biểu bài của người khác…”.
Với một khối lượng công việc rất lớn tại kỳ họp thứ 8 tới đây, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần bố trí thời gian thảo luận cho các luật phải khác nhau. Có những luật bố trí thời gian ngắn bớt đi, nhưng có những luật là những vấn đề quan trọng thì phải tăng thời gian lên.